Chăm sóc trẻ bị ho, cảm trong thời tiết giao mùa

Nuôi dạy con - 11/28/2024

Trẻ em là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi những thay đổi của thời tiết, cộng thêm sức đề kháng còn kém nên dễ mắc bệnh đường hô hấp.

Không khó để bảo vệ bé khỏi ho cảm

Cảm, ho là một bệnh rất thường gặp không chỉ với trẻ nhỏ mà còn cả người lớn.  Bất cứ ai trong đời cũng ít nhất một lần bị mắc cảm hoặc ho. Theo PGS. TS Nguyễn Thị Diệu Thúy, Trưởng bộ môn nhi Trường đại học Y Hà Nội, trẻ em vốn là đối tượng có hệ miễn dịch yếu, trẻ sơ sinh còn chưa hoàn thiện các chức năng trong cơ thể, nên rất dễ nhiễm bệnh nếu không được chăm sóc đúng.

Với trẻ nhỏ cần cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, bởi đây là cách tốt nhất để trẻ có thể nhận được kháng thể thụ động từ mẹ. Đó chính là cách giúp trẻ sơ sinh phòng chống các bệnh cảm mạo. Từ 6 tháng trở lên, trẻ đã dần thích nghi được với môi trường, cơ thể trẻ đã tự tạo ra được những kháng thể để phòng chống lại những tác nhân gây bệnh từ bên ngoài.

Bên cạnh đó, để phòng chống các bệnh ho cảm, cha mẹ nên cho trẻ đi tiêm vắc-xin đầy đủ giúp trẻ tạo kháng thể phòng chống bệnh tật. Ngoài ra cần hạn chế đưa trẻ nhỏ đến những nơi tập trung đông người, chật hẹp, khi trẻ bệnh không nhất thiết phải đưa trẻ đến ngay bệnh viện bởi đây là nơi có nhiều mầm bệnh tiềm ẩn, dễ lây cho trẻ nhỏ. 

Chăm sóc trẻ bị ho, cảm trong thời tiết giao mùa

Thời tiết giao mùa, trẻ dễ bị nhiễm các bệnh đường hô hấp (Ảnh minh họa: Internet)

Cha mẹ cần cân nhắc xem tình trạng của con em mình có cần đến bệnh viện hay không. Nên vệ sinh mũi họng hàng ngày cho trẻ bởi đây là cửa ngõ để vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào cơ thể bé.

Điều quan trọng nhất mà cha mẹ có thể giúp trẻ tránh mắc bệnh là đảm bảo cho trẻ một chế độ dinh dưỡng tốt. Trong quá trình thích nghi với môi trường sống, nếu trẻ được chăm sóc tốt, khi hết thời kỳ bú mẹ, cơ thể trẻ sẽ tự tạo kháng thể cho bản thân hoặc nếu mắc bệnh sẽ dễ đàng vượt qua bệnh tật.

Chăm sóc bé thế nào nếu bé bị ho

TS Lê Thị Hồng Hanh, Phó trưởng khoa hô hấp, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, khi trẻ mới ho, thường là do viêm đường hô hấp trên, bệnh nhân chỉ ho, hắt hơi, sổ mũi từ 2-3 ngày là hết. Nếu kéo dài hơn mà không được điều trị có thể gây nội nhiễm làm viêm đường hô hấp dưới với nhiều biến chứng nặng như viêm phế quản, viêm phổi... Khi thấy trẻ có những dấu hiệu mệt hơn, không đáp ứng các thuốc hạ sốt, ho kéo dài, khó thở, mệt hơn nên cho trẻ đi khám.

Với những dấu hiệu cảm cúm, ho hắt hơi, sổ mũi, sốt nhẹ... , nhưng trẻ vẫn ăn uống bình thường cha mẹ có thể sử dụng các thuốc thảo dược hoặc thuốc ho thông thường cho bé như thuốc decolgen, atussin....

Theo Ths Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm khám tư vấn dinh dưỡng, Viện dinh dưỡng quốc gia, ho là phản xạ của cơ thể để tống dịch đờm, bụi bẩn ra khỏi cơ thể, do đó không có gì nguy hiểm. Cha mẹ nên lưu ý giữ ấm cho trẻ vào mùa đông, nằm tránh chỗ gió lùa nhưng vẫn phải thông thoáng.

Mùa hè khi cho nằm điều hòa cần chỉnh nhiệt độ vừa phải, không để quạt thốc thẳng vào người... Làm được những điều này sẽ giúp tình trạng ho của trẻ không nặng thêm dẫn tới các viêm đường hô hấp dưới hay các biến chứng khác.

Chăm sóc trẻ bị ho, cảm trong thời tiết giao mùa

Trẻ nhỏ bị ốm cần phải được chăm sóc và dùng thuốc đúng cách để tránh tình trạng bệnh nặng hơn (Ảnh minh họa: Internet)

Về chế độ dinh dưỡng, Ths Hải khuyên khi trẻ ốm, cần đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ, cho trẻ ăn thức ăn mềm, lỏng, chia làm nhiều bữa. Nhiều bậc cha mẹ thường quá kiêng cữ cho trẻ như không cho trẻ ăn tôm, thịt gà, đây là một sai lầm vì tôm có rất nhiều chất, đặc biệt là kẽm, trong khi đó thịt gà là loại thực phẩm dễ tiêu, giàu sắt, kẽm, đặc biệt có hàm lượng protein rất cao nên càng cần cho trẻ ăn.

Không tự dùng thuốc kháng sinh cho trẻ

Khi trẻ mắc bệnh ho kéo dài mà các biện pháp dân gian hoặc dùng thuốc ho thông thường từ 3-5 ngày không khỏi, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám. PGS.TS Thúy cho rằng, có những trẻ do cơ thể quá mẫn cảm với môi trường, cơ địa dị ứng cũng cần phải được bác sĩ thăm khám và cho thuốc chống dị ứng trẻ mới hết ho. Tuy nhiên khi trẻ xuất hiện nhiễm trùng đường hô hấp với các biểu hiện ho, thở nhanh, mệt mỏi, sốt cao, co rút lồng ngực cần nhanh chóng đưa trẻ đi viện để được khám chữa bệnh kịp thời.

Hiện nay với sự phát triển của thông tin và mạng xã hội, khi trẻ bị bệnh, các bậc cha mẹ thường lên mạng tự tra cứu thông tin về bệnh tình và tự mua thuốc điều trị cho con. Thậm chí nhiều người còn sử dụng các đơn thuốc cũ để 'chữa' cho trẻ. Điều này là cực kỳ tai hại, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của trẻ, bởi chỉ có bác sĩ mới là người quyết định có nên cho trẻ dùng kháng sinh hay không,

PGS Thúy khuyến cáo. Bằng các xét nghiệm như chụp X quang, xét nghiệm máu, thăm khám... bác sĩ sẽ biết về tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp của trẻ và quyết định cho trẻ điều trị bằng thuốc gì. Với tình trạng bội nhiễm đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản trẻ chỉ cần điều trị kháng sinh từ 5-7 ngày theo đường tiêm hoặc uống tùy thuộc vào chỉ định của bác sĩ, nếu nặng bác sĩ sẽ cho trẻ nhập viện điều trị.

Cảm ho là bệnh thông thường, nhưng nếu cơ thể trẻ yếu, điều trị không đúng dễ đẫn đến viêm đường hô hấp trên, hô hấp dưới, thậm chí những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Chăm sóc trẻ cảm ho không khó, điều quan trọng là cần sự quan tâm của cha mẹ và sự phối hợp đúng lúc kịp thời với các bác sĩ sẽ giúp trẻ vượt qua bệnh tật.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!