Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa đông xuân. Trẻ nhỏ chính là đối tượng cúm dễ tấn công nhất bởi sức đề kháng của trẻ còn khá yếu, chưa phát triển đầy đủ.
Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên (Ảnh minh họa).
Dưới đây là toàn bộ 11 sự thật về cúm mùa cha mẹ cần nắm rõ để chủ động hơn trong việc phòng bệnh cảm cúm cho các bé:
1. Bệnh cảm cúm thường vào mùa sớm hơn bố mẹ tưởng
Theo bác sĩ Kristin Dean, phó giám đốc y khoa Trung tâm Doctor on Demand (Mỹ), thông thường mùa cúm có thể tấn công trẻ bắt đầu từ tháng 10 trở đi, cao điểm là từ tháng 12 đến tháng 3 và có thể kéo dài đến hết tháng 5 dương lịch. Tuy nhiên, chia sẻ trên tạp chí Popsugar, bà nhấn mạnh: 'Cảm cúm là bệnh phổ biến và phát triển mạnh nhất vào mùa thu và mùa đông, thường bắt đầu sớm hơn từ cuối tháng 8. Khi mắc bệnh, trẻ sẽ bị đau rát cổ họng và có thể kéo dài dai dẳng đến tận tháng ba hoặc tháng tư năm sau'.
2. Cúm tấn công mạnh một số nhóm trẻ nhỏ cụ thể
Đối tượng dễ bị cúm tấn công nhất chính là các bé dưới 5 tuổi. Sau khi nhiễm bệnh, trẻ có nguy cơ cao gặp các biến chứng do cúm như mất nước hoặc viêm phổi. Với trẻ nhỏ dưới hai tuổi thì những nguy cơ này xảy ra cao nhất. Bác sĩ Dean giải thích: 'Càng những bé có sức khỏe yếu, mắc các bệnh như hen suyễn hoặc có hệ miễn dịch kém thì nguy cơ mắc cúm và biến chứng càng cao'.
Càng những bé có sức khỏe yếu, có hệ miễn dịch kém thì nguy cơ mắc cúm và biến chứng càng cao (Ảnh minh họa).
3. Rất khó để phân biệt cảm lạnh với cảm cúm
Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật CDC (Mỹ), các triệu chứng ở trẻ như ho, mệt mỏi, đau nhức, nghẹt mũi đều có thể là của cảm lạnh hay cảm cúm. Những bệnh hô hấp này là do các loại vi rút khác nhau gây ra. Nhưng nói chung, cảm cúm vẫn là bệnh nặng và có chiều hướng xấu hơn cảm lạnh thông thường, các triệu chứng cũng xuất hiện rầm rộ và nặng hơn. Bác sĩ Dean cho biết thêm rằng trẻ bị cảm lạnh thường nhẹ hơn cúm, nếu mắc cúm trẻ còn có thể bị sốt, các triệu chứng cũng xuất hiện nhanh chóng hơn rất nhiều.
4. Các triệu chứng có thể kéo dài dai dẳng
Khi trẻ bị cúm mùa, các triệu chứng có thể kéo dài từ 3 đến 10 ngày, trong khi một số trẻ có thể ốm dai dẳng và kéo dài trong hai tuần. Nhưng theo như bác sĩ Dean giải thích, trẻ em có thể dễ dàng lây nhiễm cúm và bệnh kéo dài trong khoảng thời gian lâu hơn người lớn, bệnh ở trẻ có thể kéo dài từ 14 đến 21 ngày.
5. Virus cúm mùa có thể sống và tồn tại ở bất cứ đâu
Ngoài nguyên nhân lây bệnh là do tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết khi trẻ ho hoặc hắt hơi hay ở gần nhau, trẻ còn có thể mắc bệnh khi vô tình chạm vào một vật thể mang mầm bệnh. Điều này có nghĩa là một người bị bệnh có thể làm nhiễm bẩn đồ dùng như là thìa, đũa, bát… Và khi trẻ cầm nắm vào đồ vật đó, virus sẽ xâm nhập và gây bệnh cho trẻ.
6. Trẻ có thể xuất hiện triệu chứng bất thường
Theo CDC, đôi khi bệnh cúm gây ra các triệu chứng bất thường cho trẻ mà cha mẹ thậm chí không thể nghĩ đến. Ví dụ như gây buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy ở trẻ. Bé còn có thể cảm thấy chán ăn, mệt mỏi hơn bình thường, khi trẻ sắp phát bệnh thì hoạt động chậm chạp và yếu dần.
7. Có những triệu chứng đặc biệt nghiêm trọng, có thể gây nguy hiểm cho trẻ
Tổ chức CDC khuyến cáo cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay lập tức nếu trẻ có biểu hiện thở nhanh hoặc khó thở, da tái, xanh xao, lờ đờ, ngủ nhiều gọi không dậy, cáu kỉnh quá mức, phát ban kèm sốt, khóc không có nước mắt, tiểu ít bất thường, bỏ ăn uống, hoặc khi các triệu chứng đã biến mất nhưng lại quay trở lại.
Cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay lập tức nếu trẻ có biểu hiện bất thường (Ảnh minh họa).
8. Phòng bệnh sớm cho bé sẽ giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh
Để phòng tránh trẻ bị cúm và hạn chế mức độ nghiêm trọng sau khi mắc bệnh, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ AAP khuyến cáo các bậc cha mẹ hãy cho con đi tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch. Nếu nghi con bị cúm, hãy đưa bé đi khám càng sớm càng tốt. Nếu bị bệnh, bác sĩ sẽ kê cho bé thuốc uống như Tamiflu có tác dụng làm giảm mức độ và thời gian kéo dài của các triệu chứng.
Tổ chức AAP cũng nhắc nhở cha mẹ việc cho trẻ dưới 4 tuổi dùng thuốc cảm cúmvà thuốc ho không đem lại lợi ích gì nhiều, thậm chí có thể có những tác dụng phụ nghiêm trọng tiềm ẩn. Thay vào đó, cha mẹ hãy tập trung cho bé nghỉ ngơi, ăn uống đủ chất và uống nước đầy đủ để tăng sức đề kháng.
9. Bố mẹ có thể phòng bệnh cảm cúm cho con ngay từ một việc đơn giản
Đó chính là rửa tay. Bác sĩ Dean nhấn mạnh: 'Rửa tay thường xuyên là cách phòng bệnh hiệu quả khi bệnh cúm mùa tràn về. Một số cách khác để phòng bệnh không những cho bé mà cho cả gia đình đó là thường xuyên khử trùng tay nắm cửa, mặt bàn và các bề mặt đồ dùng gia dụng khác'.
Ngoài ra, cha mẹ cũng cần cho trẻ đi ngủ đúng giờ, ngủ đủ giấc để tăng cường hệ thống miễn dịch. Cuối cùng, hãy dạy trẻ cách che miệng khi ho và hắt hơi bằng khuỷu tay của mình để tránh lây lan mầm bệnh ra bàn tay. Một mẹo cuối cùng là nếu bé đang tiếp xúc với người có bệnh, hãy đưa bé tránh xa đến khu vực an toàn khác một cách khéo léo.
Rửa tay thường xuyên là cách phòng bệnh hiệu quả cho trẻ khi bệnh cúm mùa tràn về (Ảnh minh họa).
10. Mùa cúm rất khó đoán trước tính chất nghiêm trọng của nó
Bác sĩ Dean cho hay mặc dù mùa cúm năm vừa rồi có diễn biến khá nghiêm trọng, dịch cúm lan rộng, nhiều trẻ mắc bệnh, nhưng điều đó cũng không thể nói lên điều gì về mùa cúm sắp tới đây. Vi rút cúm khó tiên đoán và có thể thay đổi theo từng mùa.
11. Kháng sinh không chữa được cúm mùa do vi rút
Các chuyên gia y tế một lần nữa nhắc lại cảm lạnh hay cảm cúm ở trẻ do vi rút cúm mùa thì không thể dùng kháng sinh để điều trị vì đây là bệnh do vi-rus gây ra. Ngoài ra, cha mẹ cần tỉnh táo khi nghe thông tin không có cơ sở khoa học liên quan đến cúm như: trẻ đang khỏe mạnh thì không thể lây cúm được, không cho trẻ uống sữa để 'bỏ đói' con vi rút. Những tin đồn thất thiệt này hoàn toàn không hề giúp cải thiện sức khỏe của trẻ.
Nguồn: Popsugar
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!