Bộ Y tế tiếp tục tổ chức 8 đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết tại 18 tỉnh trọng điểm ngay trong tháng 8/2016 trong đó quan tâm đặc biệt đến xử lý các dụng cụ chứa nước không đúng quy định, vỏ lốp xe công nông và các vật dụng phế thải chứa ổ bọ gậy nguồn...
Bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến rất nghiêm trọng tại Tây Nguyên với số mắc tăng hơn 2,5 lần so với cùng kỳ 2015. Trước thực trạng này, ngày 1/8, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - cho hay một đoàn công tác của Bộ Y tế sẽ khởi hành đi tham gia chống dịch sốt xuất huyết tại Tây nguyên vào hôm nay.
Cục Y tế dự phòng cho biết, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh trong khu vực và trên thế giới, Bộ Y tế đã có dự báo trước sự gia tăng sốt xuất huyết nếu không triển khai tích cực và đồng bộ các biện pháp.
Ngay từ đầu năm, Bộ Y tế đã chỉ đạo, triển khai quyết liệt để hạn chế tối đa số mắc và tử vong. Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch phòng chống dịch năm 2016 của quốc gia, giám sát chặt chẽ tình hình, chỉ đạo công tác chống dịch kịp thời.
Trong tháng 3/2016, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã tổ chức phát động chiến dịch mẫu 'Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng phòng chống dịch bệnh do vi-rút Zika, bệnh sốt xuất huyết' tại TP Hồ Chí Minh, sau đó chiến dịch đã được nhân ra diện rộng tới 55 tỉnh, thành phố;
Tháng 6/2016, chỉ đạo các địa phương tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động của chiến dịch trong tháng cao điểm hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết. Bộ Y tế đã tổ chức 8 đoàn công tác đi kiểm tra công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết tại 16 tỉnh trọng điểm.
Theo ông Trần Đắc Phu, bên cạnh yếu tố thời tiết làm gia tăng sốt xuất huyết tại Tây Nguyên năm nay, qua kiểm tra thực tế tại khu vực này cho thấy vẫn còn có tình trạng các gia đình để nhiều lốp xe phế thải đọng nước ở quanh nhà làm ổ để sinh sôi muỗi gây bệnh và các bể tôn chứa nước mở nắp không được xử lý, nên muỗi vào đẻ trứng và nhiều lăng quăng/bọ gậy phát triển.
Đậy nắp bể nước, lu nước để tránh có môi trường cho bọ gậy, lăng quăng sinh sôi, nảy nở. Thế nhưng, trên thực tế vẫn còn nhiều hộ dân chưa làm được điều này.
Trong thời gian tới, trước tình hình sốt xuất huyết gia tăng trong những tháng mùa mưa, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã có công văn đề nghị Chủ tịch UBND 10 tỉnh, thành phố có số mắc, tử vong cao cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết tại địa phương;
Bộ Y tế tiếp tục tổ chức 8 đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết tại 18 tỉnh trọng điểm ngay trong tháng 8/2016 trong đó quan tâm đặc biệt đến xử lý các dụng cụ chứa nước không đúng quy định, vỏ lốp xe công nông và các vật dụng phế thải chứa ổ bọ gậy nguồn;
Chỉ đạo các địa phương tiếp tục duy trì chiến dịch 'Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng để phòng bệnh sốt xuất huyết', giám sát, phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch, tăng cường các hoạt động truyền thông và sẵn sàng vật tư trang thiết bị phòng, chống dịch bệnh.
Hiện nay, việc phòng chống sốt xuất huyết còn gặp khó khăn do bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Do đó sự tham gia tích cực và chủ động của cộng đồng, của hộ gia đình, sự chung tay của các ban, ngành đoàn thể, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc của các cấp chính quyền trong đó có đầu tư kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương cho công tác phòng chống dịch là là yếu tố hết sức quan trọng để khống chế và kiểm soát bệnh dịch này tại các địa phương trên cả nước.
>> Xem thêm: Phòng tránh những bệnh lây nhiễm mùa Hè
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!