Các bước để cứu sống bệnh nhân đột quỵ

Cần biết - 11/24/2024

Tiêu chuẩn về 'thời gian vàng' cho đột quỵ não là 3 - 4 giờ sau cơn đột quỵ.

Mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 người đột quỵ. Đột quỵ đứng hàng thứ ba về nguyên nhân gây tử vong và đứng thứ nhất về nguyên nhân gây tàn tật ở người. Bệnh nhân bị di chứng liệt nửa người, liệt toàn thân, bại não... sau đột quỵ là 90% và thường bệnh nhân bị đột quỵ lần sau tình trạng nặng hơn lần trước.

Trung bình trên toàn cầu hiện nay mỗi 45 giây trôi qua có một người bị đột quỵ và cứ 3 phút có một người tử vong do đột quỵ.

Một ca bệnh điển hình

Như mọi ngày, anh L.N.Đ thức dậy đi lại sinh hoạt bình thường, nhưng đến 6 giờ 45 phút, anh Đ. đột ngột thấy chóng mặt đi lại khó khăn kèm thay đổi giọng nói, được người nhà đưa đến BV. Nhân Dân Gia Định. Tại khoa Cấp cứu, bệnh nhân tri giác lơ mơ làm các xét nghiệm cơ bản hình ảnh học, được chẩn đoán đột quỵ thiếu máu não cấp vùng thân não giờ thứ 2, phân loại đột quỵ mức độ nặng, được các bác sĩ điều trị thuốc tan cục máu, sau 1 ngày điều trị bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, nhận biết, nói chuyện mọi người xung quanh, tay chân cử động được, sau 7 ngày bệnh nhân diễn tiến tốt hơn xuất viện.

Các bước để cứu sống bệnh nhân đột quỵ

Đây là tình huống bác sĩ bệnh viện gặp mỗi ngày, nhưng với anh Đ. là may mắn, vì bệnh nhân đến sớm (giờ vàng sử dụng thuốc tan cục máu), nên bệnh nhân hồi phục. Nhiều trường hợp như anh Đ. đến muộn, đa phần bệnh diễn tiến nặng hơn có thể tử vong, hoặc để lại di chứng cần người chăm sóc, tăng gánh nặng cho gia đình và xã hội.

45 giây trôi qua có một người bị đột quỵ

Làm sao nhận biết đột quỵ?

Dấu hiệu nhận biết:

- Khuôn mặt mất cân đối: hãy bảo người đó cười và quan sát.

- Yếu liệt tay chân: hãy bảo người đó giơ tay lên và so sánh.

- Giọng nói bị thay đổi: hãy bảo người đó nói những từ đơn giản.

Nếu phát hiện những dấu hiệu trên hãy nhanh chóng đưa đến bệnh viện gần nhất.

Những điều không nên làm

- Không chích máu đầu ngón tay.

- Không cạo gió.

- Không xoa bóp.

- Không nặn chanh.

Những việc cần làm

- Cho người bệnh nằm nghỉ.

- Lấy răng giả hoặc vật lạ trong miệng.

- Gọi ngay cấp cứu 115 hoặc cấp cứu gần nơi bệnh nhân đang ở.

- Nên dưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế có điều trị đột quỵ một cách sớm nhất. Nên nhớ thời gian vàng 4 giờ đầu sau đột quỵ có thể cứu sống được bệnh nhân

Phòng ngừa đột qụy

- Cần giảm các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch:

Phát hiện cao áp huyết sớm và chữa cao áp huyết tốt, nhất là ở những người trên 40 tuổi, có tiền sử gia đình cao áp huyết và bệnh tim mạch.

Điều trị rối loạn nhịp tim.

Giảm cholesterol trong máu, ăn ít chất béo, giảm muối, ăn nhiều rau và hoa quả.

- Phát hiện và điều trị đái tháo đường.

- Không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu.

- Không dùng các chất kích thích hoặc ma túy.

- Thường xuyên vận động và tập luyện.

-Ngoài ra cần chú ý:

Tránh trạng thái căng thẳng thần kinh, xúc động mạnh. Tránh mất ngủ

Tránh táo bón, đặc biệt với người già.

Tránh vận động thể lực quá mức như mang vác nặng, chơi thể thao quá sức.

BS. Võ Văn Tân

(Trưởng khoa Nội Thần kinh BV. Nhân Dân Gia Định)

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!