BSCK2 Nguyễn Trung Cấp: Truyền thông chống dịch COVID-19 thực sự đã 'đi trước một bước'

Thời sự - 11/24/2024

Trong đại dịch COVID-19, chúng tôi đã từng tiếp xúc với BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) rất nhiều lần. Nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, chúng tôi lại phỏng vấn 'gương mặt quen thuộc' này với góc nhìn của một người trực tiếp trong cuộc chiến chống lại tin giả và những chuyện hậu trường sau tấm áo blouse trắng.

BSCK2 Nguyễn Trung Cấp: Truyền thông chống dịch COVID-19 thực sự đã 'đi trước một bước'

BS Nguyễn Trung Cấp Ảnh: Lê Bảo

Tin giả nhưng hậu quả trực tiếp

+ Khi không nắm đủ và rõ thông tin, ai cũng mang trong mình nỗi sợ hãi thường trực. Điều ấy đã tạo ra đất sống mạnh mẽ cho tin giả, nhất là trong đại dịch COVID-19. Tin giả nhưng hậu quả thật, bác sĩ biết rất rõ điều đó?

- Chính xác. Trong thời gian đầu của dịch, tầm 1 tháng trước khi xuất hiện nhóm bệnh nhân từ Vũ Hán (Trung Quốc) trở về, tôi cảm nhận người dân chưa dành trọn sự tin tưởng với thông tin và biện pháp chống dịch của chúng ta. Nói cách khác là người dân nghĩ có hiện tượng giấu dịch.

Vì tâm lý như thế nên họ đi tìm nguồn tin không chính thống. Đó là mảnh đất để tin giả sinh sôi. Về cơ bản, giai đoạn đầu, tin giả tập trung vào các nội dung như giả về số lượng bệnh nhân (nơi chưa từng có bệnh nhân thì tung tin có bệnh nhân); giả về số lượng tử vong (chưa có người chết thì nói có người chết). Tin giả sống khoẻ từ quán nước vỉa hè, ra chợ, vào trường học, công sở… lên mạng xã hội.

Có khi chúng tôi đang tiếp xúc, nói chuyện với bệnh nhân COVID-19 thì trên mạng xã hội đã tung tin: 'Bệnh nhân đã tử vong'. Rồi những thông tin: Có người nhà làm trong Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới - tức là nơi chúng tôi đang làm việc - nói rằng trong đó có nhiều người chết lắm rồi; 'Có người nhà làm nghề lái xe, mỗi ngày chở bao nhiêu cái xác từ Bệnh viện nhiệt đới đi thiêu'… Cách vin vào những yếu tố 'ra vẻ' xác tín đó, tỏ ra là thạo tin đó, khiến người dân lo sợ. Bản thân bác sĩ chúng tôi không ngày nào không nhận những cuộc điện thoại hỏi những thông tin đó.

BSCK2 Nguyễn Trung Cấp: Truyền thông chống dịch COVID-19 thực sự đã 'đi trước một bước'

Nhóm PV Truyền hình VTC có mặt tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương ghi hình trong nhiều tuần liền. Ảnh: T.Điệp

Đa số người tung tin giả thuộc nhóm bán hàng online, nhằm 'câu' like, câu view, câu lượng theo dõi (follow). Một số nhóm bán hàng online tung tin theo dạng: Thuốc này đã được nước này, nước kia điều trị, dự phòng COVID-19 rất tốt; Hoặc dẫn thông tin kinh nghiệm của bác sĩ từ các nước có nền y học tiên tiến, hiện đại về việc dùng cái này, cái kia tốt cho việc dự phòng COVID-19. Họ 'đánh' vào khoảng trống của sự sợ hãi, hoang mang trong người dân. Tôi gọi đây là nhóm nguỵ khoa học để trục lợi.

+ Tin giả nhưng hậu quả là thật, hậu quả trực tiếp. Thực tế, anh đã phải xử lý những hậu quả đó ra sao?

- Sự hoảng loạn do tin giả gây nên đó đã đẩy nhiều việc đến cực đoan.

Trung bình mỗi ngày, chúng tôi khám sàng lọc khoảng 60-70 ca nhưng thực tế đã có những chuyến xe của một tỉnh rất xa, chở 30-40 người ùn ùn đến viện yêu cầu khám, sàng lọc COVID-19. Họ cho rằng cộng đồng bị nhiều rồi nên không biết người xung quanh mình có bị nhiễm bệnh hay không.

Việc bệnh nhân ùn ùn kéo đến như thế vừa khiến chính bản thân họ nguy hiểm vừa gây rối loạn hoạt động bệnh viện, bác sĩ. Bệnh viện phải tăng cường lực lượng bảo vệ, các thầy thuốc đáng ra sẽ tập trung điều trị, thậm chí là cho phép mình nghỉ ngơi một chút, lại phải ra gặp, khám, tư vấn… Chúng tôi vẫn phải hỏi chi tiết tiền sử dịch tễ vì mình không chắc rằng họ đến khám là đúng hay không đúng. Qua phân tích, nhận thấy không thuộc diện sàng lọc cách ly thì bước tiếp theo mới giải thích tại sao họ không cần phải xét nghiệm, sàng lọc cách ly, nguồn tin của họ sai chỗ nào. Thậm chí, chúng tôi còn in những tóm tắt hướng dẫn của Bộ Y tế ra để đưa cho họ đọc, nghiên cứu, phân tích… không cần sàng lọc cách ly vì lý do gì. Đến khi họ thỏa mãn thì mới chịu ra về.

Thầy thuốc đồng hành truyền thông chống dịch, không phải để thành 'giới thạo tin'

+ Ở giai đoạn 2 của dịch, khi đã có ca lây nhiễm trong cộng đồng, tin giả dường như có đất sống hơn. Tôi nhớ có lần bản thân anh chắc không giấu được sự bực mình trên mạng xã hội khi phải trả lời quá nhiều câu hỏi về thông tin bệnh nhân…

- Chiến đấu với tin giả là cuộc chiến chung của truyền thông. Chúng tôi là người phối hợp báo chí, truyền thông, cung cấp sự thật.

Trong số những bệnh nhân COVID-19 điều trị ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, có một số bệnh nhân chịu áp lực xã hội lớn hơn người khác. Tin giả về họ cũng rất nhiều. Với chúng tôi, họ đơn thuần là bệnh nhân. Chúng tôi làm tất cả để tốt cho quá trình điều trị, bao gồm cả thể chất và tinh thần. Nhưng chúng tôi cũng có áp lực về thông tin.

Đã có những ngày tôi nhận tới 30 cuộc điện thoại tò mò về sức khoẻ của một bệnh nhân. Nhưng chúng tôi là bác sĩ, đã nắm tay đọc lời thề Hypocrates khi nhận tấm bằng y khoa, làm việc theo Luật Khám chữa bệnh. Bởi vậy, nếu người bệnh không ủy quyền, tôi sẽ không trả lời câu hỏi về tình trạng bệnh tật của bệnh nhân tôi đang điều trị. Những áp lực không tên đó khiến tôi và không ít người phải lên trang cá nhân để… giãi bày mong được thông cảm và mong được 'để yên làm việc'.

Bản thân chúng tôi cũng đọc được, biết được những lời không hay về những bệnh nhân đó trên mạng xã hội. Chúng tôi còn bức xúc thì những bệnh nhân đó khi đọc được, họ còn mệt mỏi như thế nào. Để loại trừ những tình huống xấu nhất, trong quá trình điều trị, chúng tôi khuyến cáo bệnh nhân hạn chế tối đa không tiếp cận mạng xã hội, tránh stress từ đó. Chỉ là khuyến cáo thôi, không thể cấm họ dùng smart phone vì họ còn có nhu cầu giao tiếp, thông tin với người nhà, bạn bè… Rất may là họ hợp tác.

Nhưng khi có tin giả 'bệnh nhân đó tử vong' thì bắt buộc chúng tôi phải có ngay thông tin khẳng định là sai. Nhưng vừa lúc trước, chúng tôi khuyên họ hạn chế sử dụng mạng xã hội, lúc sau lại đề nghị được chụp ảnh, ghi hình họ, quả thật rất khó khăn… Mất một chút thời gian thuyết phục, động viên, chúng tôi xin phép bệnh nhân được chụp ảnh hay cho phóng viên vào chứng kiến.

Như vậy, chúng tôi phải cân bằng giữa 2 hướng: Khuyên bệnh nhân tránh xa truyền thông, mạng xã hội để tránh stress nhưng một mặt lại nhờ chính họ đập tan tin giả.

Một trường hợp cũng vướng tin đồn tử vong là bệnh nhân 19. Quả thật, bệnh nhân này có những diễn biến nặng rất nhanh khi đang điều trị ở khoa chúng tôi, có những phút giây bệnh nhân như báo chí gọi là 'đi trên dây giữa sự sống – cái chết'. Thời điểm đó, bệnh nhân không tự quyết định được việc công khai hình ảnh hay không vì chúng tôi chưa cho con của bệnh nhân vào. Lúc đó, chỉ có khẳng định của bác sĩ là bệnh nhân đang điều trị, bác sĩ đang nỗ lực hồi sức tích cực mà thôi.

Thầy thuốc trong bệnh viện là những người đầu tiên tiếp nhận thông tin về số lượng bệnh nhân và tình trạng sức khoẻ của họ. Về nguyên tắc, những kết quả bệnh nhân dương tính hay không chúng tôi đều biết nhưng thẩm quyền công bố thì thuộc về Bộ Y tế. Trong vụ dịch này, sau khi có kết quả xét nghiệm khẳng định, chỉ mấy tiếng sau cơ quan chức năng đã công bố. Bản thân chúng tôi dù biết trước vài tiếng cũng không cho gia đình, người thân tiếp cận thông tin đó. Tôi nghĩ tham gia vào việc truyền thông là để đóng góp xã hội, chứ không phải để đánh bóng bản thân, tỏ ra 'thạo tin' hơn người.

BSCK2 Nguyễn Trung Cấp: Truyền thông chống dịch COVID-19 thực sự đã 'đi trước một bước'

Sự đồng thuận cao từ báo chí, mạng xã hội và sự ủng hộ của người dân

+ Là người từng tham gia chống dịch SARS, dịch cúm, dịch sởi… bác sĩ đánh giá ra sao về hiệu quả truyền thông báo chí trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19?

­- Chính sự phối hợp kịp thời giữa cơ quan quản lý Nhà nước, người làm chuyên môn y tế và báo chí truyền thông tạo ra thế vững chắc trong thông tin dịch COVID-19 ở nước ta. Thực tế, trong đại dịch này, báo chí có những lợi thế lớn hơn hẳn khi được tạo điều kiện tiếp cận trực tiếp các nguồn tin chính thống, được phép quan sát ngay cả những khu vực mà người bình thường không được tiếp cận, để đưa ra cái nhìn khách quan về sự việc. Đó là vũ khí cực mạnh để chống tin giả, tin thất thiệt.

Truyền thông trong dịch COVID-19 này đạt được sự đồng thuận cao từ báo chí, mạng xã hội và sự ủng hộ của người dân. Khi những tin giả phát tán, báo chí lập tức bác bỏ tin giả, tự nhiên mạng xã hội cũng có xu hướng tẩy chay tin giả rất mạnh mẽ.

So với những vụ dịch lớn trước, tôi đánh giá rất cao tính chủ động, minh bạch, cập nhập nhanh chóng của thông tin, giúp người dân sớm tin tưởng thông tin chính thống trong dịch COVID-19 này. Khi thông tin bệnh nhân 251 (ở Hà Nam) tử vong sau 3-4 tuần điều trị khỏi COVID-19, có một sự thật duy nhất là bệnh nhân tử vong do bệnh nền xơ gan giai đoạn cuối. Từ đầu, chúng ta đã tôn trọng sự thật, thông báo rất sớm về tình trạng bệnh nhân này. Do đó, người dân tin tưởng bệnh nhân tử vong do xơ gan. Sự chủ động, minh bạch, kịp thời của báo chí chính thống là ở chỗ đón.

'Tôi cũng rất cảm phục những người làm báo đã 'nằm vùng' trong bệnh viện chúng tôi để ghi lại những hình ảnh, câu chuyện về cuộc chiến này. Có những nhóm quay phim vào từng ngóc ngách của bệnh viện. Tất nhiên họ đi vào với sự giám sát của các thầy thuốc, nhưng khi say mê nghiệp vụ quá, họ 'lăn lê bò toài' khiến các thầy thuốc phải luôn tỉnh táo để… kiềm chế, để giữ sự an toàn cho họ. Khi say nghề rồi, họ chui vào các ngóc ngách, thậm chí cả gần giường bệnh để có khuôn hình đẹp nhất, xúc động và chân thật nhất. Chúng tôi bảo nhau: Khi yêu, khi say, ai cũng quên đi nguy hiểm…'.

BS Nguyễn Trung Cấp

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!