Cách nhận biết tôm bơm tạp chất

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Tôm càng, tôm sú... được bơm tạp chất thường có những đặc điểm khác tôm sạch. Người tiêu dùng có thể quan sát để nhận biết.

100 kg tôm sú được bơm thạch rau câu đã bị các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội thu giữ. Trước đó, nhiều vụ tiêm tạp chất vào tôm cũng bị phát hiện và xử lý. Tạp chất được bơm vào không chỉ làm tôm tăng trọng lượng mà còn tiểm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật, mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trong những ngày giáp Tết, nhu cầu mua tôm lớn để liên hoan của người dân càng tăng cao. Do vậy, người tiêu dùng cần chọn lựa cẩn thận để không mua phải những con tôm kém chất lượng.

Những nguy cơ từ tôm bơm

Không phải ngẫu nhiễn mà các vụ bơm tạp chất vào tôm đều bị các cơ quan chức năng bắt giữ. Hiện nay, các chất được bơm vào tôm thường là tạp chất dạng lỏng như tinh bột, bột rau câu (agar)… Chúng khiến sản phẩm tiềm ẩn nhiều mối gây hại cho sức khoẻ.

Cách nhận biết tôm bơm tạp chất

Một tiểu thương bơm tạp chất vào tôm rồi bán ngoài chợ (Ảnh: ANTĐ)

Tôm bơm tạp chất bị giảm chất lượng nghiêm trọng, thịt dễ bị dập nát và nhanh phân huỷ hơn ở môi trường bình thường. Do tôm dễ bị hỏng hơn nên vi khuẩn dễ dàng xâm nhập và gây bệnh cho người sử dụng như vi khuẩn lỵ, tả…

Ngoài ra, nguồn nước dùng để pha bột sang dạng lỏng thường không phải nước sạch, chủ yếu là nước từ kênh, ruộng… Nguồn nước bẩn dễ chứa các vi khuẩn, ký sinh trùng gây bệnh. Khi bơm dịch vào tôm, các vi khuẩn cũng được đưa vào cơ thể, người ăn phải dễ bị mắc bệnh.

Dưới đây là những cách nhận biết tôm sạch, đảm bảo chất lượng:

Quan sát

Bề ngoài của tôm bơm tạp chất có nhiều điểm khác biệt so với tôm sạch. Người tiêu dùng có thể để ý đến một số bộ phận sau:

Các hộ kinh doanh thường chọn tôm to như tôm sú, tôm càng… để bơm tạp chất. Tôm bị bơm đều là tôm đã chết.

Đuôi tôm bơm tạp chất thường xoè ra, còn đuôi tôm sạch lại cúp xuống. Phần thân của tôm bơm tạp chất mập và căng hơn bình thường. Một số trường hợp còn làm thân tôm giãn ra, đặc biệt ở đốt nối thân với đầu. Phần đầu cũng bị phù hơn bình thường, vểnh gai, dễ tách rời với thân.

Mang tôm bơm thường phồng căng, cứng và thẳng đơ. Trong khi mang tôm sạch lại mềm, phẳng.

Khi chế biến

Cách nhận biết tôm bơm tạp chất

Lựa chọn tôm tươi để đảm bảo sức khỏe cho gia đình (Ảnh minh họa: Internet)

Đây có lẽ là cách nhận biết muộn màng nhưng giúp bạn tránh mua ở cửa hàng cũ. Khi nấu, tôm bơm thường ra nhiều nước, phần thịt teo lại rất nhiều so với ban đầu. Thịt thường có vị nhạt, ăn bở. Trong trường hợp tôm được bơm bằng bột rau câu, thạch cũng được nấu chín cùng thịt nên bóc vỏ tôm ra có thể thấy một lớp rau câu giữa phần vỏ và thịt tôm, đặc biệt là ở dưới mang và đầu.

Cách chọn tôm sạch

Muốn chọn tôm sạch, người tiêu dùng cần dành thời gian để lựa chọn. Bạn có thể mua tôm tại những cửa hàng uy tín, đảm bảo chất lượng.

Tôm còn tươi sống là tôm chắc chắn không bị bơm tạp chất. Tôm sẽ chết ngay nếu bị bơm. Do đó, người tiêu dùng nên chọn tôm tươi, tôm còn đủ chân và càng, vẫn có thể nhảy tanh tách.

Nếu không có điều kiện mua tôm sống, bạn có thể quan sát kĩ con tôm trước khi mua, nhất là phần đuôi, thân và đầu. Bạn có thể kéo thử một con, nếu thấy các phần khớp nối đã rời rạc, sắp tách rời thì tức là tôm đã để lâu ngày, khả năng bị bơm hoá chất rất cao.

Ngoài ra, bạn có thể chọn mua tôm nhỏ để phòng trường hợp tôm bị bơm. Bơm tôm nhỏ mất thời gian, khó khăn và ít lãi nên các hộ kinh doanh thường không lựa chọn. Tuy nhiên, bạn cũng không nên ham rẻ mà mua tôm đã chết, màu sắc nhợt nhạt và có mùi lạ… Chúng có thể mang trong mình những mầm bệnh mà bạn không thể nhìn thấy được. Tôm mua về cần được chế biến cẩn thận và được nấu chín để loại bỏ tối đa những vi khuẩn bên trong.

Thanh Nguyên

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!