Dịp Tết cùng với điều kiện thời tiết như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho bệnh cúm lây lan. Bên cạnh đó là bệnh liên cầu lợn do nhu cầu tiêu thụ gia tăng cùng thói quen ăn tiết canh ở nhiều nơi. Bộ Y tế đã có những khuyến cáo cần thiết giúp người dân đảm bảo sức khỏe, du xuân an toàn.
Khuyến cáo phòng bệnh cúm
Với bệnh cúm A(H5N1) và A(H7N9): Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh cúm A(H5N1), cúm A(H7N9) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút cúm A(H5N1), cúm A(H7N9) (thường từ gia cầm) lây sang người. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp; qua tiếp xúc trực tiếp với gia cầm, phân gia cầm, sản phẩm từ gia cầm, vật dụng, môi trường bị nhiễm mầm bệnh; qua ăn thịt, sản phẩm gia cầm chưa được nấu chín.
Biểu hiện của bệnh: sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, đau người, đau cơ... Bệnh thường diễn biến nhanh và có thể dẫn đến tử vong. Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh cho người.
Để chủ động phòng chống bệnh cúm A(H5N1), cúm A(H7N9) trong dịp Tết nguyên đán và mùa lễ hội đầu năm 2018, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp sau:
- Không ăn tiết canh, không ăn gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm ốm, chết, không rõ nguồn gốc; bảo đảm ăn chín, uống chín.
- Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm ốm, chết hoặc không rõ nguồn gốc.
- Đảm bảo vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng cho gia cầm theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
- Khi phát hiện gia cầm ốm, chết, phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương, cơ quan thú y, trạm y tế xã, phường.
- Khi có biểu hiện như: sốt, ho, đau ngực, khó thở và có tiền sử tiếp xúc với gia cầm, phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
Với bệnh cúm mùa: Bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút cúm gây nên (thường là do các chủng vi rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C). Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao qua đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hoặc dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc, tiếp xúc với các đồ vật bị nhiễm mầm bệnh... Bệnh xuất hiện quanh năm và thường tăng cao hơn vào mùa đông xuân.
Biểu hiện của bệnh: hắt hơi, sổ mũi, đau họng, sốt, ho, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi... Bệnh thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... bệnh có thể diễn biến nặng, gây các biến chứng (viêm phổi...) và có thể dẫn đến tử vong. Một số chủng cúm đã có vắc xin phòng bệnh.
Để chủ động phòng chống bệnh cúm mùa trong dịp Tết nguyên đán và mùa lễ hội đầu năm 2018, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp sau:
- Vệ sinh mũi, họng hàng ngày, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng.
- Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.
- Tiêm vắc xin phòng bệnh cúm.
- Hạn chế tiếp xúc với người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh cúm.
- Người mắc bệnh cúm cần đeo khẩu trang và tránh đến chỗ đông người.
- Khi có triệu chứng ho, sốt, đau đầu, mệt mỏi... cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
Khuyến cáo phòng chống bệnh liên cầu lợn ở người
Cục Y tế dự phòng cho biết, bệnh liên cầu lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính lây truyền từ động vật sang người qua đường tiêu hoá, chủ yếu là từ lợn (heo).
Biểu hiện của bệnh: Sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, ù tai, điếc, cứng gáy, rối loạn tri giác, xuất huyết đa dạng ở một số nơi trên cơ thể, cơ thể lạnh, tụt huyết áp... Bệnh thường diễn biến nặng và tỷ lệ tử vong rất cao. Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh.
Để chủ động phòng chống bệnh Liên cầu lợn ở người trong dịp Tết nguyên đán và mùa lễ hội đầu năm 2018, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp sau:
- Không ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn (heo) chưa được nấu chín.
- Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn (heo) ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn (heo) không đảm bảo vệ sinh hoặc không rõ nguồn gốc; không sử dụng thịt lợn (heo) có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.
- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khi tiếp xúc với lợn (heo), chế biến thịt lợn (heo), thường xuyên rửa tay với xà phòng.
- Tiêu hủy lợn (heo) bệnh, lợn (heo) chết theo đúng quy định.
- Khi có biểu hiện mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Theo SK&ĐS
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!