Tiểu buốt, tiểu rắt là gì?
Tiểu buốt là triệu chứng đau đớn, rát, buốt, khó chịu hoặc nóng rát khi đi tiểu. Một số trường hợp bị buốt, rát từ khi bắt đầu đi tiểu cho đến khi kết thúc. Với nam giới, một số trường hợp do sỏi tiết niệu có thể gây đau buốt dọc theo niệu đạo đến tận lỗ sáo (lỗ tiểu).
Tiểu rắt là một trạng thái bất thường, đi tiểu nhiều lần, liên tục trong một ngày, tuy mỗi lần đi tiểu chỉ có một ít nước tiểu. Thậm chí, đôi khi đi tiểu không kịp, nước tiểu chảy ra quần (són tiểu) gây khó chịu và mất vệ sinh, ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ và sinh hoạt của người bệnh.
Nguyên nhân gây tiểu buốt, tiểu rắt
Viêm tiết niệu: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tiểu buốt, tiểu rắt, nhưng hay gặp nhất là viêm tiết niệu, nhất là viêm bàng quang, viêm niệu đạo. Căn nguyên gây viêm tiết niệu chủ yếu do vi khuẩn E.coli (khoảng 90%), Proteus, tụ cầu hoại sinh, đặc biệt nguy hiểm là vi khuẩn lậu, Chlamydia, Mycoplasma hoặc do lao thận, lao bàng quang bởi vi khuẩn lao... Viêm tiết niệu có thể do vệ sinh cá nhân kém, nhất là vệ sinh bộ phận sinh dục ngoài hoặc thường xuyên nhịn tiểu.
Phụ nữ mang thai có nguy cơ cao bị tiểu buốt, rắt.
Ở nữ giới, do cấu tạo niệu đạo ngắn hơn nam giới, thêm vào đó lỗ tiểu gần với hậu môn nên rất dễ bị nhiễm vi sinh vật gây bệnh từ phân, đặc biệt những trường hợp xịt nước rửa từ sau ra trước. Phía dưới đường tiết niệu là niệu đạo, nếu bị viêm nhiễm, nhất là do vi khuẩn lậu cầu, vi khuẩn Chlamydia hoặc Mycoplasma đều có triệu chứng điển hình là tiểu buốt, rắt, rát, thậm chí khó tiểu, tiểu ra mủ.
Đặc biệt hai loại vi khuẩn Chlamydia và Mycoplasma khi gây viêm niệu đạo ở nam hoặc nữ (cấp, mạn tính) đều có triệu chứng giống hệt như triệu chứng của vi khuẩn lậu gây ra cho nên người ta nói “bệnh lậu không phải lậu”, nghĩa là triệu chứng viêm niệu đạo cấp, mạn y như bệnh lậu nhưng tác nhân gây bệnh không phải vi khuẩn lậu.
Ngoài ra, ở niệu đạo còn có bệnh hẹp niệu đạo bởi biến chứng do bị chấn thương hoặc do viêm nhiễm niệu đạo mạn tính (lậu, Chlamydia, Mycoplasma) hoặc chấn thương vùng chậu hoặc người đã từng thực hiện các thủ thuật như thông niệu đạo, nong niệu đạo (niệu đạo bị hẹp), phẫu thuật hoặc nội soi bàng quang...
Ngoài triệu chứng tiểu buốt, rắt, một số triệu chứng khác kèm theo viêm tiết niệu cũng xuất hiện như nước tiểu đục, đau bụng dưới, đau vùng thắt lưng, sốt, tiểu ra máu... Bệnh sẽ trở nên nguy hiểm và biến chứng nhiễm trùng máu, viêm thận... gây nguy hại đến tính mạng nếu không được trị liệu kịp thời.
Viêm tiết niệu gây tiểu buốt, rắt không chỉ gặp ở người lớn mà ngay cả trẻ nhỏ, đăc biệt là trẻ em trai bị hẹp bao quy đầu. Trẻ thường bị tiểu rắt, tiểu nhiều lần trong ngày, nếu bố mẹ hoặc cô nuôi dạy trẻ không biết bệnh của cháu sẽ không hài lòng về hiện tượng tiểu liên tục của trẻ, thậm chí quát nạt, la mắng...
Sỏi đường tiết niệu: Một mặt do sỏi cọ sát, kích thích niêm mạc đường tiết niệu (niệu quản, bàng quang, niệu đạo) gây phản xạ đau, rát, buốt, đồng thời gây phản xạ đi tiểu nhiều lần (tiểu rắt). Mặt khác, sỏi tiết niệu, nhất là sỏi bàng quang sẽ gây viêm tiết niệu, nhất là viêm bàng quang sẽ làm ứ đọng nước tiểu, từ đó gây viêm bàng quang và có thể gây viêm ngược dòng lên thận, dẫn đến tiểu buốt, rắt, tiểu khó, tiểu máu (nước tiểu có màu hồng, gọi là tiểu máu đại thể) hoặc tiểu đục (có mủ), nguy hại hơn là gây viêm thận làm ứ mủ ở thận, nếu không phát hiện sớm, chữa trị đúng, kịp thời có thể dẫn đến suy thận, một căn bệnh vô cùng nguy hiểm cho người bệnh.
Mang thai: Với phụ nữ đang mang thai do vị trí của bàng quang nằm ngay sát tử cung, vì vậy, khi người phụ nữ mang thai, thai nhi phát triển trong tử cung sẽ gây ảnh hưởng nhiều đến bàng quang, niệu đạo. Dù bàng quang có nước hay không, thì áp lực tử cung có thai nhi đè lên đều khiến bàng quang có cảm giác căng, gây buồn tiểu và tiểu nhiều, đôi khi són tiểu. Tình trạng này khiến cho lượng nước tiểu mỗi lần đi của bà bầu rất ít, chỉ vài giọt (tiểu rắt). Những tuần cuối của thai kỳ, thai nhi trong bụng có sự vận động mạnh, đầu thai nhi tụt xuống thấp sẽ đè nặng lên bàng quang gây kích thích tiểu buốt, tiểu rắt nhất là thời kỳ sắp sinh.
Tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt: Với nam giới, ngoài bị viêm hoặc sỏi tiết niệu thì tiểu buốt, tiểu rắt còn do nguyên nhân ở tiền liệt tuyến, đó là bệnh của tiền liệt tuyến như tăng sinh lành tính tiền liệt tuyến (trước đây gọi là u xơ tiền liệt tuyến). Trong trường hợp này tiền liệt tuyến to ra sẽ đè vào cổ bàng quang gây khó tiểu, từ đó xuất hiện tiểu rắt. Hoặc có kèm theo viêm nhiễm tiền liệt tuyến sẽ gây lây nhiễm viêm bàng quang, từ đó gây tiểu buốt, tiểu rắt càng rõ rệt hơn.
Quan hệ tình dục không an toàn: Ngoài các nguyên nhân vừa kể ở trên, nếu quan hệ tình dục không an toàn, quan hệ tình dục bừa bãi, nhiều bạn tình, đặc biệt là các bạn tình đang mắc bệnh nhiễm trùng ờ bộ phân sinh dục khiến bộ phận sinh dục bị tổn thương (cả nam và nữ), nguy cơ dẫn đến viêm niệu đạo, bàng quang biểu hiện tiểu buốt, tiểu rắt là khó tránh khỏi.
Tiểu buốt, tiểu rắt ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người bệnh
Ảnh hưởng xấu của tiểu buốt, tiểu rắt
Trước hết, phải hiểu rằng khi bị tiểu buốt, tiểu rắt đều có nguyên nhân của nó, nhưng dù là nguyên nhân gì đi chăng nữa, tiểu buốt, tiểu rắt đều làm ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt, đời sống tinh thần hàng ngày của người bệnh, đặc biệt là tiểu rắt luôn bị tiểu són ra quần. Mỗi lần đêm đến là nỗi ám ảnh của người bệnh bị tiểu rắt, bởi vì luôn phải thức dậy để đi tiểu làm mất ngủ, nhất là mùa lạnh, đặc biệt là người cao tuổi có bệnh mạn tính như tăng huyết áp sẽ rất bất lợi.
Mất ngủ kéo dài do tiểu rắt, buốt làm ảnh hưởng không nhỏ cho mọi người bệnh, bởi vì sẽ tác động xấu đến năng suất lao động (nghiên cứu, học tập, lao động...), thêm vào đó làm cho sức đề kháng của cơ thể bị suy giảm. Với người trong độ tuổi sinh hoạt tình dục sẽ bị ảnh hưởng khá rõ rệt (giảm ham muốn, đau khi quan hệ tình dục hoặc mất hưng phấn...).
Vi khuẩn Mycoplasma gây tiểu buốt, tiểu rắt.
Nên làm gì khi mắc bệnh?
Trước tiên, khi bị tiểu buốt, tiểu rắt cần đi khám bệnh ở cơ sở y tế có uy tín (tốt nhất là bệnh viện) nhằm mục đích xác định nguyên nhân gây bệnh, trên cơ sở đó sẽ có chỉ định điều trị càng sớm càng tốt. Người bệnh không nên e ngại hoặc giấu bệnh hoặc tự chẩn đoán, tự điều trị khi mình không có chuyên môn về y học, nếu làm như vậy hậu quả sẽ khôn lường. Đối với trẻ em bị hẹp bao quy đầu gây tiểu rắt cần được thăm khám, chữa trị.
Cần vệ sinh cá nhân tốt hàng ngày, nhất là vệ sinh vùng kín. Với phụ nữ mỗi lần xịt nước rửa vùng hậu môn cần xịt từ trước ra sau để tránh nước bẩn bắn vào vùng kín. Không để mắc các bệnh nhiễm trùng đường tiểu, nhất là bệnh lậu, Chlamydia, Mycoplasma do quan hệ tình dục không lành mạnh. Không nên nhịn tiểu và uống đủ lượng nước hàng ngày (từ 1,5 – 2,0 lít), uống làm nhiều lần để không bị sỏi tiết niệu.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!