Ngày 2-8, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo tổ chức, triển khai một số biện pháp bảo đảm ATTP, phòng chống dịch bệnh cho nhân dân trong mùa bão lũ năm nay.
Cục ATTP đề nghị, khi bão, lũ xảy ra, người dân tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm, thủy sản chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân để làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm. Đối với những vùng không đủ nước sạch, có thể sử dụng các loại hóa chất sát khuẩn theo hướng dẫn của ngành y tế.
Đặc biệt, Cục ATTP đề nghị các cơ quan quản lý ATTP ở địa phương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm lợi dụng tình trạng khan hiếm thực phẩm có thể xảy ra trong mùa bão, lũ để đưa ra thị trường các loại thực phẩm không bảo đảm an toàn, vệ sinh.
Trong mùa bão lụt, nguồn cung cấp thực phẩm tươi, sạch, an toàn bị ách tắc do phương tiện vận chuyển bị hạn chế; Lương thực, thực phẩm gặp thời tiết mưa ẩm dễ bị ôi, thiu, mốc, hỏng có thể gây ngộ độc thực phẩm; Nguồn nước có thể bị ô nhiễm nặng dẫn đến ô nhiễm thực phẩm và nước uống dùng để chế biến thức ăn.
Sau bão lụt, thiên tai thường xảy ra các trường hợp ngộ độc thực phẩm hoặc các bệnh truyền qua đường thực phẩm như: Vibrio cholera gây bệnh tả, Salmonella gây thương hàn, Shigella gây lỵ trực trùng, Bacillus anthracis gây bệnh than, bệnh tiêu chảy do virus (rotavirus, enterovirus...), viêm gan A, E...
Luôn chú ý ưu tiên những thực phẩm tươi ngon (ảnh minh họa: Internet)
Để bảo vệ bản thân và gia đình, mọi người nên thực hiện 5 điều sau:
Giữ gìn vệ sinh tốt
- Rửa tay bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa với nước sạch: Trước khi tiếp xúc với thực phẩm; Trước và trong quá trình chế biến thực phẩm; Sau mỗi lần đi vệ sinh.
- Vệ sinh toàn bộ bề mặt và dụng cụ chế biến thực phẩm bằng nước sạch và chất tẩy rửa sau mỗi lần chế biến.
- Giữ gìn sạch sẽ khu vực bếp và thực phẩm phòng tránh côn trùng, sâu bọ và các động vật khác xâm nhập.
Để riêng thực phẩm sống và thực phẩm chín
- Không để lẫn thịt lợn, thịt gia súc, gia cầm và hải sản tươi sống với các thực phẩm khác.
- Sử dụng riêng các dụng cụ và thiết bị nấu nướng như dao, thớt để chế biến thực phẩm sống.
- Bảo quản thực phẩm trong các dụng cụ có nắp đậy để tránh ô nhiễm giữa những thực phẩm sống và giữa thực phẩm sống với thực phẩm chín.
Cần để riêng thực phẩm sống, chín (ảnh minh họa: Internet)
Đun nấu kỹ
- Đun, nấu kỹ thực phẩm, đặc biệt là các loại thịt, trứng và hải sản
- Đun sôi thực phẩm và đảm bảo thực phẩm luôn được nấu kỹ.
- Đun kỹ lại thực phẩm chín và chỉ đun lại một lần.
Giữ thực phẩm ở nhiệt độ an toàn
- Tránh vùng nhiệt độ không đảm bảo an toàn: Từ 5 đến 60 độ C
- Làm lạnh ngay và bảo quản ở tủ lạnh tất cả các thực phẩm đã nấu chín và thực phẩm dễ bị ôi thiu, hư hỏng khi không sử dụng ngay.
- Giữ phẩm đã nấu chín ở nhiệt độ >60 độ C trước khi ăn.
8 loại thực phẩm cực nguy hiểm nếu ăn sai giờ (Việt hóa bởi Songkhoe.vn)
Sử dụng nước và nguyên liệu an toàn
- Sử dụng nước sạch trong chế biến thực phẩm.
- Lựa chọn thực phẩm tươi từ nguồn tin cậy, an toàn.
- Rửa sạch rau và hoa quả, đặc biệt với các loại rau quả ăn sống.
- Không sử dụng thực phẩm đã quá hạn sử dụng, đồ hộp bị phồng, méo
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!