Các thuốc thường gặp gây hại mắt
Thuốc điều trị tăng huyết áp, trợ tim: Các thuốc tim mạch đều có tác dụng ít nhiều đến mắt do can thiệp vào các thụ thể trên mạch máu, vốn có ở mọi nơi trên cơ thể, ở mắt chủ yếu là hắc mạc và võng mạc. Cung lượng tim đủ, huyết áp tốt làm tuần hoàn tới mắt ổn định.
Ngược lại, một số thuốc tim mạch làm hạ huyết áp quá đáng có thể gây thiếu máu thị thần kinh, võng mạc, thiếu máu phần trước nhãn cầu.
Thuốc trợ tim nhóm cordarol như amidarone gây ra một bệnh lý rất đặc biệt trên giác mạc đó là bệnh giác mạc vằn vèo - Cornea Verticillata, do lắng đọng tinh thể thuốc trên biểu mô giác mạc.
Bệnh lý này gây biến đổi màu giác mạc, tạo các xoáy màu rất đặc biệt trên giác mạc, tuy không gây mù lòa nhưng cũng làm mắt bị loạn thị.
Tăng nhãn áp - một tác dụng phụ nguy hiểm khi dùng thuốc steroid.
Cao dán chống say tàu xe: Loại cao dán này thường có hình chữ nhật hay hình tròn chứa dược chất scopolamin ngấm qua da và có tác dụng toàn thân.
Cao dán thường được dán ở vị trí vùng sau tai, thuốc sẽ thấm dần xuyên qua da để vào tĩnh mạch dưới da, vào máu với một lượng đủ có tác dụng chống co thắt, giảm sự kích thích giúp cơ thể giảm buồn nôn và nôn do say tàu xe.
Thuốc có thể gây nhiều tác dụng bất lợi như làm khô miệng, táo bón, nhức đầu, lơ mơ... Đối với mắt, thuốc gây giãn đồng tử làm bệnh nhân nhìn mờ khi nhìn gần, lóa mắt khi học, đọc, cảm giác sợ sáng.
Thuốc nhóm steroid: Hiện nay, thuốc nhóm steroid được sử dụng rất rộng rãi trên thị trường, cho nhiều loại bệnh khác nhau. Mặc dù công nghệ bào chế đã cố gắng loại bỏ tác dụng phụ của nhóm thuốc này nhưng chúng vẫn còn nhiều và rất nguy hiểm tại nhiều cơ quan và tại mắt.
Với các thuốc xịt hen, khí dung có cortizol, thuốc điều trị thoái hóa khớp, viêm đa khớp dạng thấp hay vảy nến, viêm đại trực tràng chảy máu Crohn... có thể gây tổn thương mắt dạng nhẹ sau vài tháng hoặc vài năm. Nhưng với thuốc steroid dùng tại chỗ trên mắt thì hậu quả với mắt có thể xảy ra ngay sau lọ thuốc đầu tiên.
Chẳng hạn thuốc dexamthasone, một loại thuốc được ưa chuộng do tác dụng giảm ngứa, giảm đỏ mắt nhanh nhưng lại hay bị lạm dụng và có thể gây tăng nhãn áp hay glocom thứ phát do thuốc, đục thể thủy tinh, bội nhiễm nấm - vi khuẩn - virut. Điều nguy hại là khi tác dụng phụ đã xảy ra thì ngừng thuốc cũng không kịp nữa.
Thuốc chống trầm cảm: Tại mắt, các thuốc chống trầm cảm có thể gây giãn đồng tử kèm theo ảo giác cho bệnh nhân.
Tình trạng giãn đồng tử có thể khởi phát cơn glocom cấp, góc đóng vốn chưa hề xuất hiện cần phải xử trí kịp thời do bác sĩ chuyên khoa mắt và chuyên khoa tâm thần. Bên cạnh đó, các thuốc hướng thần nếu dùng lâu dài còn gây khô mắt từ trung bình đến nặng.
Thuốc tránh thai: Thuốc tránh thai gây biến đổi về tích nước gian bào, tăng độ nhớt của máu, tăng nguy cơ tắc mạch. Riêng với mắt thì đáng lo ngại nhất là tình trạng tăng nhãn áp, phù gai thị do tăng áp lực nội sọ, tắc mạch võng mạc.
Các tác dụng phụ trên có thể qua đi nhanh chóng nếu dừng thuốc kịp thời nhưng cũng có thể gây hậu quả nghiêm trọng nếu kéo dài.
Ngoài các loại thuốc này, một số loại thuốc bổ như vitamin A, dầu cá, dầu gấc đều gây ngộ độc cho não, mắt khi dùng liều cao, các thuốc kháng histamin, chống ngứa dùng lâu có thể gây khô mắt. Thậm chí, khi các hoạt chất chính không gây hại cho mắt thì chính chất bảo quản lại có thể gây hại cho mắt.
Và cách khắc phục
Dùng đúng hướng dẫn: Với bất kỳ loại thuốc nào, người bệnh cũng cần sử dụng theo đúng hướng dẫn về thời gian, liều lượng, khoảng cách giữa các lần uống hay dùng cao dán...
Chẳng hạn như với cao dán chống say tàu xe, cần dán ở vị trí da khô sau tai từ 4 - 6 giờ trước khi khởi hành, không được dán ở nơi da bị kích thích hay trầy xước vì sẽ làm tăng sự thẩm thấu qua da của hoạt chất này và có thể gây ngộ độc hay những tổn hại tại mắt.
Đối với nhóm steroid không được lạm dụng, dùng kéo dài hay ở liều cao không cần thiết.
Thông báo ngay những thay đổi tại mắt: Để hạn chế các tác dụng lên mắt của thuốc bệnh nhân trong quá trình dùng thuốc cần theo dõi những bất thường đối với thị lực.
Nếu phát hiện bất kỳ thay đổi nào cần tư vấn bác sĩ hoặc dược sĩ để có biện pháp xử trí như giảm liều, ngừng thuốc, thay thế thuốc hay dùng thuốc hỗ trợ điều trị triệu chứng như rửa mắt bằng dung dịch nước muối sinh lý khi bị khô mắt, ngứa mắt...
Không được tự ý dùng thuốc theo mách bảo: Thực tế cho thấy nhiều người dùng thuốc theo mách bảo của bạn bè hay người thân mà không tham khảo ý kiến bác sĩ đã gây những hậu quả nặng nề tại mắt như tăng nhãn áp, mù lòa...
Do đó, người bệnh chỉ nên dùng thuốc khi thật sự cần thiết theo hướng dẫn của bác sĩ dựa trên tình trạng bệnh cụ thể để tránh các nguy cơ có thể xảy ra vì ngay cả những tá dược hay chất bảo quản có trong thuốc đều có thể gây hại mắt.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!