Chẩn đoán và điều trị hội chứng ngưng thở khi ngủ

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Hội chứng ngưng thở khi ngủ là một sự rối loạn đặc trưng bởi sự ngừng thở từng lúc về đêm trong lúc ngủ.

Khi bệnh nhân đến gặp bác sĩ than phiền vì triệu chứng ngủ ngáy và buồn ngủ vào ban ngày quá mức, bác sĩ khám lâm sàng phát hiện có các triệu chứng nghi ngờ như: béo phì hoặc khám tai mũi họng nghi ngờ bất thường về cấu trúc sọ mặt và mô mềm của đường hô hấp trên, bệnh nhân sẽ được chỉ định đo đa ký giấc ngủ.

Đa ký giấc ngủ là phương pháp đo ít nhất 7 tín hiệu: điện não đồ, điện mắt, điện cơ, điện tâm đồ, lưu lượng khí ở mũi, cử động gắng sức hô hấp của các cơ ở thành ngực và bụng và độ bão hòa oxy. Do đó, bệnh nhân sẽ được gắn các điện cực theo dõi, đeo máy đo độ bão hòa oxy ở ngón tay, đeo dây đai ở ngực để theo dõi cử động hô hấp của ngực và bụng, đeo dây oxy ở mũi để đo lưu lương khí qua mũi.

Phương pháp này sẽ thực hiện tại theo dõi giấc ngủ có camera quan sát, tín hiệu sẽ được truyền về phòng theo dõi của kỹ thuật viên. Phòng theo dõi giấc ngủ được thiết kế đầy đủ tiện nghi giống như ở nhà để tạo cho bệnh nhân có một giấc ngủ tự nhiên như thường ngày.

Nếu bệnh nhân vừa có có triệu chứng ngủ ngáy và buồn ngủ ban ngày nhiều kèm trên đa ký giấc ngủ có ghi nhận có tổng số đợt ngưng thở lớn hơn 5 lần trong 1 giờ khi ngủ và mỗi đợt ngưng thở kéo dài ít nhất là 10 giây, thì bệnh nhân được chẩn đoán có hội chứng ngưng thở khi ngủ.

Chẩn đoán và điều trị hội chứng ngưng thở khi ngủ

Ngưng thở khi ngủ có thể dẫn tới thiếu oxy máu và liên quan đến ngủ ngày quá nhiều (Ảnh minh họa: Internet)

- Tiêu chuẩn chẩn đoán độ nặng của hội chứng ngưng thở khi ngủ tùy thuộc vào tổng số đợt ngưng thở trong 1 giờ.

Mức độ nhẹ: 6 - 15 đợt/giờ.

Trung bình: 16 - 30 đợt/giờ.

Nặng: > 30 đợt/giờ.

- Điều trị hội chứng ngưng thở khi ngủ tùy thuộc vào mức độ nhẹ, trung bình hay nặng.

Mức độ nhẹ: chủ yếu thay đổi lối sống: giảm cân, dùng gối tránh ngáy, ngủ tư thế nghiêng, tránh sử dụng rượu, thuốc lá, thuốc an thần. Hoặc dùng dụng cụ nâng hàm: một dùng cụ gắn ở miệng có tác dụng đưa hàm dưới ra trước, tăng khoảng trống của vùng hầu và vùng sau đáy lưỡi, giảm tính xẹp của vùng hầu.

Mức độ trung bình: một số bệnh nhân được điều trị theo phương pháp phẫu thuật tạo hình vòm miệng hầu lưỡi gà nếu nguyên nhân gây hội chứng ngưng thở khi ngủ là do bất thường về cấu trúc vùng tai mũi họng. Khi đó bệnh nhân sẽ được cắt amidan, lưỡi gà và vòm khẩu cái sau.

Mức độ nặng: thở áp lực dương liên tục trong lúc ngủ với máy thở CPAP, gắn với mặt nạ mũi hoặc mặt nạ miệng, được chỉ định đối với các trường hợp hội chứng ngưng thở khi ngủ mức độ trung bình và nặng.

Máy thở CPAP có tác dụng giúp mở và ngăn ngừa xẹp đường hô hấp trên, giảm buồn ngủ vào ban ngày ở hầu hết tất cả bệnh nhân và cải thiện tăng huyết áp, tiểu đêm.

Vì thế, chúng ta hãy nghĩ đến hội chứng ngưng thở khi ngủ trong các bệnh lý tim tim mạch và hãy nhớ đến các biến chứng tim mạch trong hội chứng ngưng thở khi ngủ, nhằm để:

- Xác định đối tượng mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ và điều trị sớm.

- Từ đó sẽ giảm được biến cố tim mạch và giảm được tỉ lệ tử vong.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!