HIV là một virus ảnh hưởng đến hệ thống và các tế bào miễn dịch trong cơ thể. Tuy nhiên, các triệu chứng HIV ở mỗi người không giống nhau.
Các triệu chứng của HIV sẽ khác nhau đối với mỗi người. Nghiên cứu cho thấy hiếm có trường hợp xuất hiện những triệu chứng giống nhau ở 2 nam giới cùng mắc bệnh HIV. Hello Bacsi sẽ cùng bạn tìm hiểu về những triệu chứng này nhé.
Các triệu chứng nhiễm HIV :
HIV là tên viết tắt của cụm từ tiếng Anh Human Immuno-deficiency Virus (Virus gây suy giảm miễn dịch ở người). HIV gây tổn thương hệ thống miễn dịch của cơ thể và làm cho cơ thể không còn khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh dẫn đến chết người. HIV có thể lây truyền qua quan hệ tình dục, qua đường máu hoặc truyền từ mẹ sang con trong thời kỳ mang thai, sinh đẻ và cho con bú.
Thông thường, HIV/AIDS trải qua 4 giai đoạn sau:
Giai đoạn 1: Thời kỳ sơ nhiễm (mắc bệnh cấp tính)
Thời gian kéo dài từ 2 đến 6 tháng. Xét nghiệm HIV cho kết quả âm tính. Trong giai đoạn này, bạn dễ lây bệnh cho đối tác nếu quan hệ tình dục không an toàn.
Khoảng 80% những người gặp tình trạng HIV có các triệu chứng giống như cúm trong vòng từ 2–4 tuần sau khi nhiễm bệnh. Bệnh giống cúm này được gọi là nhiễm HIV cấp tính. Đây là giai đoạn đầu của bệnh và kéo dài cho đến khi cơ thể tạo ra kháng thể chống lại HIV.
Các triệu chứng phổ biến nhất của HIV cấp tính bao gồm:
- Cơ thể phát ban
- Sốt
- Viêm họng
- Đau đầu nghiêm trọng
Các triệu chứng ít gặp hơn bao gồm:
- Mệt mỏi
- Sưng hạch bạch huyết
- Loét trong miệng hoặc trên bộ phận sinh dục
- Đau cơ
- Đau khớp
- Buồn nôn và nôn mửa
- Đổ mồ hôi đêm
Các triệu chứng này thường kéo dài từ 1–2 tuần. Nếu đang gặp một vài trong số những triệu chứng này và cảm thấy không yên tâm, lời khuyên cho bạn là hãy đi khám bác sĩ để có những chuẩn đoán chính xác và an toàn nhé.
Giai đoạn 2: Tình trạng nhiễm HIV không triệu chứng
Sau khi trải qua các triệu chứng ban đầu, HIV ở nam giới sẽ không gây ra các triệu chứng khác đối với cơ thể. Trong thời gian này, virus tái tạo trong cơ thể bạn và bắt đầu làm suy yếu hệ thống miễn dịch. Bạn không cảm thấy cơ thể yếu đi nhưng virus vẫn hoạt động bên trong các tế bào và bạn rất dễ truyền bệnh cho người khác. Xét nghiệm cho kết quả dương tính.
Giai đoạn 3: Giai đoạn cận AIDS (nhiễm trùng cơ hội)
Vẫn không có biểu hiện đặc trưng, xét nghiệm cho kết quả dương tính.
Giai đoạn cuối: HIV phát triển thành AIDS (nhiễm trùng toàn thân)
Các virus HIV sẽ mất một khoảng thời gian để có thể phá vỡ hệ thống miễn dịch của cơ thể. Một khi điều này xảy ra, HIV sẽ tiến triển thành AIDS.
AIDS là tên viết tắt của cụm từ tiếng Anh: Acquired Immuno Deficiency Syndrom (Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải) – giai đoạn cuối của quá trình nhiễm HIV.
AIDS là một bệnh mạn tính do HIV gây ra. HIV phá hủy các tế bào của hệ miễn dịch, khiến cơ thể không còn khả năng chống lại các virus, vi khuẩn và nấm gây bệnh. Tại thời điểm này, hệ thống miễn dịch gặp tình trạng tổn thương nghiêm trọng, do đó bệnh nhân dễ mắc một số loại ung thư và nhiễm trùng cơ hội mà bình thường có thể đề kháng được.
Thời gian từ khi nhiễm HIV đến biến chuyển thành bệnh AIDS tùy thuộc vào hành vi và đáp ứng miễn dịch của từng người nhưng tựu chung lại trong khoảng thời gian trung bình là 5 năm.
Các triệu chứng chính của AIDS ở nam giới:
- Buồn nôn
- Tiêu chảy dai dẳng
- Mệt mỏi mãn tính
- Giảm cân nhanh
- Ho kéo dài
- Sốt tái phát lại nhiều lần, ớn lạnh và đổ mồ hôi ban đêm
- Phát ban, loét, vết thương ở miệng hoặc mũi, trên bộ phận sinh dục hoặc dưới da
- Sưng kéo dài của các hạch bạch huyết ở nách, háng hoặc cổ
- Mất trí nhớ hoặc rối loạn thần kinh
Những lưu ý về bệnh HIV ở nam giới
Tăng cường sức đề kháng khi điều trị bệnh
- Giữ tinh thần lạc quan
- Bổ sung protein, chất béo, năng lượng, vitamin và khoáng chất cần thiết cho nam giới
- Tập thể dục đều đặn
- Có lối sống lành mạnh: không sử dụng rượu, thuốc lá, ma túy và tình dục an toàn
Không phải ai cũng gặp tình trạng AIDS
HIV có thể phát triển thành bệnh AIDS trong vòng vài tháng hoặc vài năm. Tuy nhiên, không phải ai nhiễm HIV cũng sẽ chuyển qua giai đoạn AIDS. Ngày nay, khoa học và y học đã có những loại thuốc kháng virus, giúp kiểm soát tốt HIV ở nam giới ngay từ giai đoạn đầu.
Các thuốc trị liệu này có thể làm chậm sự tiến triển của HIV và cải thiện chất lượng cuộc sống, Nhưng cách tốt nhất là bạn nên nhận biết bệnh và điều trị sớm để có kết quả tốt hơn.
Kiểm tra và phòng ngừa HIV
Nếu đã từng và đang trong mối quan hệ tình dục hoặc sử dụng chung kim tiêm với người khác, bạn hãy đi khám bệnh để kiểm tra mình có mắc bệnh HIV hay không nhé.
Bạn có thể giảm nguy cơ nhiễm HIV bằng cách thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau:
- Quan hệ tình dục an toàn: Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục qua âm đạo và hậu môn. Khi sử dụng đúng cách, bao cao su có hiệu quả cao trong việc bảo vệ chống lại HIV.
- Tránh các loại thuốc tiêm tĩnh mạch: Bạn hãy nhớ không bao giờ dùng chung hoặc tái sử dụng kim tiêm.
- Hãy thận trọng: Luôn luôn giả định rằng máu có thể lây truyền bệnh. Vì thế, bạn hãy bảo vệ bản thân bằng cách sử dụng găng tay cao su và vật dụng bảo vệ khác.
Điều trị dự phòng phơi nhiễm
Nếu bị các vật nhọn đâm gây rách da có chảy máu hay bị máu bắn vào niêm mạc mắt (thường gặp ở nhân viên y tế) hoặc do quan hệ tình dục không an toàn… để phòng tránh bệnh, cách tốt nhất bạn nên điều trị dự phòng phơi nhiễm nhằm ngăn chặn HIV xâm nhập vào tế bào. Thời điểm điều trị tốt nhất là 6 giờ sau khi có tiếp xúc đến tối đa 72 giờ, bằng thuốc kháng sinh (ARV) trong vòng 4 tuần.
Các triệu chứng HIV ở nam giới luôn thay đổi và khác nhau ở từng người. Cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe của bạn và gia đình là hãy kiểm tra HIV thường xuyên cũng như có kế hoạch sống khỏe, lành mạnh và thận trọng trong các mối quan hệ ngoài xã hội, bạn nhé.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Sút cân khi bị nhiễm HIV: Giải pháp nào cho người bệnh?
- Các bệnh da liễu liên quan đến HIV/AIDS mà bạn nên biết
- Để ngăn ngừa HIV hiệu quả, bạn cần biết các thông tin sau
- Mẹo giúp tăng cường hệ miễn dịch cho người bị nhiễm HIV
- 10 sự thật về HIV không phải ai cũng biết: Tìm hiểu ngay để tự phòng tránh
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!