Biểu hiện của lao ruột

Cần biết - 11/24/2024

Bệnh lao ruột thường xuất hiện ở người trong độ tuổi lao động, nhất là lứa tuổi 30-55. Tác nhân gây bệnh gồm vi khuẩn lao ở người và các loại khuẩn lao của bò, chim.

Tôi được biết bệnh lao ruột rất dễ nhầm với các bệnh về đường tiêu hóa. Xin bác sĩ giải thích thêm triệu chứng của bệnh lao ruột để tôi biết cách phòng tránh.

Nguyễn Thanh (Tuyên Quang)

Trong các bệnh về lao thì bệnh lao ruột thường dễ bị bỏ qua vì bản thân người bệnh chủ quan, cho rằng mắc các bệnh về đường tiêu hóa. Bệnh lao ruột thường gặp là lao thứ phát sau lao phổi, lao thực quản, lao họng hầu, lao màng bụng. Vi khuẩn lao đến ruột chủ yếu bằng đường tiêu hóa được khu trú ngay ở ruột rồi sau đó mới đến các đường khác như đường máu, mật...

Bệnh lao ruột thường xuất hiện ở người trong độ tuổi lao động, nhất là lứa tuổi 30-55. Tác nhân gây bệnh gồm vi khuẩn lao ở người và các loại khuẩn lao của bò, chim... Chúng xâm nhập trực tiếp qua đường ăn uống, chủ yếu do dùng sữa bò tươi và các chế phẩm của sữa có trực khuẩn lao bò, bú sữa mẹ, sử dụng thức ăn và nước uống nhiễm trực khuẩn lao. Trong nhiều trường hợp, bệnh xuất hiện do vi khuẩn từ một ổ lao khác (đặc biệt là phổi) trên cơ thể đi qua đường máu, đường mật để vào ruột. Khi bị bệnh lao ruột, bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, hay bị toát mồ hôi, cơ thể gầy sút nhanh, xanh xao.

Các triệu chứng về tiêu hóa bắt đầu xuất hiện như đại tiện phân lỏng kéo dài, bụng đau âm ỉ, có cảm giác bụng bị sôi, da xanh, cảm thấy mệt mỏi về chiều, hay bị ra mồ hôi trộm. Bệnh nhân bị lao ruột không được làm xét nghiệm rất dễ nhầm với một số bệnh như tiêu chảy, ung thư manh tràng, áp-xe ruột thừa...

Để phòng bệnh lao ruột, cần giữ vệ sinh trong ăn uống, sinh hoạt, không sử dụng sữa bò tươi chưa qua xử lý. Khi có các biểu hiện bệnh, phải đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!