Chăm sóc bệnh nhân tâm thần phân liệt

Bài thuốc dân gian - 11/24/2024

Bạn đã điều trị tâm thần phân liệt ở bệnh viện Bạch Mai và tiếp tục học cao đẳng sư phạm có nghĩa bệnh của bạn tiến triển khá tốt.

Câu hỏi 1

Tôi năm nay 21 tuổi, là nam giới. Bị mắc bệnh tâm thần phân liệt cách đây 7 năm. Tôi đang chữa ở viện sức khỏe tâm thần, bệnh viện Bạch Mai, tôi uống thuốc đều đặn và đang học cao đẳng sư phạm. Tôi giờ đã tự nhận ra mình bị bệnh nhưng còn rất kiêu ngạo, tôi cảm thấy ai cũng phục mình và cho là mình giỏi, tôi thấy điều đó là sai nhưng không thể nào thoát khỏi ý nghĩ đó, việc tôi dành được học bổng của trường lại làm tôi càng kiêu ngạo, tôi ghét cái suy nghĩ ai cũng biết mình, tôi ghét làm người nổi tiếng mặc dù chẳng ai biết tôi.

Tôi chỉ muốn làm một người bình thường làm bất cứ việc gì không bị ai theo dõi, tôi muốn có một công việc để có thể tự nuôi sống bản thân và không muốn bố mẹ phải lo lắng, tôi lớn rồi và sinh lý rất bình thường nên tôi rất thích con gái, tôi ao ước có một người vợ để yêu thương, nhưng liệu có ai chấp nhận bệnh của tôi, tôi khá nóng tính tôi sợ khi có gia đình chính bản thân tôi làm người mình yêu thương nhất đau khổ.

Tôi đi học cảm thấy rất tốt, không ai phát hiện tôi bị bệnh, nhà trường cũng không biết, tôi đã có thể học bình thường, giúp đỡ bố mẹ làm việc nhà. Viên thuốc phân liệt giảm từ 4 viên giờ chỉ còn 1/4, nhưng tôi vẫn phải uống 3 viên trầm cảm, trước kia tôi đi lệch nửa người nhưng bác sĩ bảo tôi cứ uống thuốc và tập luyện là khỏi. Giờ tôi đã đi thẳng rồi, bác sĩ có thể cho tôi biết có nhiều người mắc bệnh giống tôi mà có cuộc sống bình thường chưa? Liệu tôi có thể có một gia đình hạnh phúc không? Tôi xin cám ơn bác sĩ!

Chăm sóc bệnh nhân tâm thần phân liệt

Ảnh minh họa

BS. Nguyễn Thị Vân trả lời:

Chào bạn!

Tâm thần phân liệt là một bệnh tâm thần nặng, có chiều hướng mạn tính với những đợt tái phát. Sau mỗi lần tái phát, tính nết người bệnh càng thay đổi: xa lánh người thân, hướng vào nội tâm, ngôn ngữ hành vi dị kỳ khó hiểu, có khi mang tính chống đối nguy hiểm. Khả năng tiếp xúc xã hội và khả năng học tập lao động giảm dần, người bệnh trở nên thờ ơ với tất cả.

Bệnh có thể khởi phát nhanh trong vài tuần hay chậm trong nhiều tháng thậm chí nhiều năm, thường bắt đầu ở người trẻ tuổi (15-35 tuổi). Tỉ lệ mắc khá cao trong xã hội. Có người bệnh chỉ bị một hoặc vài giai đoạn loạn thần trong đời, cũng có những người luôn tồn tại các triệu chứng loạn thần suốt đời. Phương pháp điều trị hữu hiệu nhất cho bệnh tâm thần phân liệt là điều trị bằng thuốc và phục hồi chức năng tâm lý xã hội. Hầu hết người bệnh tâm thần phân liệt có thể không cần lưu viện nội trú mà có thể điều trị tại gia đình để tạo cơ hội hòa nhập cộng đồng.

Hiện tại bạn đã điều trị tâm thần phân liệt ở bệnh viện Bạch Mai và tiếp tục học cao đẳng sư phạm có nghĩa là bệnh của bạn tiến triển khá tốt, hòa nhập cộng đồng tốt, thì mọi việc bạn đều có thể làm được. Bạn cần duy trì dùng thuốc theo đúng chỉ định và sự tư vấn của bác sĩ, đi khám định kỳ theo lịch hẹn để bệnh không tái phát.

Chúc bạn sức khỏe!

Câu hỏi 2

Bác sĩ cho em hỏi, nhà có người bị bệnh tâm thần phân liệt thì mình nên làm gì để giúp đỡ?

Chăm sóc bệnh nhân tâm thần phân liệt

Ảnh minh họa

ThS. Vũ Thị Tuyết Mai trả lời:

Những việc cần làm để giúp đỡ bệnh nhân tâm thần phân liệt: 

Gia đình

- Phát hiện sớm những thay đổi bất thường kể trên. 

- Đưa người bệnh đến với các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm thần để nhận được tư vấn cần thiết của thầy thuốc. 

- Quản lý và cho uống thuốc đều đặn, đúng liều lượng, giờ giấc theo chỉ định của bác sĩ. - Bệnh tâm thần phân liệt tái phát phần lớn là do không uống thuốc đều đặn hoặc tự ý cắt thuốc. 

- Bệnh sẽ thuyên giảm và ổn định tết nếu được gia đình quan tâm, tạo môi trường thích ứng, dung nạp tốt. 

Những hiểu biết sai lầm cần tránh: 

- Cho rằng thuốc tâm thần là loại thuốc ngủ, nay bệnh nhân đã ngủ tốt thì không cần dùng nữa. 

- Cho rằng thuốc chữa bệnh tâm thần là thuốc độc, e ngại không sử dụng mặc dù đã có chỉ định của bác sĩ. 

Cộng đồng 

- Cần thông cảm, chia sẻ với bệnh nhân và gia đình, không mặc cảm, riễu cợt trêu trọc, ngược đãi. 

- Giúp đỡ bệnh nhân có việc làm. - Giúp đỡ bệnh nhân và gia đình khi gặp tình huống khó khăn. * Cán bộ y tế - Định kỳ kiểm tra bệnh, tư vấn về điều trị và tái phục hồi chức năng tâm lí xã hội, cấp phát thuốc đầy đủ cho bệnh nhân. 

- Hướng dẫn gia đình quản lý và cho uống thuốc đều. 

- Hướng dẫn gia đình phát hiện kịp thời các biểu hiện tái phát bệnh và những tác dụng phụ khi uống thuốc an thần kinh. 

Đi đâu để được giúp đỡ? 

- Bệnh viện tâm thần tỉnh hoặc thành phố. 

- Trạm sức khoẻ tâm thần tỉnh. - Phòng khám tâm thần tại các quận, 

- Trạm y tế xã, phường. Các bệnh nhân tâm thần phân liệt được điều trị ngoại trú miễn phí theo khu vực cư trú.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!