Những câu hỏi thường gặp về vắc-xin viêm gan B

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Viêm gan B là một trong số ít các bệnh về gan có vắc-xin hiện nay.

Chính vì vậy, có rất nhiều câu hỏi đã được đưa ra với các chuyên gia của bệnh viêm gan.

Những câu hỏi thường gặp về vắc-xin viêm gan B

Vắc-xin viêm gan b là gì?

Như mọi người đã biết, viêm gan B là một trong những căn bệnh về gan có tỷ lệ người mắc cao nhất tại nước ta. Vắc-xin viêm gan B chính là loại vắc-xin được chế tạo nhờ công nghệ tái tổ hợp DNA và bao gồm các thành phần protein của vi-rút gây bệnh viêm gan B. Chính vì vậy, vắc-xin viêm gan B giúp cơ thể bạn nhận biết và tạo kháng thể chống nhiễm vi-rút viêm gan B.

Vắc-xin viêm gan B có an toàn không?

Với công nghệ tái tổ hợp DNA, vắc-xin viêm gan B rất an toàn và không gây nhiễm trùng. Tuy vậy, vắc-xin vẫn có một số tác dụng phụ nhỏ thường gặp như đau tại chỗ tiêm hay bị sốt kéo dài dưới một ngày.

Cũng giống các loại vắc-xin khác, vắc-xin viêm gan B cũng có tỷ lệ gây ra phản ứng dị ứng ngắn hạn. Theo thống kê thì tỷ lệ này là một phần một triệu. Bên cạnh đó, bạn có thể yên tâm bởi đã có nhiều nghiên cứu cho thấy việc tiêm phòng viêm gan B không gây ra các tác hại nghiêm trọng hay lâu dài.

Vắc-xin viêm gan B được dùng ở Việt Nam được sản xuất tại đâu?

Vắc-xin viêm gan B được dùng trong Chương trình quốc gia về Tiêm chủng mở rộng của nước ta đều đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng và an toàn quốc tế. Chúng được sản xuất tại công ty Vắc-xin và Sinh học số 1 và được sử dụng từ năm 1997 đến nay.

Tại sao cần tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ ngay sau khi sinh?

Ở Việt Nam, tỷ lệ phụ nữ mang thai nhiễm vi-rút viêm gan B mãn tính là 10-12% trên tổng số ca nhiễm vi-rút viêm gan B. Do đó, tỷ lệ lây truyền vi-rút viêm gan B từ mẹ sang con là một trong những yếu tố chính khiến tỷ lệ nhiễm vi-rút viêm gan B mãn tính ở Việt Nam tăng cao. Bên cạnh đó, trẻ sơ sinh khi nhiễm vi-rút thường không có triệu chứng. Chính vì vậy mà việc tiêm vắc-xin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau khi sinh rất quan trọng trong việc ngăn ngừa lây truyền vi-rút từ mẹ sang con.

Tại sao lại phải tiêm vắc-xin viêm gan B cho tất cả trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ sau sinh mà không hạn chế bằng cách chỉ tiêm cho trẻ có mẹ nhiễm vi-rút viêm gan B?

Giải thích nguyên nhân của việc tiến hành tiêm vắc-xin cho toàn bộ trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ sau sinh, các chuyên gia của bệnh viện gan cho rằng có một số lý do như: không đủ điều kiện tiến hành xét nghiệm ở tất cả các cơ sở y tế, chi phí cho việc xét nghiệm lớn hơn chi phí cần cho chương trình tiêm chủng… Bên cạnh những lý do này, việc tiêm chủng cho trẻ sơ sinh ngay sau sinh giúp phòng ngừa nhiễm trùng khi sinh và chống lại sự lây truyền sau đó từ phía người nhà hoặc có thể từ các nguồn khác. Đồng thời việc tiêm vắc-xin viêm gan B sau sinh có ảnh hưởng đến việc hoàn thành đúng hạn loạt vắc-xin phòng viêm gan B.

Việt Nam có số trẻ em tử vong vì tiêm vắc-xin viêm gan B cao hơn nước khác?

Theo thống kê, tỷ lệ xuất hiện các tác dụng phụ khi tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ em tại Việt Nam hoàn toàn phù hợp với thống kê tại những nước khác. Mỗi năm nước ta có khoảng 1,7 triệu trẻ em được tiêm phòng 8 loại vắc-xin thiết yếu nhưng việc xảy ra tác dụng phụ sau khi tiêm vắc-xin được ghi nhận là vô cùng hiếm.

Sốc phản vệ sau khi tiêm chủng ở trẻ em là gì?

Các tác dụng phụ của vắc-xin thường gặp thường rất nhẹ và không kéo dài. Tuy nhiên với một vài trường hợp có thể xảy ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng, bất ngờ. Trường hợp này được gọi là phản vệ hay sốc phản vệ. Đây là một hậu quả bất lợi hiếm hoi của vắc-xin đối với con người.

Vì vậy, nếu sau khi tiêm vắc-xin mà trẻ có bất kỳ dấu hiệu nào đáng ngờ, phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để tiến hành theo dõi.

Với một vài câu hỏi trên, hy vọng bệnh viện gan đã giúp bạn giải đáp phần nào các thắc mắc liên quan đến vắc-xin viêm gan B.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!