Bên trong động mạch luôn tồn tại mảng bám chất béo, mỡ máu và các chất khác. Theo thời gian, chúng xơ cứng lại, tạo thành những chướng ngại vật gây khó khăn trong việc lưu thông máu. Đến một thời điểm nhất định sẽ nứt vỡ, gây xuất huyết mạch máu và hình thành nên các cục máu đông (huyết khối). Khi đó, người bệnh dễ gặp các biến cố nguy hiểm như bệnh mạch vành cấp, động mạch ngoại biên, đột quỵ, nặng hơn có thể dẫn đến tử vong.
Các mảng bám chất béo cản trở máu lưu thông trong động mạch.
Những năm gần đây, tỷ lệ bệnh nhân nhập viện do biến cố xơ vữa động mạch có xu hướng gia tăng và trẻ hóa. Trong đó, bệnh mạch vành và đột quỵ thuộc top 10 nguyên nhân gây tử vong tại Việt Nam.
Bên cạnh việc điều trị nội khoa bằng thuốc, những phát triển mới trong y học như can thiệp mạch vành, mạch não, mạch ngoại vi… đã cứu sống hàng trăm bệnh nhân.
Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân dùng thêm nhóm thuốc kháng kết tập tiểu cầu (làm loãng máu) để dự phòng các biến cố tim mạch trong quá trình điều trị các bệnh lý do xơ vữa động mạch, trong đó có hoạt chất clopidogrel được sử dụng hơn 15 năm qua tại Việt Nam. Thuốc kháng kết tập tiểu cầu có chức năng làm giảm khả năng kết dính của tiểu cầu, từ đó hạn chế nguy cơ hình thành cục máu đông.
Bệnh nhân tim mạch cần duy trì lối sống lành mạnh, tốt cho sức khỏe.
Bệnh nhân tim mạch cũng cần duy trì lối sống lành mạnh để dự phòng biến cố nguy hiểm, bằng cách tích cực tham gia các hoạt động thể dục thể thao giúp máu huyết lưu thông, hạn chế các mảng xơ vữa trong động mạch.
Ngoài ra, cần tạo dựng thói quen sinh hoạt lành mạnh như ăn nhiều rau xanh và trái cây, hạn chế ăn mỡ và nội tạng nhiều cholesterol, không hút thuốc, nghỉ ngơi hợp lý và tránh tình trạng stress kéo dài. Việc thường xuyên kiểm tra sức khỏe theo định kỳ là cần thiết, giúp phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!