Sốt cao, chân phải sưng tấy đau đớn, anh Cao Văn Thêm được chẩn đoán mắc bệnh whitmore - bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể giết chết người nhanh chóng.
Bệnh nhân 25 tuổi có tiền sử viêm cầu thận, nhập viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa với biểu hiện sốt và chân phải sưng to. 11 ngày điều trị tại bệnh viện tỉnh nhưng không cắt sốt, anh Thêm được chuyển đến khoa Cơ Xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai. Sau khi hội chẩn, anh Thêm được đưa về khoa Truyền nhiễm để điều trị.
Bác sĩ Ngô Thị Phương Nhung, khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ngày 11/8, bệnh nhân vào khoa trong tình trạng nguy kịch, sốt cao, rét run, có biểu hiện suy gan, vùng phổi bị tổn thương nhiều, xuất hiện các ổ áp xe.
Các bác sĩ tiến hành cấy máu, cấy dịch khớp gối phải để chẩn đoán bệnh. Sau 3 lần cấy máu, kết quả bệnh nhân dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây bệnh whitmore.
Điều trị tại khoa, bệnh nhân tiếp tục có biểu hiện sốc nhiễm khuẩn kèm theo suy gan, suy thận, suy hô hấp nặng. Bác sĩ phải đặt ống nội khí quản, xử trí sốc nhiễm khuẩn đồng thời dùng kháng sinh đặc trị. Hiện chức năng thận và gan đã được cải thiện, bệnh nhân vẫn phải thở máy, hồi sức tích cực, tiên lượng nặng.
Tiến sĩ Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân Cao Văn Thêm. Ảnh: Lê Nga.
Tiến sĩ Đỗ Duy Cường, Trưởng Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai cho biết, từ đầu năm nay, khoa đã tiếp nhận một vài ca bệnh whitmore.
Bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, diễn biến phức tạp, có thể gây tử vong nhanh nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kháng sinh phù hợp. Trong số các ca mắc bệnh whitmore, 90% bệnh nhân có biểu hiện nhiễm khuẩn huyết và viêm phổi, một nửa họ có nguy cơ biến chứng sốc nhiễm khuẩn và tử vong.
Cũng theo ông Cường, ngoài bệnh nhân Thêm, khoa còn đang điều trị cho bà Nguyễn Thị Lương 52 tuổi ở Nghệ An. Rất may bệnh nhân được chẩn đoán sớm từ bệnh viện đa khoa tỉnh, được chuyển về Bạch Mai điều trị kịp thời nên tình trạng bệnh không còn nguy kịch.
Theo bà Lương, sau khi đi cắt cỏ ở bờ ao về, bà có biểu hiện sốt cao liên tục, ho, đau tức vùng cổ, ngực. Các bác sĩ bệnh viện đa khoa tỉnh phát hiện bệnh nhân mắc bệnh whitmore và tiến hành điều trị kháng sinh.
Sau 10 ngày nằm viện, bà Lương vẫn chưa dứt sốt. Bà được chuyển lên khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng sốt cao, tổn thương phổi, áp xe phổi, có nhiều ổ hoại tử trong phổi.
Tại đây, bà tiếp tục được các bác sĩ điều trị kháng sinh. Hiện tại, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã có chuyển biến tích cực.
Nhờ phát hiện bệnh sớm, bệnh nhân đã Lương qua cơn nguy hiểm. Ảnh: Lê Nga.
Bệnh whitmore (hay còn gọi bệnh melioidosis) là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do loài vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên.
Vi khuẩn sống ở trong đất hoặc trong nước bề mặt, xâm nhập vào cơ thể qua các vết xước trầy da khi tiếp xúc hoặc do hít phải các hạt bụi có vi khuẩn, hít phải nước nhiễm khuẩn khi bơi/đuối nước ở ao, hồ, sông và suối.
Bệnh whitmore đang bị 'bỏ quên' tại Việt Nam bởi rất ít người để ý đến bệnh hay xét nghiệm phát hiện ra vi khuẩn. Do bệnh cảnh lâm sàng đa dạng nên bác sĩ thường chẩn đoán nhầm whitmore với các bệnh khác như viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu…
Tuy nhiên, ngay cả khi được chẩn đoán chính xác, việc điều trị cũng hết sức khó khăn vì phải dùng kháng sinh (thường là ceftazidime) tiêm tấn công liều cao kéo dài liên tục trong ít nhất khoảng 2 đến 4 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì khoảng từ 3 đến 6 tháng nữa.
Điều nguy hiểm là bệnh dễ tái phát, sức khỏe của bệnh nhân rất dễ suy kiệt do bệnh tái đi tái lại hoặc nếu điều trị không đúng phác đồ. Đến nay bệnh whitmore vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh.
Tại Hội nghị bệnh whitmore toàn cầu lần thứ 8 tổ chức tại Cebu, Philippine mới đây, Tiến sĩ Direk Limmathurotsakul đã sử dụng các thuật toán khoa học để dự báo về sự phân bố của vi khuẩn whitmore ở các lục địa và dự đoán số lượng người nhiễm bệnh trên toàn thế giới.
Theo đó, bệnh whitmore có mặt ở 80 quốc gia. Hàng năm có khoảng 165.000 người nhiễm bệnh và bệnh cướp đi sinh mạng sống của 89.000 người.
Dự báo, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 10.430 ca nhiễm bệnh và khoảng 4.703 ca tử vong.
Tiến sĩ Trịnh Thành Trung, Trưởng nhóm nghiên cứu vi khuẩn, Viện Vi sinh vật và Công nghệ Sinh học, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, sau hơn một năm triển khai mạng lưới nghiên cứu bệnh whitmore trong cả nước, hàng trăm ca bệnh whitmore đã được phát hiện.
Đa số bệnh nhân là nông dân, có độ tuổi từ 50 đến 70, có bệnh nền đái tháo đường hoặc bệnh mạn tính liên quan đến phổi và thận, có biểu hiện nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi, áp xe đa vị trí khi nhập viện.
Những điều cần lưu ý khi bị sốt cảm, cúm. (Việt hóa bởi Songkhoe.vn).
Khoảng 70% số lượng ca whitmore nhập viện trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 11.
Cũng theo ông Trung, whitmore có bệnh cảnh lâm sàng rất đa dạng, tiến triển nhanh và có thể cướp đi mạng sống bệnh nhân chỉ sau 48 giờ nhập viện.
Tỷ lệ tử vong khi nhiễm bệnh rất cao, từ 40 đến 100% tùy thuộc từng vùng. Tỷ lệ tử vong sẽ giảm đáng kể nếu bệnh nhân được chẩn đoán đúng bệnh và điều trị kháng sinh theo phác đồ hướng dẫn. 'Sô lượng ca bệnh whitmore tăng tỷ lệ thuận với lượng mưa hàng tháng, đặc biệt tăng đột biến trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 11.
Chính vì vậy, mùa bệnh whitmore đang tới, người dân và bác sĩ cần cảnh giác', ông Trung khuyến cáo.
Ông Trung cho biết, whitmore không phải bệnh hiếm gặp như nhiều người từng nghĩ, mà là bệnh phổ biến ở một số vùng của Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều cơ sở y tế không xét nghiệm được bệnh này là do 3 lý do chính sau:
- Bệnh không có bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng điển hình trên lâm sàng, dẫn đến khó chẩn đoán được bệnh. Nhiều bác sĩ không có phản xạ nghi ngờ ca bệnh, nên không gửi mẫu xét nghiệm vi sinh, dẫn đến bỏ sót ca bệnh.
- Việc chẩn đoán bệnh phải dựa trên xét nghiệm vi sinh. Tuy nhiên, nhiều cán bộ xét nghiệm vi sinh vẫn chưa có kinh nghiệm trong xét nghiệm vi khuẩn whitmore hoặc chưa được đào tạo phương pháp xét nghiệm, dẫn đến bỏ sót ca bệnh. Chẩn đoán chính xác bệnh phải dựa trên các xét nghiệm phân lập và định danh vi khuẩn trong các mẫu bệnh phẩm máu, mủ, đờm, nước tiểu và các loại dịch khác.
- Các thiết bị định danh vi khuẩn trong bệnh viện như kít API, máy Vitek và máy Phoenix thường định danh nhầm vi khuẩn whitmore thành vi khuẩn khác, dẫn đến trả sai kết quả xét nghiệm, từ đó không định hướng được điều trị đúng.
>> Xem thêm: Bệnh nguy hiểm Whitmore khác quai bị như thế nào?
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!