BS Nguyễn Vũ Cẩm Tú: Đi tiểu ra máu, vì sao?

Cần biết - 05/03/2024

Đi tiểu ra máu là một biểu hiện bất thường của hệ bài tiết.

BS Nguyễn Vũ Cẩm Tú: Đi tiểu ra máu, vì sao?

BS. Nguyễn Vũ Cẩm Tú - Chuyên khoa Nội - Sản - Nhi - Khoa Giám định – Viện Pháp y Quốc gia, cho biết:

Đi tiểu nước tiểu có màu hồng lẫn màu trắng ở cuối bãi là dấu hiệu có máu trong nước tiểu (đái ra máu). Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra đái ra máu.

Ở niệu đạo:

- Giập niệu đạo do chấn thương.

- Ung thư tiến liệt tuyến.

- Polip niệu đạo: chỉ gặp ở phụ nữ.

Ở bàng quang.

- Viêm bàng quang:

+ Do lao: có triệu chứng viêm bàng quang kéo dài, phải soi bàng quang mới chẩn đoán được.

+ Do sỏi bàng quang: hay gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới. Cần phải soi bàng quang hoặc chụp Xquang bàng quang.

- Khối u bàng quang

+ Ung thư bàng quang: ít gặp, thường người già.

+ Polip bàng quang: chỉ có đái ra máu đơn thuần, nhiều lần. Phải soi bàng quang mới thấy được.

- Nhiễm schistosoma bàng quang: Hiếm gặp.

Ở thận.

- Sỏi thận: Những sỏi nhỏ dễ gây đái ra máu hơn sỏi to, thường hay xảy ra khi làm việc mệt mỏi, lao động nặng, sau cơn đau quặn thận. Sỏi thận có thể gây ứ nước bể thận và gây viêm mủ bể thận. Do đó có thể gây đái ra máu phối hợp với đái ra mủ.

- Lao thận: thời kỳ đầu, gây đái ra máu vi thể, nếu nặng, thành hang sẽ gây đái ra máu đại thể. Đái ra máu ở đây xảy ra bất kỳ lúc nào, lúc đang làm việc hay nghỉ ngơi.

- Ung thư thận: triệu chứng chủ yếu là đái ra máu tự nhiên, nhiều lần. Khám thấy thận to, giãn tĩnh mạch thừng tinh. Hay gặp ở nam giới, người già.

- Thận nhiều nang: cũng có thể gây đái ra máu đại thể, nhưng ít gặp. Thường hay gây đái ra máu vi thể. Khám thấy cả hai thận đều to.

- Do giun chỉ: giun chỉ có thể làm tắc và gây vỡ bạch mạch đồng thời gây vỡ cả mạch máu đi kèm, gây nên hiện tượng đái ra dưỡng chấp và đái ra máu đồng thời. Thường hay tái phát nhiều lần.

- Do ngộ độc: Axetanilit, nitrotoluen, cantarit, axit picric, Na salixylat phatalein, lá cây đại hoàng, photpho.

Do bệnh toàn thân.

- Các bệnh máu ác tính: bạch cầu cấp và mạn, bệnh máu chảy lâu, bệnh máu chậm đông cũng có thể gây đái ra máu. Nhưng ngoài đái ra máu còn có những triệu chứng chảy máu ở nơi khác như dưới da, chân răng… làm công thức máu, huyết đồ, tuỷ đồ, thời gian máu chảy, máu đông sẽ chẩn đoán được.

- Dùng thuốc chống đông: Heparin, dicoumarol… nếu dùng quá liều sẽ gây chảy máu (đái ra máu, đi ngoài ra máu, máu cam…) cần theo dõi tỷ lệ protrombin ở những người bệnh dùng thuốc này, khi xuống quá 40% phải ngừng thuốc.

Tóm lại, dù là bất kì nguyên nhân gì thì việc nước tiểu có màu hồng cũng là bất thường. Người bệnh cần đi khám sớm ở cơ sở y tế chuyên khoa tiết niệu để được kiểm tra và có chẩn đoán chính xác.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!