Trong xã hội hiện nay, dường như gia đình nào cũng sẽ trải qua những lúc buồn vui, lục đục với muôn vàn lý do như cơm áo gạo tiền, căng thẳng trong công việc, áp lực thương trường… Trong gia đình, nếu cha mẹ biết tự điều chỉnh, kiềm chế thì gia đình trong ấm ngoài êm. Còn ngược lại, sẽ luôn có các cuộc khẩu chiến không hồi kết thúc, thậm chí là vác đồ dùng trong gia đình đuổi nhau,…. Không biết sau những khẩu chiến hoặc đụng tay, đụng chân này, vấn đề có được giải quyết hay không, nhưng việc thường xuyên chứng kiến cha mẹ cãi nhau hoặc đánh nhau sẽ tác động không nhỏ tới sự phát triển tâm lý và sự hình thành nhân cách của trẻ trong tương lai.
1. Luôn cảm thấy cô đơn, là người thừa và không an toàn trong chính ngôi nhà của mình
Cha mẹ thường xuyên cãi nhau nên thời gian quan tâm và chăm sóc trẻ bị giảm đi đáng kể. Sau những cuộc khẩu chiến, trẻ sẽ nhận được sự thờ ơ hoặc hằn học của cha mẹ. Cha mẹ sẽ không thể vui đùa, hoặc cùng quan tâm đến con sau khi vừa xảy ra chiến sự. Trẻ nhận thấy thái độ không tốt từ cha mẹ sẽ thu mình và hầu như không trò chuyện hay vui đùa như bạn bè cùng trang lứa.
Ảnh minh họa
2. Cảm thấy mình là nguyên nhân gây ra mọi sự tranh cãi của cha mẹ
Trong khi tranh cãi, phần lớn cha mẹ ít khi kiềm chế được cảm xúc của mình. Trong lúc tức giận có thể vô tình đưa ra lời nói làm trẻ tổn thương: ‘Con thật là rắc rối’; hay 'cha/mẹ quá mệt mỏi với con rồi’. Thậm chí trong lúc nóng giận nhiều ông bố bà mẹ đã kết luận: ‘Nếu con không làm vậy thì cha mẹ đã không cãi nhau, đó là lỗi của con’… Theo cách hiểu non nớt của trẻ, thì những từ lời cha mẹ nói ra chính là sự đổ lỗi cho mình dù cho sau đó, cha mẹ đã giải thích, thanh minh với trẻ: ‘Lúc tức giận thì nói thế thôi chứ ai đỗ lỗi cho con đâu’…
Trẻ phản kháng bằng cách im lặng, hoặc rút lui, không tham gia vào các hoạt động cùng cha mẹ. Một số trẻ có thể còn mang tâm lý xa lánh cha mẹ, không muốn trò chuyện mà thu mình vào thế giới riêng. Trẻ sẵn sàng tìm một thế giới đồng cảm ở bạn bè hoặc mạng xã hội,... Điều này sẽ khiến cho việc quản lý, giáo dục trẻ hết sức khó khăn, và trẻ dễ rơi vào những cám dỗ lệch lạc của xã hội phức tạp bên ngoài.
3. Dễ rơi vào trầm cảm, stress, chậm phát triển về mặt giao tiếp xã hội
Việc thường xuyên chứng kiến cảnh cha mẹ khẩu chiến với những giọng điệu, thái độ tiêu cực sẽ khiến trẻ nghĩ: ‘Cha/mẹ rất hung dữ và khuôn mặt thật đáng sợ’. Trẻ sẽ không còn được thấy khuôn mặt hiền từ của mẹ và khuôn mặt vui vẻ của cha. Trẻ sợ mình làm sai và sẽ nhận được những biểu hiện và khuôn mặt khó ưa đó.
Vậy nên, trẻ thường dễ rơi vào trầm cảm, stress, chậm phát triển về mặt giao tiếp xã hội.
4. Hung hăng, nóng tính và luôn muốn giải quyết vấn đề bằng bạo lực
Trẻ học cách quan sát và bắt chước từ rất sớm. Nếu thường xuyên sống trong môi trường cãi nhau, nghe những từ nói không hay về nhau của cha mẹ, chắc chắn điều trẻ học được không gì ngoài những lời lẽ cay độc, chì chiết. Hơn hết, trẻ sẽ rơi vào cực đoan, thấy mọi việc chỉ có thể giải quyết phải bằng sự tranh cãi quyết liệt, thậm chí bằng hành động tay chân.
5. Mất niềm tin vào cuộc sống tốt đẹp, tình yêu, hôn nhân và gia đình trong tương lai và hạn chế trong việc thể hiện tình cảm với mọi người
Trẻ ít thấy cha mẹ vui vẻ yêu thương, chăm sóc cho nhau mà thay vào đó là việc cãi nhau thường xuyên. Cuộc sống chẳng có gì tốt đẹp ngoài sự cãi vả, giận dỗi hết lần này tới lần khác.
Từ đó, bức tranh hôn nhân trong nhận thức của trẻ bị phủ một màu xám xịt. Trẻ không tin tưởng vào tình yêu, không tin vào hôn nhân và cuộc sống có sự yêu thương thật sự.
Một số trẻ sống trong gia đình có cha mẹ thường xuyên va chạm đã kết luận: sẽ không lập gia đình vì cuộc sống hôn nhân là tù ngục mà mỗi người trong đó là tù nhân. Vậy nên kiên quyết không yêu và cũng không muốn bày tỏ tình cảm với người mình yêu quý.
Ảnh minh họa
6. Ác cảm với cha hoặc mẹ, thậm chí không muốn gần gũi
Khi tình cảm lấn át lý trí, một số cha/mẹ đã trả thù đối phương bằng cách kể xấu người kia với con cái, mong con sẽ là đồng minh. Thực sự, hành động này là hoàn toàn sai lầm. Con trẻ cũng có cách nhìn nhận và đánh giá vấn đề của mình. Cha mẹ đừng áp đặt suy nghĩ của bản thân vào con, ảnh hưởng tới quan điểm riêng của chúng.
Thực tế, đây chính là hành vi thể hiện sự ích kỷ, nhằm thỏa mãn tính hiếu thắng của cha mẹ. Sẽ ra sao nếu con cái họ lớn lên, nhìn nhận người sinh ra chúng với con mắt căm ghét (thậm chí hận thù)? Chắc chắn đó sẽ là những tổn thương tâm lý khó lành trong trái tim non nớt của trẻ nhỏ.
Cuộc sống hôn nhân không thể tránh khỏi những mâu thuẫn về quan điểm. Nhưng giải quyết những khúc mắc đó như thế nào để vừa hòa hợp vợ chồng, vừa êm ấm gia đình là vấn đề không hề đơn giản. Theo đó, cha mẹ cần quan tâm tới sự ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ nhỏ khi chứng kiến những hành động không hay của mình. Thay vì tranh cãi, cha mẹ nên tập cách cùng nhau thảo luận dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau.
Phạm Thị Lan
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!