Câu hỏi 1: Cháu là nữ, năm nay cháu 17 tuổi. Cách đây 1 tháng cháu ngoáy tai bên phải sâu quá nên bị đau. Cháu bị ù suốt hơn 1 tuần bên ấy, sau đó thì đỡ hơn nhưng cháu lại bị chảy nước trong tai, ngoáy tai ra có màu nâu đen. Hôm nay cháu chẳng may ngoáy sâu lại bên tai ấy, bị đau suốt mấy tiếng và lại bị ù ạ. Tất cả các triệu chứng đều chỉ bị bên tai phải thôi ạ. Tai trái thì vẫn bình thường. Xin hỏi bác sĩ cháu bị như vậy là bệnh gì, khắc phục như thế nào ạ. Cháu xin cảm ơn!
BS. Từ Tấn Tài, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, trả lời:
Chào cháu,
Tự ngoáy tai là động tác tương đối nguy hiểm cho tai vì chúng ta không nhìn được đầu que tăm bông chạm đến đâu. Nếu ta ngoáy thô bạo, dùng que tăm bông cứng làm sẵn mà đưa vào tai có thể gây xây xát, rách da ống tai gây đau, chảy máu, nhiễm trùng làm tai đau nhức, chảy dịch đen, vàng hoặc mủ.
Bông ngoáy tai chỉ có tác dụng thấm khô nước trong tai khi tắm nhưng lại có tác hại đẩy ráy tai vào trong mà không lấy ra được bao nhiêu. Không nên đưa tăm bông sâu vào tai có thể gây thủng màng nhĩ gây rắc rối lớn.
Ảnh minh họa
Trường hợp cháu tôi đoán có lẽ có một khối lớn ráy tai làm bịt kín màng nhĩ, khi tắm nước vào tai làm khối ráy tai này nở ra gây ù tai, khó chịu. Cố chọc sâu tăm bông vào tai càng đẩy khối này sâu vào trong tai, không có ích lợi mà còn gây nguy hiểm.
Cháu nên đến khám bác sĩ tai mũi họng, lấy bỏ sạch các chất bẩn tích tụ trong tai, sau đó uống thuốc theo đơn thì mới khỏi bệnh được. Không nên chọc ngoáy vào tai nữa cháu nhé và cũng không làm ướt tai.
Chúc cháu mau khỏi bệnh!
Câu hỏi 2: Chào bác sĩ, cháu 16 tuổi, thỉnh thoảng ở trong tai cháu có mụn nhân to mềm, sưng đỏ, không có dịch, rất đau và có thể nặn mụn. Cháu bị làm sao ạ? Xin Bác sĩ tư vấn giúp cháu. Cháu xin cảm ơn!
BS. Nguyễn Thị Vân, Bộ Y tế, trả lời:
Chào cháu,
Mọc mụn trong tai có thể do nhiều nguyên nhân:
- Thói quen dùng tăm bông ngoáy tai thường xuyên, dẫn đến trầy xước ống tai dẫn đến viêm, nhiễm trùng ống tai.
- Do cấu trúc của ống tai nửa trong là niêm mạc, nửa ngoài là da, cùng với vành tai có nhiều lông, và bên dưới các lỗ chân lông là các tuyến mồ hôi, tuyến bã, vì vậy chúng có thể bị viêm, hoặc ở những người có cơ địa da tăng tiết bã, mặt có nhiều mụn trứng cá cũng dễ làm mụn ống tai.
- Dò luân nhĩ nhiễm trùng.
Cháu nên đi khám chuyên khoa tai mũi họng, chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây mụn ống tai và điều trị. Bác sĩ cho cháu dùng kháng sinh toàn thân, sát trùng tại chỗ, giảm đau.
Điều quan trọng nhất là cháu phải giữ ống tai luôn sạch sẽ để tránh sự lan rộng của ổ viêm. Không nên xoa nắn, ấn ép vào ống tai.
Chúc cháu mau khỏi bệnh!
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!