BS Nguyễn Thị Hòa: Hen phế quản là bệnh phổi mãn tính

Cần biết - 11/24/2024

Bệnh phổi mãn tính hen phế quản với 3 quá trình bệnh lý chính: viêm đường thở, co thắt phế quản, gia tăng tính phản ứng phế quản.

BS Nguyễn Thị Hòa: Hen phế quản là bệnh phổi mãn tính

Vì vậy, khi điều trị phải tác động vào cả 3 khâu trên là dùng thuốc chống viêm, giãn phế quản và giảm phản ứng phế quản.

BS. Nguyễn Thị Hòa - Bác sĩ đa khoa - Bệnh viện đa khoa Đống Đa, cho biết:

Trong hen phế quản dị ứng khi đã biết rõ nguyên nhân gây bệnh là loại dị nguyên nào đó, có thể áp dụng phương pháp điều trị giảm mẫn cảm đặc hiệu với chính loại dị nguyên đã gây bệnh.

Trong điều trị dự phòng hen phế quản cần đạt được các mục tiêu sau: Không có triệu chứng hàng ngày, không dùng thuốc cắt cơn, không khám cấp cứu, không có cơn hen nặng, không có tác dụng phụ của thuốc, lưu lượng đỉnh buổi sáng lớn hơn 80% bình thường. Để đạt được các mục tiêu trên người bệnh cần được sử dụng các thuốc điều trị lâu dài như các loại thuốc symbicort, seretide, seroflo, cứ 3 - 6 tháng xem lại bước điều trị. Nếu kiểm soát ổn định trong 3 tháng có thể giảm bước.

Ngoài ra, người bệnh phải tránh tiếp xúc các yếu tố nguy cơ gây khởi phát cơn hen, thường gặp trong cuộc sống như: mạt bụi nhà (nên giặt đồ, vải trải giường, chăn, mền, đệm,... hàng tuần, giữ vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát); tránh xa khói thuốc lá, lò sưởi, bếp than...; không nuôi chó mèo, thú có lông trong nhà, phòng chống gián; tránh tiếp xúc với phấn hoa, nấm mốc; giữ ấm cơ thể khi thay đổi thời tiết, hạn chế tình trạng cảm cúm, viêm nhiễm đường hô hấp, không tiếp xúc với những người bị cảm cúm, nhiểm khuẩn hô hấp...

Đồng thời người bệnh cần tăng cường hợp tác với các thầy thuốc trong công tác khám chữa bệnh, kiểm soát và quản lý bệnh hen phế quản cũng như tham gia sinh hoạt câu lạc bộ, đọc báo, tạp chí, xem các chương trình chăm sóc sức khỏe trên các phương tiện thông tin đại chúng, dự các lớp tập huấn... để biết được những kiến thức cơ bản về phòng chống hen phế quản, sử dụng thuốc ngừa cơn và cắt cơn hợp lý, nhận biết những dấu hiệu nguy hiểm để có hành động xử trí hoặc tìm sự giúp đỡ của thầy thuốc.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!