Ngày 11 tháng 8 vừa qua, Tổng thống Vladimir Putin đã phê duyệt dùng đại trà vaccine có tên Sputnik V do Nga bào chế để hỗ trợ phòng dịch COVID-19. Tuyên bố này ngay lập tức nhận được nhiều ý kiến phản biện từ các nhà khoa học trên thế giới, mà một số còn cho rằng quyết định trên là liều lĩnh và nguy hiểm.
Nhằm góp phần lý giải phản ứng thận trọng và/hoặc gay gắt của giới khoa học, xin chia sẻ một số thông tin chung về quá trình nghiên cứu vaccine/thuốc điều trị, qua đó nêu lên những khác biệt cần lưu ý về vaccine Sputnik V.
Quy trình đương nhiên - vì an toàn của hàng triệu người KHỎE MẠNH
Trong suốt thế kỷ qua, các nhà nghiên cứu đã xây dựng và triển khai những quy trình chặt chẽ để kiểm định độ an toàn và tính hiệu quả của vaccine và thuốc điều trị.
Những quy trình nghiêm ngặt này được đưa ra dựa trên những bài học đau thương trong quá khứ, khi một số vaccine mới đã gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng lên sức khỏe người dùng. Sự nghiêm ngặt này là cần thiết để đảm bảo rằng vaccine khi được chuẩn thuận và đưa ra sử dụng phải là một trong những sản phẩm y tế an toàn nhất.
Điều này là đương nhiên vì so với thuốc điều trị dùng trên người đã mắc bệnh, vaccine sẽ được tiêm cho hàng triệu người KHỎE MẠNH, chưa hề mắc bệnh đó trong công đồng. Nguyên tắc đầu tiên của Y khoa là Không gây hại, nên nếu vaccine làm chết người hay gây tác dụng phụ nghiêm trọng, quá trình phát triển vaccine đó cần phải dừng lại.
Trên thực tế, nếu kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng trên các dòng tế bào (in vitro) và nghiên cứu trên động vật (in vivo) có triển vọng thì người ta mới tiến lên bước tiếp theo là thử nghiệm lâm sàng, tức nghiên cứu trên con người.
Thử nghiệm lâm sàng được chia làm 4 pha/giai đoạn.
Trong pha 1, vaccine được tiêm cho vài chục người khoẻ mạnh để xem thử việc chích vaccine có an toàn và khả thi hay không. Sự an toàn ở đây thường chỉ được đánh giá ở mức sơ đẳng, tức là không gây ra tác dụng phụ/tác dụng ngoại ý tức thời và nghiêm trọng/chết người như sốc phản vệ. Phản ứng miễn dịch của các đối tượng nghiên cứu cũng sẽ được ghi nhận, qua đó các nhà nghiên cứu cân nhắc về định dạng, liều lượng và lịch trình của vaccine để tiếp tục sang pha 2.
Trong pha 2, vaccine sẽ được tiêm cho hàng trăm người để tiếp tục quan sát chi tiết hơn. Mục đích của pha 2 là tiếp tục thu thập số liệu về độ an toàn của vaccine trong thời gian dài hơn, kèm theo số liệu về khả năng gây đáp ứng miễn dịch (sinh kháng thể chống lại mầm bệnh) của vaccine.
Thử nghiệm lâm sàng pha này còn ghi nhận nhiều thông số khác như thời gian hình thành và duy trì lượng kháng thể trong người để tối ưu chiến lược tiêm vaccine. Ví dụ: nên tiêm 1 liều hay 2 liều, nếu 2 liều thì nên cách nhau bao lâu,… Những ảnh hưởng của tuổi tác, giới tính, sắc tộc,… cũng sẽ được khảo sát với độ chắc chắn cao hơn vì có nhiều người tham gia hơn pha 1. Tất cả những dữ liệu của pha 2 sẽ làm tiền đề để tiến tới thử nghiệm pha 3.
Pha 3 của thử nghiệm lâm sàng là pha quan trọng nhất, vì kết quả nghiên cứu sẽ quyết định vaccine có được chuẩn thuận cho dùng rộng rãi hay không. Thử nghiệm lâm sàng pha 3 cần có hàng nghìn, thậm chí hàng vạn người tham gia, và tình nguyện viên phải được theo dõi một thời gian dài, thường hơn 1 năm để chắc chắn rằng các tác dụng phụ với tần suất thấp cũng có thể được ghi nhận.
Điều này không khó hiểu vì giả sử vaccine có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng nào đó với tần suất 0.1% thì có nghĩa là tiêm 1000 người thì mới có thể ghi nhận 1 người bị tác dụng phụ đó. Nếu chỉ làm 'sơ sơ' trên 100 người thì có thể bỏ sót. Yêu cầu an toàn của vaccine là rất cao, và đó là việc phải làm!
Khả năng thành công ở mỗi pha thử nghiệm lâm sàng Tỉ lệ được chuẩn thuận của một loại dược phẩm là dưới 10%
Tuy nhiên, mục tiêu ưu tiên (Primary outcome) của pha này không phải là báo cáo tỉ lệ các loại tác dụng phụ mà phải chứng minh được hiệu quả thực tế của vaccine. Tính hiệu quả này không phải là tỉ lệ người có kháng thể sau khi chích vaccine mà phải là sự giảm tỉ lệ mắc bệnh ở những người tiêm vaccine, SO VỚI nhóm không chích vaccine có các yếu tố dịch tễ tương đương.
Vì quá trình thử nghiệm phải để xảy ra tự nhiên tại cộng đồng, nếu nguy cơ mắc bệnh quá thấp (tức bệnh quá hiếm chẳng có ai mắc, hoặc khi người dân đang thực thi rửa tay, giãn cách xã hội tốt) thì việc chứng minh vaccine hữu ích (tức làm nguy cơ mắc bệnh thấp hơn nữa) là…cực kỳ khó. Nghiên cứu có thể cần tới hàng vạn người tham gia thì mới hi vọng kết luận chắc chắn về lợi ích của vaccine.
Được biết, thử nghiệm pha 3 của công ty Moderna (Mĩ) có đến 30,000 người tham gia, và phải đợi đến tháng 10/2022 mới có đủ kết quả để báo cáo. Một số nghiên cứu lâm sàng có thể tập trung vào các đối tượng cụ thể có nguy cơ cao (như nhân viên y tế hoặc người sống cùng nhà với bệnh nhân COVID-19) để giảm số lượng người cần khảo sát/theo dõi, tuy nhiên, chúng có thể thiếu tính phổ quát để được áp dụng rộng rãi cho mọi người dân về sau.
Sau khi được phê chuẩn và bán ra thị trường, người ta vẫn phải theo dõi độ an toàn và hiệu quả của vaccine ở mức cộng đồng để ghi nhận thêm các biến chứng và phản ứng phụ (nếu có), góp phần bổ sung những thông tin mà thử nghiệm pha 3 có thể bỏ sót. Giai đoạn này được gọi là Pha 4 của thử nghiệm lâm sàng.
'Triển khai vaccine đại trà mà không qua thử nghiệm lâm sàng là vi phạm y đức'
Từ đầu mùa dịch đến nay, những kỳ vọng vào vaccine chống COVID-19 đã giúp nhiều thử nghiệm lâm sàng được triển khai với tốc độ 'đại dịch'. Hiện nay có hơn 90 loại vaccine đang tham gia 'vòng đua cấp tốc'.
Tuy nhiên, cần nhớ rằng khả năng một loại dược phẩm qua được 3 pha thử nghiệm lâm sàng nói trên và được chuẩn thuận là dưới 10%. Những dịch bệnh 'anh em' với COVID-19 như MERS, SARS vẫn chưa có vaccine mặc dù được nghiên cứu từ nhiều năm nay.
Dù giới khoa học đã tiến hành những cải tiến để rút ngắn thời gian hoàn tất 3 pha của thử nghiệm lâm sàng như kết hợp các pha với nhau, phải nói rằng từ khi bắt đầu pha 1 tới khi kết thúc pha 3 là một quá trình dài gian nan và thường tốn tầm 3-3.5 năm (Hình 2).
Thời gian biểu của việc nghiên cứu, thử nghiệm và triển khai đại trà các vaccine trước dịch COVID-19
Tuy nhiên, trước bối cảnh dịch COVID-19, một số vaccine đã được thử nghiệm 3 pha kiểu 'gối đầu lên nhau', để hoàn tất trong 1 năm kỷ lục! (Hình 3)
Thời gian biểu của việc nghiên cứu, thử nghiệm và triển khai đại trà vaccine liên quan tới COVID-19.
Việc xây dựng nhà máy, sản xuất và phân phối đại trà cũng thường tốn thời gian mà theo quy trình thông thường sẽ phải tới cuối năm 2033 mới có vaccine (Hình 2). Tuy nhiên, với COVID-19 thì nhiều nơi đã bắt đầu xây nhà máy chuẩn bị sản xuất (!) và mọi thứ đều đang được đẩy nhanh để tháng 8 năm 2021 triển khai được những liều vaccine đầu tiên! (Hình 3).
Trong bối cảnh cả thế giới 'nín thở' dõi theo kết quả của các thử nghiệm lâm sàng 'có lớp có thì' (dù được rút ngắn) như vậy, tuyên bố của Tổng thống Nga đã nổ như đạn pháo vì Sputnik V chưa hề qua thử nghiệm lâm sàng nghiêm ngặt.
Những tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Y tế Nga Mikhail Murashko rằng tất cả 38 người tình nguyện đều hình thành kháng thể kháng COVID-19 chỉ là kết quả từ thử nghiệm pha 2 và nó không thể dùng để khẳng định rằng vaccine này thực sự hiệu quả.
Triển khai vaccine đại trà trước khi hoàn tất thử nghiệm pha 3, với báo cáo trên tạp chí y khoa chuyên nghiệp là điều làm giới khoa học quan ngại, vì cách làm này đi ngược quy chuẩn của y học.
Giáo sư Francois Balloux (University College London) đã nói rằng 'Triển khai vaccine đại trà mà không qua thử nghiệm lâm sàng là vi phạm y đức. Một số học giả khác cũng cho rằng quyết định của Nga là 'liều lĩnh và ngớ ngẩn'.
Tóm lại, khi hiểu rằng việc chứng minh độ an toàn và hiệu quả của vaccine là một quá trình nghiêm ngặt, mất thời gian nhưng rất cần thiết, chúng ta sẽ thấy những tuyên bố vừa qua về Sputnik V là vội vàng và cần thận trọng.
Ghi chú: Người viết bài không hề có mâu thuẫn lợi ích với bất kỳ công ty sản xuất vaccine nào.
1. Y Học Cộng Đồng là dự án thiện nguyện do nhiều bác sĩ trong và ngoài nước chung tay xây dựng với sự hỗ trợ của nhóm CNTT và hơn 200 cộng tác viên.
2. Website https://yhoccongdong.com/ là nơi tổng hợp và chuyển tải thông tin cơ bản, quan trọng về nhiều loại bệnh, cách điều trị và phòng tránh giúp cộng đồng giữ gìn sức khỏe. Những thông tin này luôn tham khảo tài liệu dành cho bệnh nhân uy tín ở Anh, Nhật, Mỹ để đảm bảo tính xác thực và tính hệ thống.
Tài liệu tham khảo
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4944327/
https://www.nytimes.com/interactive/2020/04/30/opinion/coronavirus-COVID-vaccine.html
https://www.nytimes.com/2020/08/11/health/russia-COVID-19-vaccine-safety.html
https://hdsr.mitpress.mit.edu/pub/pnp0pr4j/release/1
https://www.nature.com/articles/d41586-020-01221-y
https://www.nature.com/articles/d41586-020-02386-2
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!