Bệnh Pemphigus là một căn bệnh khá lạ, thuộc nhóm bệnh ngoài da có bọng nước, phỏng nước ở trên da giống như bị bỏng nước sôi khiến cho người bệnh cảm thấy rất đau rát. Đây là một căn bệnh mạn tính, nếu không chăm sóc và điều trị đúng cách có thể dẫn tới tử vong. Bài viết dưới đây, Lily & WeCare sẽ hướng dẫn các bạn cách chăm sóc người mắc bệnh Pemphigus sao cho hiệu quả nhất. Hãy cùng tham khảo nhé!
Bệnh Pemphigus là gì?
Bệnh Pemphigus là một loại bệnh bọng nước tự miễn dịch xuất hiện trên da và niêm mạc của người bệnh. Các bọng nước này được hình thành do kháng thể kháng lại thành phần của cầu nối desmosome - là cầu nối liên kết giữa các tế bào gai ở thượng bì. Pemphigus là bệnh ngoài da nhưng lại không phải là bệnh truyền nhiễm, kể cả khi tiếp xúc máu của người bệnh.
Thông thường hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ tạo ra các kháng thể tấn công những virus và vi khuẩn có hại để nhằm đảm bảo cho cơ thể được khoẻ mạnh. Tuy nhiên, ở những người mắc bệnh Pemphigus, hệ thống miễn dịch lại xác định nhầm các tế bào ở da và các niêm mạc là những “vật thể lạ” và tấn công chúng. Các kháng thể tấn công chính các tế bào trong cơ thể mình gọi là tự kháng thể. Khi bạn mắc bệnh Pemphigus, các tế bào sẽ bị tấn công tại những cầu nối desmosome - là cầu nối giữa các tế bào gai với nhau có tác dụng giữ cho da được nguyên vẹn.
Khi các kháng thể tấn công desmosome, các tế bào gai sẽ bị chia tách, dịch gian bào tập trung tại vị trí tổn thương và hình thành các bọng nước nhìn như các vết bỏng nước sôi. Điều này gây nên những tổn thương trên da, gây ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh.
Triệu chứng của bệnh Pemphigus
Dù có thể có tính chất di truyền nhưng cũng không thể nói rằng ai là đối tượng dễ bị mắc bệnh Pemphigus nhất. Hiện nay y học chia bệnh Pemphigus thành những dạng khác nhau dựa trên tính chất, vị trí của bọng nước. Ở mỗi dạng, bệnh Pemphigus lại có những triệu chứng khác nhau và chẩn đoán bệnh sớm là một điều vô cùng quan trọng, giúp tránh được nguy cơ tử vong ở người bệnh.
Pemphigus sùi
Với dạng bệnh này, các bọng nước sẽ nhanh chóng bị dập vỡ tạo vảy tiết, sùi lên từng mảng trên da giống như mụn cóc. Vị trí thường gặp đó là ở nách, háng, cổ, rốn, niêm mạc miệng, bộ phận sinh dục. Người bệnh sẽ có những biểu hiện như mệt mỏi, ăn uống kém, sốt cao.
Pemphigus ban đỏ
Loại bệnh này thường có dấu hiệu là xuất hiện những nốt ban đỏ bong vảy dày bóng mỡ ở hai má, mũi, tai, đầu, ngực. Các dấu hiệu của bệnh dễ bị nhầm lẫn với bệnh Lupus ban đỏ, chàm da mỡ.
Pemphigus vảy lá
Là một thể xuất hiện do những bọng nước nhăn nheo dập vỡ tạo thành vảy màu nâu sẫm, ẩm ướt. Bệnh xuất hiện ở đầu, mặt, lưng có thể lan ra toàn thân và niêm mạc. Tại những nốt vảy lá xuất hiện mùi hôi đặc biệt. Bệnh hay gặp ở những người trong độ tuổi từ 50-60 tuổi.
Pemphigus thông thường
Là dạng phổ biến nhất, nặng nhất và dễ gây tử vong nhất trong các thể của pemphigus. Bọng nước xuất hiện nhiều cả ở niêm mạc và toàn thân, bệnh diễn biến nặng nề. Chỉ cần miết nhẹ ngón tay vào da gần bọng nước sẽ thấy tróc da, hoặc ấn ngón tay vào bọng nước sẽ thấy nước dễ dàng loang ra xung quanh. Tổn thương ở niêm mạc miệng rất đau rát, dễ chảy máu làm bệnh nhân không ăn uống được, mồm miệng hôi thối. Khiến không chỉ bệnh nhân mà cả người chăm sóc cũng cảm thấy rất khổ sở.
Chăm sóc người mắc bệnh Pemphigus như thế nào?
Những người mắc bệnh Pemphigus cần một chế độ chăm sóc đặc biệt như sau:
- Chăm sóc các vết thương cẩn thận, tắm rửa thường xuyên cho người bệnh 1-2 lần/ngày bằng dung dịch thuốc tím 1/10.000 để giảm thiểu mùi hôi. Khi tắm, gội cần tránh kỳ cọ mạnh làm trầy xước, lột da thành mảng gây đau rát, nhiễm khuẩn, lâu lành tổn thương. Sau khi tắm gội xong thì nên bôi thuốc sát khuẩn silvadene, milian hoặc dung dịch eosin 2% lên bọng nước và vùng da bị bệnh.
- Nếu các vết thương xuất hiện ở niêm mạc miệng thì nên cho người bệnh súc miệng bằng các thuốc súc họng, nước muối loãng. Bôi thuốc sát khuẩn gây tê như glycerinborat 2%, kamistad gel, zytee hoặc orrepaste. Nên cho người bệnh ăn cháo, uống sữa, không ăn đồ ăn cay, nóng, chua sẽ làm bệnh nhân thấy đau đớn.
- Cho người bệnh uống thuốc Corticoid: có thể cho uống kết hợp với thuốc ức chế miễn dịch nhưng phải được sự cho phép của bác sĩ. Dùng thuốc kháng sinh chống bội nhiễm khi người bệnh có dấu hiệu bị nhiễm khuẩn.
- Vệ sinh niêm mạc mắt, mũi, miệng bằng nước muối sinh lý, tra thuốc nhỏ mắt mắt theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
- Nếu có trợt niêm mạc sinh dục thì nên vệ sinh bằng muối sinh lý, thuốc tím pha loãng 1/10.000, bôi glycerinborat 2%, dung dịch eosin 2% hoặc chấm dung dịch milian vào vị trí vết thương.
- Đặc biệt, nếu bạn cho người bệnh sử dụng thuốc prednisone để điều trị bệnh Pemphigus thì cần phải chú ý về chế độ dinh dưỡng. Bởi loại thuốc này yêu cầu một chế độ ăn uống giàu protein, canxi, vitamin Dvà kali, nên hạn chế nạp vào cơ thể chất cacbonhydrate, muối và chất béo.
- Có một chế độ ăn kiêng khoa học là điều cần thiết đối với bệnh nhân bị Pemphigus, để làm giảm bớt những tác dụng phụ của thuốc, giúp cơ thể khoẻ mạnh và nhanh phục hồi. Người bệnh được khuyến cáo là nên ăn nhiều sữa chua bởi nó có chứa Acidophilus - một loại vi lợi khuẩn có tác dụng ngăn chặn nhiễm trùng.
- Không nên cho người bệnh ăn quá nhiều đồ ngọt hoặc đồ mặn nhằm tránh tác dụng phụ của corticoid đó là làm tăng đường huyết và tăng natri huyết.
- Trong thực đơn dinh dưỡng của người bị Pemphigus tuyệt đối không nên sử dụng các thực phẩm liên quan tới hành và tỏi. Đã có tài liệu cho rằng, nhóm thực phẩm Alium có trong tỏi, hành và tỏi tây có thể làm bệnh pemphigus trở nên nghiêm trọng hơn.
- Tất cả những quy trình chăm sóc bệnh nhân bị Pemphigus đều phải được đảm bảo vô trùng. Chú ý vệ sinh nhà cửa sạch sẽ thoáng mát, ngâm quần áo, chăn màn, đồ dùng của người bệnh bằng dung dịch cloramin B 2% hoặc nước sôi để diệt khuẩn.
Phương Hoa
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!