Cất ngay những món thường xuyên xuất hiện trong dịp Tết này để phòng tai nạn cho con trẻ

Thời sự - 11/24/2024

Rất nhiều gia đình mua các loại hạt, hoa quả nhỏ, tròn... để về sử dụng ngày Tết mà không hề biết những nguy hại mà nó có thể gây ra với chính con mình.

Hóc, sặc dị vật

Đây là tai nạn thường gặp nhất trong dịp Tết, lý do là nhiều gia đình sắm nhiều loại kẹo, hạt, loại quả tròn, các vật dụng đồ chơi nhỏ... trẻ dễ tiếp cận và sử dụng.

Thường các con đang chơi, ngậm kẹo hoặc ăn các loại hạt (hạt hướng dương, hạt lạc, hạt bí, hạt điều, hạt dẻ cười, hạt trân châu...) loại quả tròn, có hạt nhỏ (nho, mãng cầu...), cười đùa với nhau là có thể bị sặc ngay.

PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, một loại hóc khác đến từ sai lầm của người lớn là trẻ đã ăn no, nhưng bát thức ăn vẫn còn nên người lớn cố ép trẻ ăn thêm, trong khi trẻ đang ậm oẹ chán ăn, khiến trẻ bị hóc thức ăn.

Ngoài ra, các loại xương cá, xương lợn, gà, lươn..., các loại đồ chơi có kích thước nhỏ, một số vật dụng sinh hoạt hằng ngày, các loại pin... Nhiều loại dị vật rất trơn, rất dễ tuột sâu vào lòng phế quản, đi sâu vào trong và gây tổn thương phổi.

'Đây là điều rất nguy hiểm vì có thể gây dị vật đường thở. Sẽ rất nguy hiểm nếu đường thở của trẻ không mở ra, hạt cơm, hạt cháo dính vào đường thở, khiến trẻ tím tái, ngừng thở', BS Dũng phân tích.

Một trong những nguyên nhân gây ngạt gần đây hay được đề cập là rau câu viên.Loại rau câu này cũng được nhiều gia đình mua.

Các bậc cha mẹ cần lưu ý nên để những đồ vật, loại hạt, rau câu... ngoài tầm tay của trẻ nhỏ. Nếu cha mẹ chỉ dừng lại ở việc dặn dò, khi vui chơi, trẻ sẽ quên. Do đó phải phòng xa bằng cách ngăn việc trẻ tiếp xúc với những 'hung khí' này. Cha mẹ cũng không nên cho trẻ ăn các loại hạt tròn. Kiểm soát việc trẻ vừa ăn vừa chơi hay khóc.

Cha mẹ phải nghĩ tới dị vật khi trẻ đang chơi đang ăn đột nhiên ho, sặc sụa, tím tái, khó thở, ngạt thở có khi rất đột ngột. Nhiều trẻ có thói quen ngậm đồ chơi, nhặt các đồ vật lạ, thức ăn rơi vãi cho vào miệng rất dễ khiến dị vật lọt sâu vào đường thở mà bố mẹ không biết.

Cần đưa trẻ đi khám chuyên khoa khi có biểu hiện ho khò khè lâu ngày, khó thở. Thức ăn nên cắt làm nhiều mảnh nhỏ, cẩn thận khi chế biến và cho trẻ ăn các đồ ăn có xương.

Tránh các thói quen nguy hiểm như bóp mũi nhét đồ ăn vào khi trẻ khóc, biếng ăn. Ngoài ra, không nên cho trẻ chơi đồ chơi quá nhỏ, góc cạnh, có nhiều bộ phận dễ tách rời, chơi mà không có sự giám sát của người lớn. Không để đồ chơi, vật dụng quá nhỏ, có thể nguy hiểm trong tầm tay của trẻ, gần nơi ăn, nơi ngủ...

Xử trí ra sao?

Theo PGS Nguyễn Tiến Dũng, khi phát hiện dị vật trong miệng trẻ, cha mẹ cần bình tĩnh, không gây hốt hoảng, sợ hãi cho trẻ khiến trẻ vô tình nuốt. Khi phát hiện trẻ bị hóc dị vật, cha mẹ cần bình tĩnh xử lý đúng cách và kịp thời mới không gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Dị vật có trong đường thở từ 5-6 phút khiến trẻ ngừng thở, suy hô hấp.

Nếu thấy mặt trẻ tím tái mà không tiến hành sơ cứu ngay lại tức tốc bế đi bệnh viện thì nguy cơ tử vong của trẻ rất lớn.

Cất ngay những món thường xuyên xuất hiện trong dịp Tết này để phòng tai nạn cho con trẻ

Các bước sơ cứu trẻ nhỏ hóc dị vật

Với trẻ sơ sinh, cần đặt trẻ nằm sấp, đầu thấp trên cánh tay người làm thủ thuật, bàn tay giữ cằm để đầu của trẻ ngửa. Dùng gót bàn tay kia vỗ 5 cái thật mạnh vào lưng trẻ ở khoảng giữa hai bả vai. Nếu dị vật vẫn không bật ra ngoài được thì tiếp tục làm thủ thuật ấn ngực.

Cất ngay những món thường xuyên xuất hiện trong dịp Tết này để phòng tai nạn cho con trẻ

Cách sơ cứu trẻ 14-15 tuổi hóc dị vật

Đối với trẻ khoảng 14-15 tuổi, khi bị hóc dị vật là các loại hạt, phụ huynh nên ôm trẻ vào người, lấy hai bàn tay quấn quanh bụng và ấn tay, sốc phần bụng lên 5 cái để cho trẻ ho bật. Cha mẹ khi nhìn thấy trẻ ho, bật dị vật ra và thở được thì đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất.

Không nên cho tay vào miệng trẻ để móc dị vật bởi khi làm thế dị vật càng xuống sâu, gây phù nề. Không vuốt xuôi bởi điều này vô tình khiến dị vật chui sâu vào phổi khiến tình trạng trở nên nguy hiểm hơn.

Những tai nạn khác: Bỏng, điện giật, chấn thương

Trong dịp Tết, tai nạn bỏng ở trẻ thường gặp nhất là bỏng nước sôi, bởi nhiều gia đình đun nấu, ăn uống liên hoan. Đã có những trường hợp em bé lao hẳn vào nồi lẩu nóng gia đình đang ăn, rất thương tâm.

Để đề phòng, cha mẹ cần cảnh giác cao độ trẻ, không được chủ quan trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Khi Tết các con rất vui và hiếu động, chạy nhảy.

Cũng theo PGS Dũng, đã có nhiều trường hợp trẻ nô đùa trong những ngày nghỉ Tết đã khiến bé bị gãy tay, gãy chân. Đó là do trẻ rất hiếu động, cứ chơi thỏa thích, chưa nhận thức hết nguy hiểm khi chơi đùa, trong khi cha mẹ quá bận rộn với công việc nên ít để mắt đến trẻ.

Ngày Tết, nhiều gia đình dọn dẹp, trang trí nhà cửa bằng các loại dây đèn nhấp nháy nhiều màu trên cành đào, cành mai. Những ổ cắm điện lộ thiên là đối tượng nguy hiểm đối với trẻ nhỏ. Các dây điện dùng lâu hoặc các dây cắm không tốt là nguy cơ tiềm ẩn gây điện giật cho trẻ nhỏ.

Một tai nạn khác cũng thường xảy ra với trẻ nhỏ đó là ngày Tết, trẻ thường có rất nhiều đồ chơi, đặc biệt có cả những loại đồ chơi như súng, phi tiêu,… hay những loại đồ vật có chi tiết sắc nhọn. Trẻ nhỏ thường đùa nghịch mà có thể gây ra tổn thương vào mắt.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!