Viêm bàng quang ở trẻ em cần trị triệt để

Nuôi dạy con - 09/21/2024

Ở trẻ em, đường tiểu là nhóm cơ quan hay bị nhiễm trùng đứng hàng thứ 3 chỉ sau đường hô hấp và đường tiêu hóa. Trong đó, viêm bàng quang là hay gặp nhất và dễ nhận biết nhất.

Những dấu hiệu gợi ý

Trẻ bị viêm bàng quang thường có các triệu chứng sau: Trẻ có các biểu hiện rối loạn đi tiểu như tiểu nhiều lần, tiểu lắt nhắt, tiểu đau, tiểu rát, tiểu khó. Với các trẻ nhỏ chưa nói được, các bé thường hay quấy khóc nhiều trong và sau khi đi tiểu; trẻ thấy đau vùng trên xương mu hoặc xoa, ôm bụng vùng dưới rốn kèm quấy khóc; tiểu ra máu hoặc lợn cợn mủ; trẻ thường không sốt hoặc chỉ sốt nhẹ.

Nguyên nhân gây bệnh

Có một số nhóm nguyên nhân gây bàng quang thường gặp như: Vi khuẩn (đây là nhóm tác nhân khá thường gặp, chủ yếu do E.Coli từ đường ruột lây lan qua đường tiết niệu), virus (chủ yếu là Adenovirus) gây viêm bàng quang chảy máu, trẻ thường tiểu khó, tiểu nhiều lần, sau 12-24 giờ bắt đầu đái máu, tuy nhiên các triệu chứng này thường hết khá nhanh. Một số trẻ có thể bị viêm bàng quang do một số thuốc như cyclophosphamide trong điều trị ung thư...

Các yếu tố thuận lợi

Không phải trẻ nào cũng dễ bị viêm bàng quang, những trẻ có kèm theo các điều kiện dưới đây thì dễ bị viêm bàng quang hơn các trẻ khác.

Viêm bàng quang ở trẻ em cần trị triệt để

Vệ sinh không đảm bảo: Người nhà hoặc trẻ khi vệ sinh vùng kín hoặc dương vật không chú ý vấn đề vệ sinh, ví dụ như ở trẻ gái thường vệ sinh sai cách, lau từ vùng hậu môn ra trước vùng âm hộ, âm đạo dẫn tới lây nhiễm vi khuẩn của đường tiêu hóa như E.Coli; ở trẻ trai, khi tắm bố mẹ thường quên vệ sinh các cặn bẩn ở vùng đầu dương vật cũng tạo điều kiện cho sự viêm nhiễm; bố mẹ quên thay bỉm bẩn thường xuyên cho trẻ…Một số tình trạng bố mẹ ít để ý nhưng dễ gây viêm bàng quang cho trẻ như táo bón, quên tẩy giun đặc biệt là giun kim...

Ngoài ra có một số tình trạng dị tật bẩm sinh đi kèm khiến trẻ dễ bị nhiễm trùng đường tiểu và bị tái phát nhiều lần như hẹp bao quy đầu, dính môi lớn, nứt gai đốt sống, tổn thương não hoặc vùng cột sống thắt lưng - cùng cụt gây bệnh lý bàng quang thần kinh...

Làm gì khi trẻ bị viêm bàng quang?

Khi trẻ có các dấu hiệu gợi ý viêm bàng quang như đã kể trên, bố mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế khám, xét nghiệm nước tiểu để chẩn đoán bệnh cho trẻ.

Điều trị viêm bàng quang thường phải dùng kháng sinh. Bên cạnh đó nếu trẻ có các bệnh lý đi kèm hoặc các dị tật đường tiết niệu, các bác sĩ sẽ cho làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu hơn để điều trị triệt để cho trẻ.

Viêm bàng quang nếu không được nhận biết và điều trị đúng sẽ làm cho trẻ kích thích, khó chịu, bố mẹ lo lắng bất an. Hơn thế nữa, viêm bàng quang không điều trị sớm và đúng cách sẽ khiến trẻ có nguy cơ cao bị viêm thận bể thận dẫn đến nhiễm trùng huyết gây nguy hiểm tính mạng hoặc nếu kéo dài sẽ gây suy thận mạn về sau.

Dự phòng như thế nào?

Uống nhiều nước là chìa khóa quan trọng trong điều trị và dự phòng viêm bàng quang. Việc cung cấp đủ nước sẽ tạo ra nhiều nước tiểu, tạo một dòng chảy lưu thông liên tục khiến vi khuẩn bị tống xuất nhanh ra ngoài.

Bên cạnh đó trẻ nên được khuyến khích đi tiểu thường xuyên khi buồn đi tiểu, không nên nhịn tiểu quá lâu vì nước tiểu ứ đọng trong bàng quang lâu sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi nảy nở.

Tẩy giun định kỳ cho trẻ.

Bố mẹ nên tạo thói quen thay tã bẩn thường xuyên cho bé, vì nước tiểu và phân ở trong bỉm quá lâu sẽ lây nhiễm ngược dòng lên bàng quang.

Chú ý vệ sinh đúng cách cho trẻ, đối với trẻ gái nên lau từ trước ra sau, với trẻ trai thì nên rửa sạch vùng da ở đầu dương vật khi tắm cho trẻ.

Mặc quần cho trẻ bằng cách loại vải thoáng mát, mềm mại.

Tránh để trẻ bị táo bón.

Vi khuẩn E.coli là nguyên nhân chủ yếu gây viêm bàng quang ở trẻ em.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!