Hầu hết những đứa trẻ bị bạo hành sẽ phục hồi tâm lý sau khoảng một vài tuần. Tuy nhiên, cũng có những trẻ sẽ phải mất thời gian lâu hơn. Vì điều này còn phụ thuộc vào môi trường, mức độ khắc nghiệt của việc trẻ bị bạo hành và khả năng hỗ trợ phục hồi của bố mẹ. Việc can thiệp sớm để giúp đỡ trẻ vượt qua vấn đề là rất quan trọng. Càng can thiệp sớm thì càng tránh được những rủi ro đáng tiếc cho con. Bố mẹ chính là những người cận kề ở bên có thể giúp trẻ sớm vượt qua nỗi đau nhanh nhất. Dưới đây là một vài bí quyết nhỏ giúp bố mẹ cùng con khắc phục nỗi đau bị bạo hành:
Ngay lập tức cách ly con khỏi môi trường bạo lực
Việc phải chứng kiến và chịu đựng cảnh bạo lực là cú sốc rất lớn đối với tâm lý và thể chất của trẻ. Nếu vẫn tiếp tục để trẻ trong môi trường vừa diễn ra bạo lực thì chắc chắn nỗi sợ hãi sẽ lặp lại, nhân lên gấp bội và những tổn thương về tấm lý sẽ ngày càng chồng chất và nhiều hơn. Cách tốt nhất là nhanh chóng cách ly con khỏi môi trường bạo lực. Đối với những trẻ nhỏ đang đi học, bố mẹ có thể cho con nghỉ, không học ở trường mầm non đó. Để con ở nhà chăm sóc một thời gian và xin đến trường khác học khi con đã dần ổn định.
Không phản ứng lại vấn đề một cách tức giận, phẫn nộ trước mặt trẻ
Cách bạn phản ứng rất quan trọng đối với trẻ. Khi bạn phản ứng với vấn đề một cách ghê tởm hay tức giận, con trẻ sẽ không cảm thấy thoải mái nói chuyện với bạn nữa. Trẻ cũng có thể cảm thấy sợ hãi và bối rối thêm. Hơn nữa tâm lý của trẻ cũng sẽ chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ bố mẹ. Nếu bạn căng thẳng thì trẻ cũng sẽ căng thẳng theo và càng khiến vấn đề trở nên rắc rối.
Đối với trẻ đang đi học, cha mẹ có thể cho con nghỉ (Ảnh: Internet)
Xử lý trước những vấn đề về thể chất
Vết thương về tinh thần phức tạp hơn và cần thời gian để 'chữa lành'. Tuy nhiên, những vết thương về thể chất bố mẹ có thể nhanh chóng khắc phục cho con. Sau khi phát hiện trẻ bị bạo hành, bố mẹ cần đưa con đến các cơ sở y tế để khám xét và nhận sự hỗ trợ của các y, bác sỹ. Những tổn hại về sức khỏe sẽ nhanh chóng được khắc phục và phục hồi dần dần.
Nhanh chóng khắc phục những tổn thương về tinh thần
Trẻ bị bạo hành chắc chắn cần được hỗ trợ điều trị tâm lý để giúp vượt qua vết thương lòng, nỗi sợ hãi, để có những suy nghĩ tích cực trong cuộc sống. Sau trẻ bị bạo hành, bố mẹ nên xác định và giúp trẻ giải quyết cảm xúc của mình. Hãy giải thích cho trẻ về những gì đã xảy ra và cho trẻ biết:
- Bạn yêu trẻ.
- Nhấn mạnh sự việc vừa xảy ra không phải là lỗi của trẻ.
- Hứa bạn sẽ quan tâm tâm đến trẻ nhiều hơn.
- Khẳng định việc trẻ đang cảm thấy hoang mang, lo lắng là chấp nhận được và dần dần mọi cảm giác này sẽ biến mất.
Trẻ cần được lắng nghe để nói ra những lo lắng của mình. Đối với những trẻ chưa biết nói, bố mẹ có thể 'lắng nghe' con bằng cách vỗ về, trấn an con. Cách tốt nhất để hàn gắn tổn thương của trẻ là tình yêu. Bố mẹ cần cho con thấy con được yêu thương và hãy thường xuyên ở bên con, ôm ấp con.
Những điều nên làm
- Cho phép trẻ được khóc, được buồn.
- Hãy để cho trẻ có cơ hội để chia sẻ (nói, viết, vẽ...) về những cảm xúc của mình.
- Nếu trẻ thường xuyên gào khóc khó ngủ, hãy chú hơn đến con. Có thể bật đèn ánh sáng nhẹ và để con ngủ bên bố mẹ đến khi tinh thần ổn định.
- Cách tốt nhất để giải quyết những vấn đề về tâm lý là cho trẻ thấy được sự an toàn và được yêu thương.
- Cố gắng duy trì những thói quen bình thường, ví dụ, đọc những câu chuyện trước khi đi ngủ, ăn tối cùng nhau, cùng nhau xem TV, đọc sách, tập thể dục, hoặc chơi trò chơi.
- Giúp trẻ em cảm thấy có thể kiểm soát được cuộc sống của mình bằng cách cho trẻ lựa chọn thực phẩm trong bữa ăn, chọn ra quần áo, hoặc thực hiện một việc do chính trẻ quyết định.
Không gì có thể chữa lành vết thương bằng sự quan tâm của bố mẹ (Ảnh: Internet)
Những điều không nên làm
- Kì vọng trẻ phải dũng cảm, bình tĩnh trở lại nhanh chóng.
- Bắt con kể về sự việc đã xảy ra khi chúng chưa sẵn sàng.
- Cáu giận với con khi con có những biểu hiện cảm xúc tiêu cực.
Đừng bắt con phải nói
Đừng bắt trẻ phải chỉ chỗ đau: Nếu trẻ sẵn sàng chỉ cho bạn chỗ trẻ bị đau thì cứ để trẻ làm. Tuy nhiên, khi con không sẵn sàng thì bố mẹ đừng nài nỉ hoặc cố tính vạch ra xem. Bố mẹ cũng đừng hỏi câu hỏi 'tại sao?': 'Tại sao bạn đánh con?' 'Tại sao cô lại làm như thế?' chỉ làm rối tình hình thêm mà thôi. Hãy luôn nhớ rằng những đứa trẻ bị bạo hành cũng không thể hiểu nổi tại sao điều đó lại xảy ra. Câu hỏi kiểu này sẽ buộc trẻ phải suy nghĩ về những lý do của sự việc mà lỗi không phải ở trẻ và không giúp ích gì cho tình thần của trẻ lúc này.
Tìm hiểu những điều trẻ muốn từ bạn
Hãy để cho trẻ thấy rằng việc trẻ sợ hãi, đau đớn, hoảng loạn… bạn hoàn toàn có thể hiểu được và trẻ cần gì ở bạn lúc này: trẻ muốn được bố mẹ ôm, muốn ở bên bố mẹ... hãy đáp ứng tất cả những nhu cầu này của con. Không gì có thể chữa lành vết thương bằng chính những cái ôm và sự quan tâm của bố mẹ.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!