Tùy vào tính nghiêm trọng của vết ong đốt mà cách chữa trị sẽ khác nhau. Hầu hết các trường hợp người bị ong đốt cần sự điều trị y tế là do xảy ra phản ứng dị ứng với vết đốt. Cũng trong các trường hợp này, những biến chứng do dị ứng sẽ phản ứng lại với thuốc nếu được điều trị kịp thời.
Qua phần 1, bạn đã biết cách điều trị vết thương bị ong đốt tại nhà. Còn ở bệnh viện, các bác sĩ sẽ điều trị vết ong đốt cho bạn ra sao?
Điều trị vết ong đốt tại bệnh viện
Nếu bạn chỉ bị ong đốt một lần và không xuất hiện các triệu chứng dị ứng, bạn chỉ cần chăm sóc vết thương tại trạm y tế địa phương như làm sạch và thoa thuốc mỡ (kem pomat) kháng sinh. Bác sĩ có thể kê đơn cho bạn uống thuốc kháng histamine để giảm tình trạng ngứa ngáy. Bác sĩ cũng có thể khuyên bạn nên dùng thuốc Ibuprofen (Motrin) hoặc Acetaminophen (Tylenol) để làm giảm cơn đau. Nếu thuốc tiêm miễn dịch uốn ván không còn tác dụng trong cơ thể, bạn sẽ cần được tiêm một mũi tiêm bổ sung.
Nếu bạn chỉ có các triệu chứng dị ứng nhẹ như phát ban và ngứa ngáy toàn thân nhưng không gây các vấn đề về sức khỏe liên quan đến hô hấp hoặc các dấu hiệu bệnh quan trọng khác, bạn có thể được điều trị bằng thuốc kháng histamine. Bác sĩ cũng có thể kê đơn steroid cho bạn. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ cho bạn tiêm Epinephrine (adrenaline). Việc điều trị có thể được tiến hành tại chỗ hoặc ngay trong xe cứu thương. Nếu các thao tác cấp cứu được thực hiện tốt, bạn có thể trở về nhà sau khi bác sĩ quan sát kỹ lưỡng tình trạng của bạn.
Nếu bạn có phản ứng dị ứng ở mức vừa phải như phát ban khắp cơ thể và một số vấn đề về hô hấp như khó thở nhẹ, bác sĩ sẽ tiêm cho bạn thuốc kháng histamine, steroid và epinephrine. Y tá cấp cứu có thể thực hiện một số phương pháp điều trị ngay. Bác sĩ sẽ theo dõi tình trạng bệnh của bạn trong thời gian dài trong phòng cấp cứu hoặc trong một số trường hợp, bạn phải nhập viện.
Nếu bạn gặp các phản ứng dị ứng nghiêm trọng như huyết áp thấp, sưng tấy dẫn đến bít tắc đường dẫn không khí vào phổi hoặc các vấn đề nghiêm trọng khác về hô hấp, rất có thể bạn đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng nếu bạn không được chữa trị kịp thời.
Bác sĩ sẽ đặt một ống thở vào khí quản của bạn. Tiếp đó, bạn sẽ được tiêm thuốc kháng histamine, steroid và epinephrine. Bạn cũng có thể được truyền dịch qua tĩnh mạch. Một số phương pháp điều trị cơ bản này có thể bắt đầu ngay tại nơi bạn bị ong đốt hoặc trong xe cứu thương. Bạn sẽ được bác sĩ theo dõi chặt chẽ trong phòng cấp cứu và có thể nhập viện để bác sĩ chăm sóc bệnh tình kỹ hơn.
Với trường hợp nếu bạn bị ong đốt từ 10−20 vết nhưng không có dấu hiệu xuất hiện các phản ứng dị ứng, bạn vẫn cần được theo dõi thời gian dài trong phòng cấp cứu hoặc nhập viện nếu cần. Vào khoảng thời gian đó, bác sĩ có thể yêu cầu bạn tiến hành thực hiện các xét nghiệm máu.
Nếu bạn bị ong đốt trong miệng hoặc cổ họng, bạn cần phải ở lại phòng cấp cứu để được theo dõi, hoặc bạn có thể cần sự chăm sóc và điều trị chuyên sâu của bác sĩ nếu xuất hiện các biến chứng.
Nếu bị ong đốt trúng nhãn cầu, bạn sẽ cần được chẩn đoán điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa mắt.
Hy vọng rằng với những hướng dẫn trên, bạn sẽ biết khi nào cần điều trị tại nhà, khi nào nên đến bệnh viện.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!