Bạn nghi ngờ bản thân hoặc người thân đang nhiễm HIV/AIDS? Bạn lo lắng và muốn tìm hiểu rõ về HIV/AIDS cũng như cách phòng ngừa bệnh? Hello Bacsi sẽ giúp bạn.
Nếu mắc phải HIV/AIDS, chắc chắn bạn sẽ sống trong những ngày u tối của cuộc đời. Để tránh tình trạng lây nhiễm bệnh, tốt nhất bạn nên biết những nguyên nhân gây bệnh và cách phòng ngừa. Hello Bacsi mời bạn theo dõi bài viết dưới đây.
HIV là gì? AIDS là gì?
HIV (virus suy giảm miễn dịch ở người) là một loại virus tấn công hệ miễn dịch – hệ thống phòng vệ tự nhiên của cơ thể. Nếu không có sự bảo vệ của một hệ miễn dịch khỏe mạnh, cơ thể bạn sẽ gặp khó khăn trong việc phòng chống lại các bệnh. Cả virus và bệnh nhiễm trùng do virus gây ra đều được gọi tên là HIV (virus HIV gây bệnh HIV).
Các tế bào bạch cầu là một phần quan trọng của hệ miễn dịch. HIV sẽ lây nhiễm và phá hủy một số tế bào bạch cầu được gọi là tế bào CD4+. Nếu có quá nhiều tế bào CD4 + bị phá hủy, cơ thể sẽ mất đi khả năng tự bảo vệ mình chống lại các dạng nhiễm trùng.
Giai đoạn cuối của bệnh HIV chính là AIDS (hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải). Người bị AIDS có rất ít tế bào CD4 + và dễ bị nhiễm trùng hoặc mắc các ung thư hiếm gặp ở người khỏe mạnh. Những căn bệnh đó đều có thể gây tử vong.
Tuy nhiên, một người bị nhiễm HIV không có nghĩa là người đó cũng bị AIDS. Ngay cả khi không điều trị, virus HIV cũng sẽ mất một thời gian dài để bệnh tiến triển đến giai đoạn cuối AIDS và khoảng thời gian này thường là từ 10–12 năm.
Khi bạn phát hiện mình bị HIV trước khi nó trở thành AIDS, các loại thuốc có thể giúp làm chậm hoặc ngăn chặn các tổn thương đến hệ thống miễn dịch. Nếu bệnh AIDS phát triển, các loại thuốc giúp hệ thống miễn dịch trở lại trạng thái khỏe mạnh hơn.
Phân loại HIV/AIDS
Bằng cách tiếp nhận điều trị, người bệnh HIV có thể kéo dài tuổi thọ lâu hơn.
Có hai dạng HIV:
- HIV-1, nguyên nhân gây ra hầu hết các trường hợp phát triển thành AIDS trên toàn thế giới;
- HIV-2 là loại bệnh gây ra chứng bệnh giống AIDS. Bệnh HIV-2 rất ít thấy ở Bắc Mỹ.
Nguyên nhân gây bệnh HIV/AIDS
Một người gặp tình trạng HIV là do siêu vi khuẩn gây suy giảm miễn dịch ở người gây ra. Bạn có thể bị nhiễm HIV khi tiếp xúc với máu, tinh dịch hoặc dịch âm đạo của người bị nhiễm bệnh.
Tuy nhiên, để virus HIV thực sự xâm nhập vào cơ thể, máu, tinh dịch hoặc dịch tiết âm đạo của người bệnh phải đi vào cơ thể bạn. Bạn không thể bị nhiễm bệnh thông qua tiếp xúc bình thường, hôn môi, khiêu vũ hoặc bắt tay với một người bị nhiễm HIV/AIDS. HIV không thể truyền qua không khí, nước hoặc vết côn trùng cắn.
Bạn có thể bị nhiễm HIV qua một số con đường sau, bao gồm:
Quan hệ tình dục
Bạn sẽ bị nhiễm bệnh nếu có quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn hay miệng và xảy ra khi trường hợp máu, tinh dịch, dịch âm đạo của bạn tình bị nhiễm bệnh đi vào cơ thể bạn. Loại virus này có thể xâm nhập vào cơ thể qua các vết lở loét ở miệng hoặc tinh dịch đi vào trực tràng hoặc âm đạo trong khi quan hệ tình dục.
Đường truyền máu
Trong một số trường hợp, virus có thể lây truyền qua truyền máu.
Dùng chung kim tiêm
HIV có thể lây truyền qua kim tiêm và xi-lanh nếu dùng chung kim tiêm nhiễm máu có chứa virus HIV. Việc sử dụng chung các dụng cụ tiêm chích vào tĩnh mạch sẽ khiến bạn tự đặt bản thân mình vào nguy cơ cao mắc bệnh HIV cũng như các bệnh truyền nhiễm khác như viêm gan.
Truyền từ đường mẹ sang con (mẹ bị nhiễm HIV/AIDS trong thời kỳ mang thai hoặc sinh con hoặc cho con bú)
Mẹ bị nhiễm HIV có thể lây nhiễm virus sang con. Tuy nhiên, bằng cách tiếp nhận điều trị chữa bệnh HIV trong lúc mang thai, mẹ sẽ giảm đi đáng kể nguy cơ lây bệnh sang cho thai nhi.
Các triệu chứng của bệnh HIV/AIDS
HIV/AIDS có thể không gây ra triệu chứng khi mới bắt đầu phát bệnh (trong giai đoạn đầu). Những người bị nhiễm HIV/AIDS sẽ xuất hiện các triệu chứng có thể dễ nhầm lẫn với bệnh cúm hoặc bệnh truyền nhiễm “mono”. Các triệu chứng phổ biến của bệnh này thường bao gồm:
- Sốt;
- Viêm họng;
- Đau đầu;
- Đau các cơ và đau khớp;
- Sưng hạch (các hạch bạch huyết bị sưng);
- Phát ban.
Các triệu chứng có thể xuất hiện từ vài ngày đến vài tuần sau khi nhiễm bệnh. Các triệu chứng ban đầu thường sẽ tự biến mất trong vòng 2–3 tuần.
Sau khi các triệu chứng ban đầu biến mất, người bệnh sẽ không biểu hiện triệu chứng nào trong nhiều năm tiếp theo. Khi đến một thời điểm nhất định, các triệu chứng lại xuất hiện và sau đó tồn tại kéo dài. Những triệu chứng này thường bao gồm:
- Sưng hạch bạch huyết;
- Mệt trầm trọng;
- Sụt cân không rõ nguyên nhân;
- Sốt;
- Đổ mồ hôi vào ban đêm.
Chẩn đoán bệnh HIV/AIDS
Nếu bạn có các các triệu chứng bệnh kéo dài và không thể tìm ra nguyên nhân nào gây bệnh, bác sĩ sẽ nghi ngờ bạn đã bị nhiễm HIV và yêu cầu bạn làm một số xét nghiệm máu.
Nếu bạn đã từng bị nhiễm HIV, hệ miễn dịch sẽ sản sinh những kháng thể diệt virus. Các bác sĩ sẽ yêu cầu bạn làm xét nghiệm để tìm ra những kháng thể này trong nước tiểu, nước bọt hoặc máu.
Nếu xét nghiệm nước tiểu hay nước bọt cho thấy bạn bị nhiễm HIV, bạn sẽ cần làm một xét nghiệm máu khác để xác nhận kết quả.
Hầu hết các bác sĩ đều sử dụng 2 loại xét nghiệm máu gọi là ELISA và Western Blot. Nếu kết quả ELISA là dương tính (có nghĩa là đã tìm thấy các kháng thể HIV), bạn cần làm xét nghiệm máu theo phương pháp Western Blot để đảm bảo kết quả.
Các kháng thể HIV thường xuất hiện trong máu trong vòng 3 tháng, nhưng đôi khi tồn tại kéo dài đến 6 tháng. Nếu bạn nghĩ bạn đã tiếp xúc với HIV nhưng kết quả xét nghiệm lại cho thấy âm tính (không nhiễm HIV), bạn cần làm theo các bước sau:
- Làm xét nghiệm bổ sung. Bạn hãy đi xét nghiệm vào các tuần 6, 12 và 24 để đảm bảo bạn không bị nhiễm bệnh;
- Trong khi đó, hãy thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của virus để phòng trường hợp bạn bị nhiễm bệnh.
Bạn có thể làm các thủ tục xét nghiệm HIV ở hầu hết các phòng khám bác sĩ, phòng khám sức khỏe công cộng, bệnh viện và các trung tâm y tế cộng đồng. Bạn cũng có thể mua bộ dụng cụ xét nghiệm HIV và tự xét nghiệm tại nhà ở hiệu thuốc hoặc đặt hàng đến tận nhà để đảm bảo bí mật. Hãy chắc chắn rằng bộ xét nghiệm bạn mua đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa kỳ (FDA) phê duyệt. Nếu kết quả xét nghiệm là dương tính, hãy đến gặp bác sĩ để xác nhận lại kết quả và được hướng dẫn phải làm gì tiếp theo.
Biện pháp điều trị bệnh HIV
Cách điều trị tiêu chuẩn đối với bệnh HIV là dùng kết hợp với liệu pháp kháng ARV hoặc liệu pháp ART. Thuốc kháng ARV sẽ làm chậm tốc độ sinh sôi của virus.
Uống các loại thuốc này có thể giúp làm giảm lượng virus trong cơ thể và giúp bạn cảm thấy khỏe mạnh hơn.
Các chuyên gia y tế khuyên mọi người nên bắt đầu điều trị HIV ngay sau khi biết mình bị nhiễm bệnh.
Để theo dõi tình trạng bệnh HIV và ảnh hưởng của nó đối với hệ miễn dịch, bác sĩ sẽ thường xuyên yêu cầu bạn làm 2 loại xét nghiệm:
Xét nghiệm số lượng virus
Cho thấy lượng virus đang tồn tại trong máu.
Đếm số lượng tế bào CD4+
Cho thấy hệ miễn dịch đang hoạt động như thế nào.
Sau khi bắt đầu điều trị, điều quan trọng bạn cần nhớ đó là uống thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ. Khi quá trình điều trị không mang lại hiệu quả, nguyên nhân thường là do HIV có khả năng kháng lại thuốc. Tình trạng này xảy ra nếu bạn uống thuốc không đúng cách.
Các biện pháp ngăn ngừa bệnh HIV
Virus HIV thường lây lan bởi vì người bệnh không ý thức được mình đang mang mầm bệnh. Do đó, hãy thực hiện các biện pháp sau để bảo vệ bản thân và người khác khỏi lây nhiễm HIV:
Quan hệ tình dục với biện pháp an toàn
Sử dụng bao cao su mỗi khi bạn quan hệ tình dục (kể cả tình dục bằng miệng) cho đến khi bạn hoàn toàn chắc chắn rằng bạn và bạn tình đều không bị nhiễm HIV hoặc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác (STI).
Không quan hệ tình dục với nhiều người cùng lúc
Các hoạt động quan hệ tình dục sẽ trở nên an toàn nhất khi bạn chỉ quan hệ với một người bạn tình duy nhất.
Không uống nhiều rượu hoặc sử dụng các chất ma túy tổng hợp trước khi quan hệ tình dục
Bạn có thể dễ dàng quên mất việc dùng bao cao su sẽ không thực hiện tình dục có biện pháp an toàn.
Không dùng chung các vật dụng cá nhân như bàn chải đánh răng hoặc dao cạo.
Không bao giờ dùng chung kim tiêm hoặc xi-lanh với bất kỳ ai
Để giữ an toàn cho bản thân và người khác, bạn không nên dùng chung kim tiêm dù đã rửa hoặc lau sạch mà nên dùng một cái hoàn toàn mới nhé.
Biến chứng bệnh HIV gây ra
Virus HIV sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch của bạn, khiến bạn dễ bị nhiễm trùng và mắc một số bệnh ung thư nhất định.
Bệnh lao phổi (Pulmonary Tuberculosis)
Ở các nước kém phát triển, bệnh lao là dạng bệnh nhiễm trùng cơ hội phổ biến nhất liên quan đến HIV và cũng chính là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu đối với những người bị AIDS.
Nhiễm virus Cytomegalo
Loại virus herpes phổ biến này thường được lây truyền qua dịch cơ thể như nước bọt, máu, nước tiểu, tinh dịch và sữa mẹ. Hệ miễn dịch khỏe mạnh sẽ có khả năng khử đi hoạt tính của virus nhưng nó vẫn tồn tại tiềm ẩn ở trong cơ thể bạn. Nếu bạn có hệ miễn dịch suy yếu, virus sẽ tái phát trở lại – điều này gây tổn thương đến mắt, đường tiêu hóa, phổi hoặc các cơ quan khác.
Bệnh nấm Candida
Candida là một chứng bệnh nhiễm trùng thường gặp mà có liên quan đến HIV. Nó gây viêm và hình thành lớp màng phủ dày màu trắng trên màng niêm dịch trong miệng, lưỡi, thực quản hay âm đạo.
Bằng những thông tin chuyên sâu về căn bệnh nguy hiểm HIV đi kèm với phương hướng ngăn ngừa và điều trị, Hello Bacsi mong rằng bạn sẽ biết thêm nhiều thông tin để có thể tự bảo vệ bản thân mình và người khác nhé!
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Các cách phòng tránh lây nhiễm HIV cực hiệu quả
- Bạn biết gì về các biến chứng của nhiễm HIV?
- Điều trị lọc máu có khiến bạn nhiễm HIV/AIDS?
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!