Các cơ quan nội tạng của thai phụ đặc biệt là tim, gan, phổi, thận... phải đảm nhiệm thêm trọng trách vì thai nhi đang phát triển thông qua cơ thể của người mẹ. Bài viết sau xin đề cập tới một số bệnh lý về gan khi mang bầu để chị em cảnh giác và phòng ngừa.
Những bệnh gan có từ trước khi mang bầu và bệnh gan mắc trong quá trình mang bầu có thể tác động xấu tới sức khỏe của thai phụ. Tác động của thai nghén đến các bệnh gan mạn tính khác nhau tùy thuộc từng thể bệnh:
Ứ mật trong gan khi mang bầu
Đó là tình trạng mật bị ứ lại trong gan, ngấm vào máu rồi ngấm vào da, gây ra triệu chứng ngứa và vàng da. Ngứa da thường gặp nhất ở lòng bàn tay, bàn chân. Một số người có thể bị ngứa toàn thân. Triệu chứng ngứa tiến triển càng lúc càng nhiều làm bệnh nhân mất ngủ và ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày. Men gan tăng hơn bình thường từ 2 - 10 lần. Thai phụ không nôn, không đau bụng. Nó có thể thay đổi từ nhẹ đến nặng và thường bắt đầu xảy ra vào 3 tháng giữa và 3 tháng cuối của thai kỳ. Đây là loại bệnh lành tính, tiên lượng cho mẹ tốt. Triệu chứng tự biến mất khoảng 2 ngày sau sinh.
Hình ảnh gan bình thường (trên) và gan nhiễm mỡ (dưới).
Nguyên nhân của bệnh chưa được hiểu rõ, có thể liên quan đến gene, tăng nhạy cảm với estrogen và yếu tố môi trường. Bệnh thường gặp hơn ở người sinh đôi hoặc đa thai do tăng nội tiết tố. Về điều trị: bệnh chỉ có thể điều trị (với ngứa dùng thuốc chống histamin; dùng vitamin K trước khi đẻ để phòng nguy cơ xuất huyết sau sinh). Tuy vậy, khoảng 60 - 70% số bệnh nhân sẽ bị lại bệnh này khi mang thai lần tới và nguy cơ bị ngứa da khi dùng thuốc ngừa thai. Điều quan trọng là bệnh có thể ảnh hưởng tới thai nhi. Khoảng 60% số bà mẹ bị căn bệnh này có nguy cơ sinh non trước 37 tuần. Một số trẻ chết lúc mới sinh. Bệnh này cũng làm tăng nguy cơ thai chết lưu, suy thai. Do vậy, cần theo dõi thai nhi cẩn thận với siêu âm và đo tim thai. Nếu bất thường có thể cần sinh sớm để giảm nguy cơ thai chết lưu.
Gan nhiễm mỡ cấp khi có bầu
Gan nhiễm mỡ cấp trên người mang thai là một bệnh lí hiếm gặp và xảy ra vào 3 tháng cuối thai kì. Nguyên nhân chưa được hiểu rõ.
Biểu hiện: đau thượng vị hoặc hạ sườn phải, buồn nôn hoặc nôn ói, mệt mỏi, nhức đầu, vàng da, chán ăn. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể bị hôn mê, suy thận, rối loạn đông máu và tử vong. Bệnh gan nhiễm mỡ cấp khi có thai cũng có những thể nhẹ. Nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời tỷ lệ sống cho mẹ hơn 90% và cho thai hơn 60%. Trong thực tế cũng có cả những thể gan nhiễm mỡ cấp khi có thai không thể hiện triệu chứng gì. Nếu chỉ bệnh cảnh lâm sàng thì chưa chắc để chẩn đoán bệnh gan nhiễm mỡ thai nghén mà phải có sự hỗ trợ của xét nghiệm và các phương pháp chẩn đoán hiện đại như chụp cắt lớp vi tính, (CT) và siêu âm gan có khả năng phát hiện bệnh cao. Bệnh gan nhiễm mỡ khi có thai có thể liên quan đến nhiều bệnh về gan khác đi kèm với tiền sản giật, sản giật.
Điều trị chủ yếu bằng can thiệp đẻ càng sớm càng tốt để tránh những biến chứng nghiêm trọng do sau khi sinh bệnh hồi phục tự nhiên. Những người mẹ mang yếu tố gene liên quan đến việc thiếu khả năng oxid hóa chất mỡ có nguy cơ gan bị nhiễm mỡ trở lại trong những lần mang thai khác.
Hội chứng huyết tán, giảm tiểu cầu và tăng men gan (HELLP)
Đây là một trạng thái bệnh lý nghiêm trọng khi có thai, phát triển nhanh, thường gặp ở 3 tháng cuối của thai kỳ nhưng cũng có thể xảy ra ngay sau đẻ, đặc trưng bằng 3 dấu hiệu là: tan huyết (H: hemolysis), tăng men gan (EL: elevated liver enzymes) và giảm số lượng tiểu cầu (LP: low platelets). Nguyên nhân sinh bệnh vẫn còn chưa rõ và tất cả phụ nữ mang thai đều có thể bị mắc bệnh. Các triệu chứng của bệnh bao gồm: đau thượng vị hoặc hạ sườn phải, buồn nôn hoặc nôn ói, mệt mỏi, nhức đầu dữ dội. Cũng có khi phù nề mật, nhất là mặt và hai tay. Nếu không điều trị kịp thời, hội chứng HELLP có thể gây ra những nguy cơ nghiêm trọng cho cả mẹ lẫn thai nhi. Trên người mẹ, bệnh có thể gây hư hại gan nghiêm trọng, hiếm hơn có thể gây vỡ gan, suy thận, rối loạn đông máu, đột quỵ và tử vong. Hội chứng HELLP làm tăng nguy cơ nhau bong non trước khi sinh, đe dọa tính mạng mẹ và thai nhi cũng như tăng nguy cơ sinh non.
Điều trị hội chứng này chủ yếu là phải lấy thai ra sớm để phòng ngừa những biến chứng nặng cho mẹ và thai.
Hiện nay chưa có cách gì để phòng ngừa hội chứng này. Cách tốt nhất là đi khám thai đều đặn. Nếu đã bị hội chứng này thì lần có thai sau cũng dễ tái phát nhưng thường nhẹ hơn.
Một số bệnh lý gan khác
Chảy máu gan, u máu hay vỡ gan tự nhiên: tuy hiếm nhưng có thể gặp ở phụ nữ có tuổi và sinh đẻ nhiều;
Nhiễm virut Herpes rải rác trong gan: các tổn thương thường khu trú ở cổ tử cung hay cơ quan sinh dục ngoài nhưng có thể phát tán ở 3 tháng cuối của thai nghén. Mức độ tổn thương có thể nhẹ nhưng cũng có thể nghiêm trọng gây hoại tử gan;
Bệnh sỏi túi mật do cholesterol: nguy cơ phát triển bệnh lý này tỷ lệ thuận với số lần thai nghén và tuổi có thai.
Lời khuyên thầy thuốc
Vì gan là cơ quan chuyển hóa quan trọng của cơ thể, khi gan bệnh sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ, nhất là ở phụ nữ mang bầu bệnh lý về gan có thể nguy hiểm tính mạng. Do vậy, khi mang thai chị em cần thăm khám thai thường xuyên; đặc biệt khi có những biểu hiện bất thường như nhức đầu, buồn nôn, đau bụng vùng thượng vị ở thai 3 tháng cuối cần thận trọng và đi khám ngay; để phòng ngừa các bệnh lý này những người có bệnh về gan cần được điều trị trước khi mang bầu; không nên mang bầu khi tuổi cao, không mang bầu nhiều lần và quá dày; Có chế độ dinh dưỡng hợp lý khi mang thai.
BS. Phạm Minh Nguyệt
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!