Cha mẹ hút thuốc lá, con dễ tử vong như thế nào?

Nuôi dạy con - 11/24/2024

Khi khói thuốc bay vào phòng, trẻ nhỏ hít vào, sẽ làm tê liệt hệ thống lông chuyển trong phổi và lớp nhầy, ảnh hưởng đến khả năng tự bảo vệ đường thở của trẻ.

Bác sĩ Nguyễn Minh Đức, khoa Tai Mũi họng, Bệnh viện Việt Pháp (Hà Nội), khuyến cáo một trong những lý do trẻ nhỏ hay bị nhiễm trùng đường hô hấp trong những năm tháng đầu đời chính là có người thân hút thuốc lá.

“Nếu mẹ hút thuốc đang ở cùng phòng với trẻ, con sẽ tăng tỷ lệ nhập viện vì viêm phổi lên 56%, tỷ lệ này là 73% nếu đang bế và 95% khi đang cho bú. Những đứa trẻ nếu có cha hoặc mẹ hút thuốc lá có nguy cơ viêm phổi gấp 1,22 lần và nếu cả bố và mẹ là 1,54 lần. Trong 2 vợ chồng chung sống với nhau, một người hút thuốc lá, người còn lại cũng bị tăng nguy cơ ung thư lên 20%”, bác sĩ Đức cho hay.

Theo bác sĩ Đức, khói thuốc lá có thể tồn tại trong nhà hơn 2 giờ sau khi hút xong và hầu như không có cách nào đuổi hết đi được ngay lập tức. Khói thuốc không thể thấy được. Khi bay vào phòng, trẻ nhỏ hít vào, sẽ làm tê liệt hệ thống lông chuyển trong phổi và tê liệt lớp nhầy, ảnh hưởng đến khả năng tự bảo vệ đường thở của trẻ.

Khi đó, trẻ sẽ đối mặt với các nguy cơ: nhiễm trùng phổi; thường có triệu chứng ho, thở khò khè hoặc mắc bệnh hen suyễn; dễ bị các bệnh về tai như viêm tai giữa; tăng nguy cơ đột tử, bị bệnh não mô cầu. Còn với thai nhi, nguy cơ sẽ là sinh nhẹ cân; dị tật bẩm sinh; đầu nhỏ; chết lưu.

Cha mẹ hút thuốc lá, con dễ tử vong như thế nào?

Trẻ nhỏ dễ mắc bệnh nếu bố mẹ hút thuốc. Ảnh: Earth.

Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Đình Chân, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt, Hà Nội, cũng đưa cảnh báo việc trong gia đình có người hút thuốc là rất nguy hại cho trẻ nhỏ. Khoảng 250 khí, chất độc và cả kim loại nặng trong khói thuốc lá. Các chất độc hại này tồn tại rất lâu trong nhà sau khi ngừng hút thuốc.

Những người hút thuốc và hít phải hơi thuốc đều phải chịu những tác động đến sức khỏe như nhau. Việc ngửi phải hơi thuốc, với người lớn, dù sức đề kháng tốt vẫn có thể mắc các hội chứng về hô hấp như viêm mũi họng, các bệnh về tim mạch hoặc nặng hơn là ung thư phổi.

Tuy nhiên, với trẻ em, tác động từ việc hít phải hơi thuốc lá là vô cùng khủng khiếp. Khi hít phải hơi thuốc, trẻ có nguy cơ lớn mắc các bệnh hô hấp như viêm phế quản và viêm phổi.

Hàng năm trên thế giới có đến 40.000 trường hợp tử vong vì hít phải khói thuốc lá. Trong đó có đến 1000 trường hợp tử vong ở trẻ nhỏ là do mẹ hút thuốc lá. Cũng theo ước tính, mỗi năm có 150.000-300.000 trẻ em dưới 18 tháng tuổi bị viêm phế quản hoặc viêm phổi do hít phải hơi thuốc.

Hơn nữa, các bé có bố mẹ hay hút thuốc thường cũng bị bệnh về đường hô hấp nặng hơn và phải nằm viện lâu hơn những trẻ khác. Đặc biệt, những trẻ mắc bệnh hen nếu sống trong môi trường có mùi thuốc lá thì bệnh sẽ trở nên nặng hơn.

Hút thuốc thụ động có thể ảnh hưởng lên hệ cơ tim của trẻ. Những ảnh hưởng này bao gồm việc hạn chế cung cấp oxy cho các mô của cơ thể và làm tăng nhịp tim.

Trẻ sơ sinh khi hít phải hơi thuốc thường xuyên rất dễ mắc bệnh hô hấp mãn tính và thậm chí còn khiến trẻ bị đột tử. Chức năng phổi của trẻ cũng giảm tốc độ phát triển.

“Đừng thờ ơ im lặng hay chỉ cố che chắn cho con bạn trước một người đang hút thuốc vì sự che chắn là không hiệu quả. Đơn giản hãy yêu cầu họ tắt điếu thuốc. Bạn cũng đừng nghĩ rằng khi ra ngoài hút thuốc lá xong rồi quay lại phòng sẽ không ảnh hưởng tới con. Lúc đó, con và vợ bạn sẽ là những người hút thuốc lá 'thụ động'. Bạn hút qua đầu lọc điếu thuốc, những thứ tạp chất đã được lọc nhưng những người khác thì không. Lượng chất độc trong khói thuốc lá (hơn 3.000 chất độc) sẽ tấn công họ”, bác sĩ Đức nói.

Các chuyên gia khuyến cáo nếu đang có con nhỏ, cha mẹ và người lớn tuyệt đối không hút thuốc trước mặt hoặc nơi có mặt con. Tốt nhất, nên bỏ thói quen hút thuốc nhiều tác hại này.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!