Cách sơ cứu bỏng do nhiệt

Kỹ năng sống - 05/05/2024

Thông thường, sau khi bị bỏng cần để vùng bị bỏng dưới vòi nước chảy ít nhất 5 phút hoặc ngâm ngay vùng bỏng vào nước lạnh.

Bỏng là những tổn thương mô, có thể do cháy, mặt trời, hóa chất, vật nóng hoặc chất lỏng, điện, hoặc các phương tiện khác. Bỏng có thể được coi là các vấn đề y tế hoặc trường hợp khẩn cấp đe dọa tính mạng. Sau đây, ThS. Vũ Thị Tuyết Mai, và BS. Nguyễn Thị Thúy đến từ Bộ Y tế sẽ giải đáp một số thắc mắc về bỏng do nhiệt.

1. Chữa bỏng do nước sôi

Em vừa bị bỏng do bị té nước sôi vào chân. Em đã tự sơ cứu bằng cách ngâm chân vào nước lã sau đó dùng đá lạnh chườm vào chân. Nhưng giơ vẫn đau, bỏng rát, sưng đỏ. Em phải làm thế nào để nhanh khỏi. Xin Bác sĩ tư vấn giúp. Em cảm ơn!

Cách sơ cứu bỏng do nhiệt

Ảnh minh họa

Trả lời:

Chào em,

Em bị bỏng nước sôi (bỏng nhiệt). Việc xử trí tại chỗ ngay khi bị bỏng rất quan trọng giúp giảm bớt độ sâu và diện tích của bỏng. Yêu cầu xử trí ban đầu càng sớm càng tốt, không gây thêm đau đớn, đảm bảo vô khuẩn với thao tác nhẹ nhàng.

Thông thường, sau khi bị bỏng cần để vùng bị bỏng dưới vòi nước chảy ít nhất 5 phút hoặc ngâm ngay vùng bỏng vào nước lạnh (16-20oC) trong vòng 15-20 phút cho đến khi dịu đau. Việc này có tác dụng giảm sưng nhờ dẫn nhiệt ra khỏi da.

Ngâm nước lạnh đặc biệt có hiệu quả trong vòng 30 phút đầu sau khi bị bỏng vì sau thời gian này mới ngâm thì không còn giá trị nữa. Không nên áp đá lên vết bỏng vì có thể làm da bị tổn thương thêm và không được làm vỡ bọng nước. Sau đó băng ép chặt vừa phải vùng bị bỏng (để hạn chế sự phát triển của dịch nốt phỏng và phù nề vùng bỏng). 

Ngoài việc xử lý ban đầu tại chỗ vết bỏng đã trình bày ở trên, nếu đau cần phải dùng thuốc giảm đau (aspirin, ibuprofen hoặc paracetamol), an thần và bù dịch bằng đường uống (oresol) hoặc truyền tĩnh mạch. Ngoài ra, phải dùng kháng sinh để phòng bội nhiễm.

Trong trường hợp của em, hiện tại vết bỏng vẫn còn rát, sưng, đỏ cho nên mục đich là giảm đau và phòng các biến chứng nhiễm khuẩn tại vết bỏng, giúp quá trình tái tạo phục hồi nhanh, sẹo không bị xấu khi khỏi.

Các thuốc thường dùng ở giai đoạn này là nhóm thuốc có tác dụng sát khuẩn, kháng khuẩn (axit boric, silver sunfadiazine 1%...); nhóm thuốc có tác dụng tạo màng che phủ (dung dịch tanin 5%, cao đặc vỏ xoan trà-B76…); nhóm thuốc thúc đẩy quá trình tái tạo vết bỏng (dầu gan cá thu, dầu gấc,..) dùng ở giai đoạn sau khi vết thương đã liền.

Em nên đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra tình trạng vết bỏng và điều trị thích hợp cho em.

Chúc em mau khỏi bệnh!

ThS. Vũ Thị Tuyết Mai


2.Chữa bỏng do kim loại nóng

Em năm nay 19 tuổi, là nữ giới. Cách đây 4 tháng em có bị bỏng thanh sắt nóng. Hiện giờ vết thương đã lành nhưng sẹo vẫn không khỏi. Vết sẹo đó theo thời gian có lành được không? Và em phải dùng thuốc gì bôi để làm mờ sẹo được ạ. Vì vết thương ở đầu hối nên em mặc cảm lắm. Mong Bác sĩ tư vấn giúp em. Em cảm ơn!

Cách sơ cứu bỏng do nhiệt

Ảnh minh họa

Trả lời:

Chào cháu,

Cháu không nói rõ tổn thương nặng hay nhẹ do bị bỏng thanh sắt ở đầu gối, nhưng theo tôi, khi bỏng để lại sẹo thường là bỏng độ 3 (vùng da bỏng căng cứng, đen hoặc trắng nhợt, thương tổn ngấm gần hết chiều dày của da hoặc lan tới cơ và bao giờ cũng để lại sẹo).

Tính chất sẹo ở đầu gối là sẹo gì? Sẹo lồi hay sẹo phẳng? Có gây co kéo và biến dạng vùng lân cận không? Theo tôi, cháu nên đến các bệnh viện có chuyên khoa bỏng hoặc nếu cháu ở Hà Nội thì nên đến Viện Bỏng Quốc gia khám, tại đây có chuyên khoa phục hồi chức năng sau bỏng, sẽ khám và điều trị cho cháu.

Hiện nay đã có những kỹ thuật và sản phẩm mới có thể khắc phục hoàn toàn hoặc đáng kể tình trạng sẹo do bỏng.

Chúc sức khỏe! 

BS. Nguyễn Thị Thúy

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!