Chàm thể tạng: Ác mộng của trẻ nhỏ

Cần biết - 11/24/2024

Chàm thể tạng (viêm da cơ địa) là bệnh rất thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi.

5 tháng tuổi, bé Hiếu (Hà Tĩnh) mọc nhiều nốt đỏ li ti trên mặt. Tưởng con bị muỗi đốt, mẹ bé thoa kem mát da cho con.

Vài hôm sau, khi tắm cho Hiếu, chị tá hỏa vì thấy các vết ban đã lan thành từng mảng đỏ ở tay, đùi, bụng. Ròng rã suốt một năm, người mẹ đã đưa con đi khám ở nhiều nơi, áp dụng cả những phương pháp dân gian nhưng bệnh của bé chỉ đỡ được một thời gian lại tái phát với những tổn thương còn nặng nề hơn.

Gầy đây, khi con một tuổi rưỡi, chị đưa bé đi khám da liễu ở Bệnh viện Nhi Trung ương mới biết bé bị viêm da cơ địa (chàm thể tạng) - một bệnh mạn tính tái phát.

'Bị bệnh này khổ nhất là vào mùa thu - đông vì mụn nước mọc thành từng đám trên khắp cơ thể. Thằng bé ban ngày mải chơi quên đi cơn ngứa nhưng cứ tối đến quấy khóc ngằn ngặt. Trông con mà thấy xót ruột', mẹ bé Hiếu thổ lộ.

Bé Hiếu là một trong rất nhiều bệnh nhi phải cầu cứu các bác sĩ da liễu vì chứng ngứa, khô da do bị chàm. Thời tiết các dịp chuyển mùa như thu - đông là thời điểm phòng khám da liễu, Bệnh viện Nhi trung ương có số lượng bệnh nhân mắc bệnh này tăng vọt.

Chàm thể tạng: Ác mộng của trẻ nhỏ

Hình ảnh trẻ bị chàm trên tay, mặt, bụng (Ảnh: vnexpress.vn)

Bé gái 2 tuổi con chị Luyến (Linh Lang, Hà Nội) là bệnh nhi 'quen mặt' của phòng khám da liễu hơn một năm nay. Từ khi 10 tháng tuổi, bé đã phải chung sống với những cơn ngứa do chàm. Chị Luyến tìm đủ mọi cách để chữa bệnh cho bé. Ai mách gì chị cũng làm từ bôi lá chè mạn, chè xanh đến lá trầu không mà tình trạng bệnh của bé vẫn không tiến triển khả quan.'Các vết chàm tập trung quanh mắt và miệng khiến con rất khó chịu và gãi nhiều đến khi chảy cả máu', chị Luyến chia sẻ.

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Thị Mai Hương, chuyên khoa da liễu, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, bệnh chàm hay còn gọi là viêm da cơ địa hay gặp ở trẻ dưới 2 tuổi, trong đó những trường hợp khởi phát trước một tuổi như bé Hiếu chiếm khoảng 50%-60%.

Bệnh này thường liên quan đến yếu tố cơ địa, các bệnh dị ứng như hen phế quản, mày đay, viêm mũi dị ứng. Trong gia đình, nếu cả hai bố mẹ đều bị viêm da cơ địa thì 80% con sinh ra mắc bệnh này. Nếu một trong hai người bị thì xác xuất bệnh ở con giảm xuống còn 50%.

Có nhiều tác nhân kích thích có thể gây ra tình trạng chàm, trong đó có thể kể đến:

- Tác nhân bên trong cơ thể: thần kinh, sang chấn tâm lý, thay đổi nội tiết, rối loạn chuyển hóa.

- Tác nhân môi trường:

+ Dị nguyên hô hấp: bụi, phấn hoa, dị nguyên thức ăn (sữa, lạc, tôm cua...)

+ Môi trường, khí hậu: đa số trẻ hay bị bệnh vào mùa thu đông, một số ít vào mùa hè.

Chàm có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào song tất cả các đối tượng mắc bệnh này đều có chung một triệu chứng là ngứa.

Viêm da cơ địa ở giai đoạn ấu thơ thường gặp ở trẻ 2-3 tháng tuổi với biểu hiện thương tổn cơ bản là xuất hiện mụn nước tập trung thành đám ở những vị trí như má, trán, cằm, tay, chân, lưng, bụng. Bệnh tiến triển qua các giai đoạn: tấy đỏ - sẩn - mụn nước - chảy nước - đóng vảy - bong vảy.

Viêm da cơ địa ở trẻ em (2-12 tuổi) thường gặp ở lứa tuổi 2-5 tuổi. Bệnh biểu hiện khi trẻ xuất hiện những nốt sẩn cao hơn mặt da, tập trung thành mảng hoặc rải rác, mụn có thể mọc thành từng đám ở mặt duỗi, khuỷu tay, khoeo chân, cổ tay, mi mắt.

Ngoài ra, trẻ mắc chàm có thể biểu hiện triệu chứng không điển hình như khô da, chứng da vẽ nổi, viêm da lòng bàn tay, bàn chân.

Tiến sĩ Hương khuyến cáo, gia đình có trẻ mắc chàm cần lưu ý:

- Nên vệ sinh cơ thể trẻ bằng các loại sữa tắm dịu nhẹ. Hạn chế dùng xà phòng, các chất tẩy rửa quá mạnh.

- Không tắm trẻ bằng nước nóng quá lâu.

- Sau khi tắm cho bé, có thể sử dụng các loại kem làm ẩm da thích hợp, có khả năng lưu kem trên da cả ngày, nhất là mùa đông:

Đặc biệt cần tuyệt đối tránh:

- Các kích thích bệnh: Chà xát, gãi, sang chấn thần kinh…

- Bụi nhà, lông súc vật, len, tơ…

- Côn trùng đốt, chó mèo...

Trong trường hợp bé bị mắc viêm da cơ địa, gia đình cần đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa da liễu để được thăm khám, tuyệt đối không tự ý chữa bệnh cho con bằng các phương pháp dân gian truyền miệng để tránh tình trạng viêm nhiễm trầm trọng thêm.

>> Xem thêm: Hỏi - đáp về bệnh dị ứng chung

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!