Chăm sóc mẹ bầu sau khi thụ tinh ống nghiệm

Mang thai - 11/24/2024

Thai phụ cần có chế độ ăn ngủ khoa học, ăn đủ 4 nhóm dinh dưỡng cần thiết gồm đạm, vitamin, khoáng, canxi, sắt.

Theo giáo sư, tiến sĩ Trần Thị Phương Mai, nguyên Vụ trưởng Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế, hiện nay nhiều phụ nữ không có khả năng mang thai một cách bình thường nên phải nhờ vào kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Do yếu tố tâm lý, sự khó khăn trong quá trình thụ thai nên gia đình và bản thân chị em thường băn khoăn về việc chăm sóc, dưỡng thai như thế nào khi thụ tinh trong ống nghiệm.

Tại hội thảo 'Tuần lễ vàng ươm mầm hạnh phúc - đồng hành cùng các cặp vợ chồng hiếm muộn', giáo sư Mai cho biết, việc chăm sóc thai phụ sau thụ tinh trong ống nghiệm không có gì khác với có thai bình thường. Tuy nhiên cần lưu ý tuân thủ nghiêm ngặt với việc tái khám cũng như các chỉ định của bác sĩ để đảm bảo sự phát triển của thai và sức khỏe của mẹ. Người mẹ nên có chế độ ăn uống và ngủ nghỉ khoa học trong suốt quá trình mang thai.

Chăm sóc mẹ bầu sau khi thụ tinh ống nghiệm

 Nhiều phụ nữ không có khả năng mang thai một cách bình thường nên phải nhờ vào kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (Ảnh: Womenshealth)

Chế độ dinh dưỡng lành mạnh

Thai phụ cần ăn đủ chất, đa dạng 4 nhóm dinh dưỡng cần thiết như đạm, vitamin, chất khoáng, canxi, sắt. Tổng năng lượng đảm bảo đủ 300 kcal mỗi ngày.

Trong quá trình mang thai, người mẹ cần tăng từ 9 đến12 kg. Lưu ý ăn đủ các loại rau để tránh táo bón, đảm bảo lượng chất xơ, đồng thời bổ sung thêm a-xít folic.

Bổ sung vitamin theo hướng dẫn của bác sĩ.

Người mẹ cần bổ sung chất sắt từ 30 đến 60 mg một ngày, uống lúc đói. Canxi đảm bảo từ 1.000 đến 1.500 mg mỗi ngày.

Tuân thủ lịch khám thai

3 tháng đầu thai kỳ, mẹ cần đi khám để nghe tim thai, đo độ dày da gáy, xác định tuổi thai. Ở giai đoạn này có những cột mốc quan trọng sau:

- Khi chậm kinh 2 - 3 tuần, phụ nữ cần đi khám và làm xét nghiệm βhCG. Nếu kết quả 5-25 đơn vị là không có thai, từ 25 đến 100 là có thai, cần bổ sung nội tiết để giữ thai.

- Tuần thứ 6 hoặc 7 mẹ cần đi khám để nghe tim thai.

- Khám phụ khoa ít nhất một lần.

3 tháng giữa thai kỳ trở đi, cần tầm soát đái tháo đường, dị tật, tiêm phòng uốn ván.

- Mẹ cần tuân thủ tối thiểu một tháng khám một lần để theo dõi sự phát triển của thai.

- Xét nghiệm đái tháo đường ở tuần 24 đến 28.

- Xét nghiệm Tripble-test, tổng phân tích nước tiểu, siêu âm 4D vào tuần 22, 28 để xem xét dị tật của thai.

- Tiêm phòng uốn ván vào tuần 26 và 30.

- Từ tuần 29 đến 32 nên đo chiều dài thai, cân nặng và theo dõi sự phát triển của thai.

- Tuần 33 đến 35 khám lại.

- Tuần 36 đến 40 tiếp tục khám lại.

(Nội dung do Vụ Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế kiểm duyệt)

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!