Những tháng đầu tiên kể từ khi được hình thành trong bụng mẹ đến khi trẻ được 2 tuổi là giai đoạn mong manh trong cuộc đời của bất kỳ đứa trẻ nào, đồng thời đây cũng chính là giai đoạn mà cách chăm sóc của các bậc làm cha mẹ sẽ có ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe và sự phát triển toàn diện của con trẻ sau này.
Thấp còi, tức là thấp hơn so với chiều cao chuẩn theo tuổi, thường là hậu quả của dinh dưỡng kém trong 24 tháng đầu đời. Hiện tại ở Việt Nam, thấp còi đang ảnh hưởng đến khoảng 2,5 triệu trẻ em dưới 5 tuổi (cứ 3 trẻ thì có 1 trẻ bị thấp còi). Với tình trạng này, Việt Nam là nước có tỷ lệ trẻ thấp còi cao thứ 13 trên thế giới.
Những thực hành dinh dưỡng tốt cho trẻ có thể dễ dàng áp dụng và duy trì ở phần lớn các gia đình ở nước ta. Đơn cử như việc cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, sau đó cho trẻ ăn bổ sung hợp lý kết hợp với tiếp tục bú mẹ đến 2 tuổi bằng những thực hành này, các bà mẹ và gia đình đã cho bé một khởi đầu khỏe mạnh nhất và giúp trẻ phòng tránh thấp còi.
Trẻ bị thấp còi hơn so với các bạn cùng trang lứa phần lớn là do quan niệm dinh dưỡng sai lầm của bố mẹ (Ảnh minh họa: Internet)
Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ giai đoạn từ khi sinh đến 2 tuổi có ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ sau này.
Hệ lụy từ thấp còi
Thấp còi có ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng học tập và khả năng thu nhập trong tương lai của đứa trẻ. Những đứa trẻ suy dinh dưỡng khi lớn lên thường có hệ thống miễn dịch yếu hơn và có nguy cơ mắc các bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh tim và béo phì cao hơn. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi nặng là chỉ số chẩn đoán rõ ràng nhất về khả năng tử vong của trẻ dưới 5 tuổi.
Trẻ bị thấp còi thường đi học muộn hơn, dễ bỏ học giữa chừng và khó tiếp thu kiến thức hơn trẻ phát triển bình thường. Và nếu nhìn tổng thể cả cuộc đời, suy dinh dưỡng là nguyên nhân làm giảm 10% khả năng thu nhập của đứa trẻ thấp còi khi lớn lên. Nếu một thế hệ trẻ em bị thấp còi còn ảnh hưởng đến sự phát triển của cả quốc gia. Ước tính, suy dinh dưỡng có thể tiêu tốn đến 3% tổng sản phẩm quốc nội của một đất nước.
Và nhận thức sai lầm phổ biến
Phần lớn nhận thức của các bà mẹ và gia đình trẻ (đặc biệt ở nông thôn, vùng sâu vùng xa) cho rằng, chiều cao khiêm tốn của con cái họ đơn giản là sản phẩm của chủng tộc. Và rằng là người Việt Nam tức là chiều cao chỉ vừa phải thôi! Đây là một nhận thức sai lầm khá phổ biến khiến cho việc nhận biết tình trạng thấp còi ở trẻ thường quá muộn. Bên cạnh đó lại chưa hiểu những hậu quả nghiêm trọng của thấp còi gây ra cho sức khỏe và cả khả năng kinh tế sau này.
Trong khi nhiều trẻ phải đối mặt với tình trạng thừa cân, béo phì thì một số trẻ lại bị suy dinh dưỡng, thấp còi (Ảnh minh họa: Internet)
Trên thực tế, tất cả trẻ em đều có cơ hội phát triển ở mức độ như nhau từ trong bào thai cho đến giai đoạn 2 tuổi nếu chúng được nuôi dưỡng đúng cách. Tuy nhiên, các số liệu cho chúng ta thấy trẻ em Việt Nam ngay ở giai đoạn quan trọng này đã có những dấu hiệu của sự phát triển bị hạn chế. Vì vậy, cần cho trẻ nguồn dinh dưỡng mà trẻ cần để chúng phát triển tối ưu nhất ngay từ ngày đầu tiên mới sinh ra và nhìn nhận một cách nghiêm túc các hậu quả của suy dinh dưỡng thấp còi.
Thế hệ trẻ em ở nước ta trong tương lai có thể sẽ cao lớn và khỏe mạnh hơn nếu giảm thiểu được tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi. Vì thế, việc cung cấp đầy đủ thông tin, tư vấn và sự hỗ trợ cho các bà mẹ nuôi dưỡng con cái mình đúng cách là rất quan trọng. Và việc cấm các sản phẩm thay thế sữa mẹ và hoạt động xúc tiến bán các sản phẩm này của các công ty sữa tại cơ sở y tế là cần thiết vì những hoạt động này có thể ảnh hưởng bất lợi đến quyết định nuôi con bằng sữa mẹ của các bà mẹ.
Để làm tốt điều này, thầy thuốc, người làm công tác hoạch định chính sách và cả các gia đình hãy cam kết với tư cách cá nhân để ủng hộ và hỗ trợ các thực hành nuôi dưỡng trẻ nhỏ tốt nhất mà chúng ta có thể làm cho con cháu mình. Với sự ủng hộ và hỗ trợ này, trẻ em sẽ tăng trưởng, phát triển tối ưu và xa hơn, đất nước chúng ta sẽ có nguồn nhân lực có thể chất và trí tuệ tốt để phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.
GS. Nguyễn Thị Thu Nhạn
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!