Trẻ lác mắt, sụp mi, không chỉ là chuyện thẩm mỹ

Thời sự - 05/01/2024

Không ít phụ huynh lầm tưởng, lác mắt, sụp mi chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ của trẻ, có thể chữa bất kì lúc nào. Thực tế, nếu không phát hiện, điều trị sớm có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng về thị lực.

Tại hội thảo 'Nâng cao nhận thức chăm sóc và bảo vệ mắt cho trẻ thơ', TS. BS Vũ Anh Tuấn, Giảng viên Đại học Y Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Chuyên môn Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 3 triệu trẻ đang mắc tật khúc xạ cần được chỉnh kính, nếu không được can thiệp kịp thời sẽ diễn tiến nhanh và có thể dẫn tới các biến chứng gây mù lòa.

Điều đáng nói, có tới 70% trẻ bị lác mắt có kèm theo các tật khúc xạ do không được chỉnh kính. Chưa kể, hiện tượng lác mắt ở trẻ ngày càng tăng và nhiều trẻ không được khám chữa kịp thời gây ảnh hưởng nặng nề tới thẩm mỹ và thị lực của trẻ.

Trẻ lác mắt, sụp mi, không chỉ là chuyện thẩm mỹ

Các chuyên gia giải đáp các câu hỏi về chăm sóc mắt cho trẻ nhỏ

Không ít bậc phụ huynh lầm tưởng rằng, lác mắt, sụp mi chỉ ảnh hưởng đến vấn đề thẩm mỹ của trẻ và có thể chữa bất kì lúc nào. Trong khi đó, chuyên gia khẳng định lác mắt, sụp mi nếu không được phát hiện và có phương án điều trị sớm sẽ có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng về thị lực sau này.

TS, BS Vũ Anh Tuấn cho biết, lác mắt là tình trạng hai mắt không cùng nhìn về một hướng. Điều đó có nghĩa là khi một mắt nhìn thẳng ra phía trước thì mắt còn lại sẽ liếc vào trong, ra ngoài, nhìn lên hoặc xuống.

Do hai mắt không nhìn cùng một hướng nên chúng tập trung tiêu điểm vào những điểm hoặc vật thể khác nhau. Não sẽ bỏ qua những tín hiệu đến từ một trong hai mắt để tránh hiện tượng nhìn đôi. Do đó, chỉ còn một mắt được sử dụng để tập trung tiêu điểm vào vật thể.

Hầu hết những trường hợp lác mắt xuất hiện sớm ở trẻ nhỏ, vào khoảng thời gian não đang học cách nhìn.

Trẻ lác mắt, sụp mi, không chỉ là chuyện thẩm mỹ

Khám mắt, đo thị lực cho một bệnh nhi tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2

TS Tuấn cho hay có một số trường hợp lác mắt nhưng thị lực của mỗi mắt vẫn còn tốt. Trong những trường hợp này hai mắt sẽ được dùng xen kẽ qua lại với nhau ở những thời điểm khác nhau. Do đó, đường dẫn truyền thị giác sẽ phát triển ở mỗi mắt.

Ở nhiều trường hợp lác mắt, một mắt giữ chức năng chính yếu. Mắt còn lại không được dùng để nhìn, do đó não bỏ qua tín hiệu do nó truyền đến. Khi đó con mắt phụ này sẽ không phát triển đường dẫn truyền thị giác bình thường được dẫn đến nhược thị.

Thế nào là sụp mi?

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Anh, Trưởng khoa Khúc xạ, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, ở người bình thường, mi mắt trên sẽ che đi một phần giác mạc khoảng 1-1,5 mm. Khi mi mắt trên hạ xuống thấp hơn nữa thì được gọi là sụp mi.

Sụp mi bẩm sinh xuất hiện ngay sau khi sinh và chiếm 75% các trường hợp sụp mi. Trẻ có thể bị sụp mi ở 1 bên mắt hoặc cả 2 mắt.

PGS.TS Nguyễn Đức Anh nhấn mạnh, lác mắt và sụp mi không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mĩ, mà còn có thể gây ra những hậu quả nặng nề về sức khỏe nếu không được điều trị kịp thời.

Theo thống kê, 19% người bị sụp mi đều có thị lực kém hơn. Trẻ bị sụp mi nặng khiến mi che mất đồng tử cũng sẽ phải đối mặt với nguy cơ nhược thị. Ngoài ra, trẻ bị sụp mi nặng còn có xu hướng ngửa đầu lên để mắt được nhìn thấy tốt hơn, do đó có thể dẫn đến tình trạng tư thế đầu cổ bất thường. 63,1% số mắt nhược thị do sụp mi có kèm theo tật khúc xạ.

Chuyên gia nhãn khoa khuyến cáo, khi thấy trẻ các các dấu hiệu lác mắt, sụp mi, xem tivi gần, nháy mắt liên tục, nhức, mỏi mắt, khó nhìn xa hoặc nheo mắt khi nhìn xa thì nên đi thăm khám tại cơ sở y tế chuyên khoa mắt. Trẻ đã có tật khúc xạ nên định kỳ 6 tháng/khám hoặc theo hẹn lịch khám của bác sĩ điều trị.

Trẻ mạnh khỏe nên đều đặn một năm thăm khám thị lực một lần. Lần thăm khám đầu tiên nên được tiến hành sớm, ngay khi trẻ 3-4 tuổi, tức là độ tuổi đã có thể hợp tác trong quá trình khám.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!