Cha mẹ cầu siêu cho những thai nhi chưa kịp ra đời

Làm mẹ - 05/19/2024

Mùa Vu Lan để cho con cái báo hiếu cha mẹ, cũng là lúc cha mẹ cầu mong sự tha thứ vì trót làm những điều có lỗi với con.

Chiều 6/9, chùa Miễu (Đống Đa, Hà Nội) tổ chức lễ cầu siêu cho vong linh thai nhi (còn gọi là các Bé Đỏ). Trong phật đường, hàng chục người ngồi kín, chắp tay thành tâm hướng Phật, lắng nghe sư cô tụng kinh cầu siêu. Người đến cầu siêu chủ yếu là các cặp vợ chồng trẻ từng từ bỏ hoặc sẩy mất con, cũng có những cô gái đi một mình. Họ được gọi là các sám chủ. Trước ngày lễ, những người muốn cầu siêu đăng ký với nhà chùa để viết sớ. Trong sớ có tên cha mẹ, nơi cư trú cùng với lời cầu nguyện cho vong linh sớm được siêu thoát và gửi một ít tiền công đức cho chùa. Trong số đồ lễ cúng có cả những bộ quần áo, hài trẻ con bằng vàng mã để đốt cho những đứa trẻ chưa kịp chào đời.

Chị Thanh Hà (trú ở Hoàng Quốc Việt) ngồi nghe tụng kinh, thi thoảng lại lau nước mắt. Chị lên chùa cầu siêu cho con gái không được chào đời. Mỗi lần nhắc đến chuyện cũ, chị Hà không cầm được nước mắt nói rằng đó là việc làm mà chị hối hận nhất trong đời. Vợ chồng chị kết hôn được gần 4 năm, có một con gái đầu gần 3 tuổi. Cách đây hơn nửa năm, chị có bầu lần thứ hai nhưng đi siêu âm biết được là con gái. Chồng chị là con trai trưởng trong họ, áp lực sinh được con trai đặt nặng lên vai người làm dâu trưởng như chị Hà. Vợ chồng bàn tính với nhau rồi cuối cùng quyết định bỏ đi đứa con.

Chị Hà tâm sự, từ lúc bỏ con đến giờ, trong người lúc nào cũng cảm thấy bứt rứt không yên. Chị ngày càng ít nói, không muốn tâm sự cùng ai, kể cả chồng. Mỗi khi rảnh rỗi là chị lên chùa thắp hương, cầu kinh niệm Phật mong cho đứa bé tha thứ cho người làm cha mẹ và sớm siêu thoát. 'Có ai tự tay cắt đi cục thịt của mình mà không đau. Giá như khi đó tôi cương quyết giữ lại con thì giờ gia đình chuẩn bị đón thêm một thành viên nữa, tôi cũng không phải mang một nỗi dằn vặt như thế này. Nhưng mà đời đâu có hai chữ 'Giá như'...', chị nói.

Trong số những người đi cầu siêu, anh Doãn Bình (trú ở Hoàng Mai) là một trong số ít người đi một mình. Nghe tiếng kinh cầu, người đàn ông có vẻ ngoài cương nghị cũng không kiềm được xúc động, mắt đỏ hoe. Anh lên chùa cầu siêu cho thai nhi 2 tháng tuổi mà anh với bạn gái lỡ có cách đây 6 năm. Anh Bình kể, khi bạn gái có thai, anh không biết cho đến khi cô ấy bị sảy. Hai người đã tính đến chuyện cưới xin nhưng sau việc đó thì quan hệ dần xấu đi dẫn đến chia tay. Sau một thời gian, cô gái đi lấy chồng còn anh cũng có vợ. Hiện tại vợ chồng anh sống và làm việc ngoài Hà Nội.

Cha mẹ cầu siêu cho những thai nhi chưa kịp ra đời

Người đến cầu siêu chủ yếu là các cặp vợ chồng, đôi khi có thêm các cô gái

'Khi đứa trẻ không giữ được, bọn mình đã chôn cất tử tế, giờ bàn thờ của con vẫn ở bên nội trong quê', anh kể bằng giọng trầm buồn của xứ Quảng và cho biết đã đưa vong lên chùa để gửi, hàng tháng hương khói cẩn thận. Đứa trẻ có được siêu thoát hay không, anh cũng không rõ nên luôn cảm thấy mình chưa làm tròn trách nhiệm của một người cha. Vợ anh cũng biết chuyện nên khuyên chồng lên chùa cầu siêu cho đứa trẻ. 'Cuộc sống có quá nhiều thứ không thể chu toàn, quay đầu lại là bờ, nhưng không phải ai cũng biết điều đó. Tôi không cầu thanh thản, không cầu được cứu rỗi trong tâm can. Tôi thấy đó là việc mình cần làm của một người chưa làm tròn trách nhiệm của người cha', người đàn ông 33 tuổi chia sẻ.

Cô gái tên Thanh (27 tuổi) tìm chỗ khuất của Phật đường để dự lễ cầu siêu. Cô bỏ đứa bé khi mới tốt nghiệp ra trường vì chia tay với người yêu thời đại học. Người yêu về quê còn cô ở lại Hà Nội lập nghiệp. 'Làm mẹ khi trong tay không có việc làm, tuổi còn trẻ, khi đó em rất hoang mang, đứa trẻ đến không đúng lúc... Giờ em rất hối hận', Thanh cúi đầu, giọng đứt quãng. Giờ đây, khi công việc ổn định, cô lại không có can đảm để yêu thêm một lần nữa.

Ngoài chùa Miễu, một số chùa khác như Phúc Khánh, Khai Nguyên, Phúc Nghiêm cũng tổ chức cầu siêu cho vong linh thai nhi cùng với việc cầu siêu cho người đã khuất. Lễ cầu siêu thường tổ chức vào tháng 7 âm lịch, mùa Vu Lan cho con cái báo hiếu cha mẹ, cũng là lúc cha mẹ cầu mong sự tha thứ vì trót làm những điều có lỗi với con.

Theo thượng tọa Thích Giải Hiền, giảng sư Học viện Phật giáo Việt Nam, trong đạo Phật cầu siêu là lễ cầu chung cho những người quá cố. Dù con người được sinh ra hay chưa thì tâm thức vẫn tồn tại, vẫn có những mối dây liên hệ với người thân. Những thai nhi không được chào đời, bị cha mẹ chối bỏ là những dạng chết đi mà không cam lòng, không chấp nhận nên không thể siêu thoát. Cầu siêu có ý nghĩa chung là người sống dùng sự thành tâm, sự sám hối, dùng công đức hồi hướng cho người đã mất, để cho những vong hồn sớm được siêu thoát.

'Khi vong linh đứa trẻ không siêu thoát, niềm oán hận không được giải trừ thì người còn sống không được thanh thản, cuộc sống cũng sẽ gặp nhiều trắc trở. Trong quan niệm của nhà Phật, đến với nhau là một niềm duyên. Tạo ra một đứa trẻ mà vứt bỏ đi thì vô tình người làm cha mẹ đã tạo ra một niềm oán đối với những người thân yêu nhất. Bậc làm cha mẹ nên hiểu được điều này để giữ gìn, không làm điều sai. Còn khi lỡ rồi thì phải đối mặt để giải quyết, sám hối, ăn năn cho mình, cho người. Điều đó không chỉ có ý nghĩa đối với một gia đình mà còn có ý nghĩa đối với một xã hội, một quốc gia', thượng tọa nói.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!