Cẩn trọng khi dùng miếng dán giữ nhiệt

Cần biết - 04/29/2024

Những miếng dán giữ nhiệt có thể giúp giữ ấm trong mùa đông. Tuy nhiên, lạm dụng sản phẩm này có thể khiến làn da bị bỏng.

Trong những ngày giá lạnh, mọi người luôn tìm mọi cách để chống lại cái rét. Một trong những cách đang được ưa chuộng là dùng miếng dán giữ nhiệt. Sản phẩm này có nhiều ưu điểm. Tuy vậy, nếu sử dụng không đúng cách có thể dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.

Nguyên lý hoạt động

Miếng dán giữ nhiệt hoạt động theo cách thức phản ứng oxy hoá kim loại để sinh nhiệt sưởi ấm. Nguyên liệu chủ yếu là bột sắt, muối, than hoạt tính, nước… Tuỳ vào lượng nguyên liệu, phản ứng sẽ đem đến nguồn nhiệt ở nhiều mức độ khác nhau. Miếng dán hiện có hai loại chính là dán và bỏ túi.

Cẩn trọng khi dùng miếng dán giữ nhiệt

Miếng dán giữ nhiệt là lựa chọn của nhiều người khi trời lạnh buốt (Ảnh: Internet)

Ưu điểm

Nhanh chóng giữ ấm, dễ dàng mua về và sử dụng, sản phẩm không quá lớn nên dán vào người không bị mất thẩm mỹ. Ngoài ra, miếng dán có giá thành rẻ, phù hợp với mọi gia đình. Tuy nhiên, do nguồn nhiệt phát ra có thể ở nhiều mức nên miếng dán tiềm ẩn những nguy cơ gây hại cho cơ thể.

Dị ứng da

Các sản phẩm trong miếng dán không phải thích hợp với tất cả loại da, đặc biệt là các vùng da mỏng, người có da nhạy cảm. Một miếng dán có tác dụng trong hơn 12 giờ. Liên tục dán như vậy dễ khiến các chất thấm vào da gây dị ứng. Ngoài ra, việc này cũng bít các lỗ chân lông, khiến da bị bít kín, khó chịu.

Những người có da bị tổn thương, các kim loại nặng trong miếng dán có thể tích tụ vào trong cơ thể tiềm ẩn những mối nguy hiểm cho sức khoẻ.

Nguy cơ bỏng da

Nhiều người sử dụng miếng dán trực tiếp lên da với mong muốn tăng hiệu quả giữ ấm. Tuy nhiên chính việc này có thể dẫn đến tình trạng bỏng da. Về mặt lý luận khi tiếp xúc với nhiệt độ lớn hơn nhiệt độ cơ thể, khả năng bỏng đều xảy ra. Với những nguồn nhiệt chỉ khoảng 50oC, nếu tiếp xúc với cơ thể quá lâu, khá năng bỏng vẫn xảy ra. Đặc biệt khi người dùng dán ở các mô mềm.

Cẩn trọng khi dùng miếng dán giữ nhiệt

Giữ ấm cơ thể bằng nhiều biện pháp khoa học để bảo vệ sức khỏe (Ảnh: Internet)

Loại bỏng này gọi là bỏng ở nhiệt độ thấp. Làn da xuất hiện các vết phồng rộp, đôi lúc tróc da hoặc màu sắc da trở nên nhợt nhạt. Hậu quả của nó không nghiêm trọng tức khắc như bỏng ở nhiệt độ cao. Tuy nhiên, với những làn da mỏng như da trẻ nhỏ, tổn thương do miếng dán đem lại có thể ở mức lớn. Khiến trẻ phải mất nhiều thời gian để điều trị và hồi phục.

Cách dùng

Để miếng dán giữ nhiệt không làm bỏng da hoặc gây tổn thương cho cơ thể, phụ huynh không nên dùng miếng dán cho trẻ nhỏ. Khi nhiệt độ môi trường xuống thấp, người lớn có thể dán qua một lớp áo. Nhiệt độ chỉ nên trong ngưỡng 40oC. Tránh dán trực tiếp lên da hoặc dán liên tục ở một vị trí.

Những người dị ứng hoặc da bị tổn thương, nếu dán qua một lớp vẫn khó chịu thì không nên sử dụng. Tuyệt đối không dùng miếng dán lúc ngủ. Khi cảm thấy dấu hiệu bất thường ở vị trí dán nên nhanh chóng tháo miếng dán. Nếu bị bỏng, cần đến khám để điều trị kịp thời.

Cách giữ ấm cho cơ thể

Khi thời tiết lạnh buốt, bạn không cần dùng miếng dán mà vẫn có thể đảm bảo thân nhiệt cho bản thân và người thân, đặc biệt là con nhỏ. Nên mặc đủ ấm vào những ngày giá rét. Ngoài áo quần, bạn nên chuẩn bị thêm tất, găng tay, mũ len…

Khi đi trên đường, tuyệt đối không để con nhỏ ngồi trước hứng gió. Nhiệt độ trong nhà cần được điều chỉnh ấm áp nhưng vẫn thoáng mát. Ngoài ra, bạn nên chuẩn bị những món ăn giữ ấm và có những bài tập rèn luyện để cơ thể khoẻ mạnh trong mùa đông.

>> Xem thêm:

Nguyên tắc khi dùng thiết bị sưởi ấm bé mùa đông

Những thiết bị phát hiện nguy cơ đột quỵ

Tiêu chí 'vàng' chọn máy sưởi mùa đông

Sưởi ấm bằng than: Đừng đùa giỡn với tính mạng!

Thanh Nguyên

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!