Chức năng nội tiết là tụy tiết vào máu các hormone để bình ổn đường huyết như Insulin, Glucagon và Somatostatin, nhờ đó cơ thể luôn luôn được đảm bảo duy trì nồng độ glucose trong máu ở mức ổn định.
Chức năng ngoại tiết: Dù tuyến tụy chỉ nặng khoảng 80g, nhưng một ngay nó tiết ra khoảng 1.000-1.500 ml dịch tụy chứa nhiều men tiêu hóa. Về tiêu hóa tinh bột có các men như Amilase, Maltase.
Các men tiêu hóa mỡ như Lipase, Phospholipase, và các men tiêu hóa protein như Chymotrypsin, Carboxypeptidase, Trypsin. Các men này phối hợp với các men của ruột giúp cơ thể chúng ta tiêu hóa được các loại thức ăn.
Sỏi, giun, mỡ máu cao, uống rượu nhiều: Đại nguy cơ
Bình thường, các men của tuyến tụy tiết ra dưới dạng tiền chất chưa hoạt động. Khi dịch tụy chảy xuống ruột chúng mới được hoạt hóa thành các men hoạt động để tiêu hóa các thức ăn trong ruột.
Khi có một bất thường như tắc ống tụy do sỏi, giun, mỡ máu quá cao… hoặc uống rượu nặng quá nhiều…, các men tuỵ sẽ bị hoạt hóa ngay tại tụy và a lê hấp, chúng sẽ tiêu hóa luôn tuyến tụy như tiêu hóa một loại thức ăn.
Khi đó viêm tụy cấp sẽ xảy ra.
Viêm tụy cấp có nhiều thể như thể phù nề, thể chảy máu, thể hoại tử hoặc phối hợp cả hoại tử và chảy máu.
Trong đó thể phù nề thường nhẹ. Còn thể viêm tụy cấp hoại tử là hình thái nặng hay gặp nhất của viêm tụy cấp. Trong thể này các men tụy tiêu hóa thành công mô tuyến tụy thành một khối hoại tử.
Khi bị viêm tụy cấp hoại tử, không chỉ tuyến tụy bị hoại tử mất chức năng mà các thành phần độc, gây viêm từ ổ hoại tử sẽ lan tràn vào máu và ổ bụng, gây rất nhiều rối loạn xảy ra: Người bệnh có thể sốc, các phủ tạng khác như gan, thận, phổi,… sẽ bị tổn thương và suy chức năng.
Ổ bụng bị căng cứng gây chèn ép, giảm tưới máu vào các phủ tạng trong ổ bụng và lân cận.
Các vi khuẩn sẽ thừa cơ gây bội nhiễm, đường huyết và cân bằng nội môi trong cơ thể có thể bị rối loạn trầm trọng và có thể dẫn đến tử vong nếu các biện pháp điều trị không kiểm soát được các rối loạn trên.
Chữa trị cực kỳ khó khăn
Các bệnh nhân viêm tụy sẽ được giảm đau, cho nhịn ăn, nuôi qua đường tĩnh mạch, dùng, thuốc để ức chế tụy bài tiết các men tiêu hóa để hạn chế quá trình tự tiêu hóa tuyến tụy.
Nếu các thầy thuốc phát hiện được các nguyên nhân gây tắc ống tụy, bệnh nhân sẽ được nội soi hoặc phẫu thuật để giải phóng nguyên nhân gây tắc.
Với những bệnh nhân có tình trạng viêm tụy hoại tử thì phẫu thuật để giải phóng khối hoại tử và dẫn lưu các men tiêu hóa ra ngoài và giải phóng chèn ép trong ổ bụng là biện pháp điều trị quan trọng.
Tuy nhiên nó không hề dễ dàng bởi lẽ nếu bệnh nhân đã bị viêm tụy hoại tử mà có sốc và suy đa tạng thì đều rất nguy kịch, chức năng sống rất bấp bênh và có nguy cơ tử vong ngay trên bàn mổ.
Khi đó thầy thuốc sẽ phải cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ của cả 2 phương án: Mổ sớm hay trì hoãn cuộc mổ để hồi sức cho bệnh nhân ổn định hơn mới tiến hành phẫu thuật.
Việc hồi sức các bệnh nhân viêm tụy cấp thể nặng cũng rất phức tạp: Nếu bệnh nhân có sốc, họ cần được truyền dịch, dùng các thuốc chống sốc. Nếu có suy các tạng, thầy thuốc sẽ dùng các phương tiện để hỗ trợ các tạng suy.
Như suy thận, rối loạn nội môi thì lọc máu, suy hô hấp thì thở máy, nhiễm trùng thì dùng kháng sinh.
Hiện nay hầu hết các bệnh viện lớn đều đã được trang bị đầy đủ các máy móc hiện đại như máy thở, máy lọc máu, thậm chí cả hệ thống tim phổi nhân tạo để hồi sức bệnh nhân.
Tuy đã có nhiều tiến bộ trong cả kỹ thuật cũng như phương tiện máy móc, nhưng viêm tụy vẫn còn là vấn đề lớn trong y tế.
Hàng năm trên thế giới có khoảng 8,9 triệu người bị viêm tụy cấp tính và mạn tính, trong số đó khoảng 132.000 người tử vong. Trong đó nhóm viêm tụy cấp tỷ lệ tử vong là từ 10%-15%.
Riêng với viêm tụy cấp thể hoại tử, tỷ lệ tử vong có thể tới 40%. Ngay cả ở những trung tâm hồi sức tốt nhất trên thế giới, bệnh nhân bị viêm tụy cấp có suy đa tạng tính chung cũng tử vong đến 30%.
Người bệnh càng suy nhiều tạng, nguy cơ tử vong càng cao và nếu suy nặng tất cả các tạng thì nguy cơ tử vong có thể tiệm cận 100%.
Và dù rằng đã áp dụng rất nhiều tiến bộ khoa học trong điều trị, tỷ lệ này vẫn chưa hề được cải thiện trong vòng 10 năm qua.
Ca bệnh ở Chợ Rẫy: Nếu chuyển khỏi bệnh viện có thể chết ngay trước khi máy bay kịp cất cánh
Ảnh minh họa
Nhìn lại ca bệnh nhân viêm tụy ở bệnh viện Chợ Rẫy mà báo chí đăng nhiều trong vài ngày qua, chúng ta có thể nhận thấy bệnh nhân viêm tụy cấp thể hoại tử, đã có sốc, suy đa phủ tạng, phải phẫu thuật và có thể có bội nhiễm vi khuẩn.
Nguy cơ tử vong rất cao và việc điều trị mang nguyên tắc còn nước còn tát. Khả năng vận chuyển đi Mỹ khi đang trong tình trạng nguy kịch coi như không thể thực hiện, vì nếu chuyển khỏi BV, BN có thể sẽ chết ngay trước khi máy bay kịp cất cánh.
Và ngay tại nước Mỹ hiện nay, gần 1/3 số bệnh nhân viêm tụy nặng có suy tạng vẫn tử vong dù rằng hầu hết các bệnh viện ở đây đều không thiếu các trang thiết bị hiện đại và các biện pháp điều trị đắt tiền.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!