Nguyên nhân gây nên nhược thị bao gồm: cận thị, loạn thị, viễn thị, tật lác mắt, hay do các yếu tố gây tắc nghẽn trục nhìn của một bên mắt như bệnh đục thủy tinh thể bẩm sinh, sa mí mắt, cườm mắt hay các tổn thương khác ở mắt. Một trong số nguyên nhân khiến nhược thị ở trẻ là do mắc các tật khúc xạ về mắt như cận thị, loạn thị, viễn thị khi chưa đến tuổi đi học. Phụ huynh nên hạn chế cho bé tiếp xúc với các thiết bị điện tử như tivi, máy tính hoặc điện thoại bởi ánh sáng xanh từ các thiết bị này sẽ khiến tình trạng nhược thị ở trẻ phát triển nặng hơn.
Tập nhược thị cho trẻ bằng máy Synoptophore.
Theo bác sĩ Trần Thị Tuyến, Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Mắt và Da liễu tỉnh Hải Dương): điều trị nhược thị cần được tiến hành càng sớm càng tốt, thường là trước 10-12 tuổi, vì sau độ tuổi này, điều trị nhược thị không còn hiệu quả. Nếu bị nhược thị do tật khúc xạ hoặc có phối hợp với nguyên nhân do tật khúc xạ, phương pháp điều trị là điều chỉnh tật khúc xạ. Các yếu tố quyết định thành công của việc điều trị là sự hiểu biết và phối hợp của các bậc phụ huynh, độ tuổi của trẻ, mức độ nhược thị và các bệnh mắt kèm theo. Ngoài điều trị nguyên nhân gây bệnh tại mắt, trẻ phải kích thích sử dụng mắt nhược thị bằng cách đeo kính và bịt mắt lành, tập chỉnh quang…
Việc chẩn đoán sớm và điều trị đúng cách bệnh nhược thị sẽ mang đến khả năng điều trị thành công cao. Khi trẻ còn nhỏ, hiệu quả điều trị sẽ càng cao. Bệnh của trẻ được phát hiện quá muộn (nhất là sau 13 tuổi), điều trị sẽ không thể thay đổi tình trạng tổn thương thị lực của trẻ, tình trạng bệnh rất dễ trở nên vĩnh viễn.
Nếu phát hiện con mình có các biểu hiện không nhìn rõ chữ trên bảng, thường tiến lại gần ti vi, hay có biểu hiện nheo mắt hay nghiêng đầu khi quan sát, thỉnh thoảng kêu nhức đầu, mỏi mắt…phụ huynh cần đưa trẻ đi khám sớm tại các bệnh viện, phòng khám chuyên khoa mắt để phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời. Đối với những trẻ có biểu hiện mắt bị lác, phụ huynh nên theo dõi và đưa trẻ đi khám để phát hiện sớm nhược thị. Trong quá trình điều trị, phụ huynh cần thường xuyên cho con tái khám theo chỉ định của bác sĩ để điều trị hiệu quả cho con.
Để tăng cường sức khỏe cho đôi mắt của trẻ, giảm nguy cơ mắc các tật khúc xạ dẫn đến nhược thị, phụ huynh nên quan tâm đến chế độ dinh dưỡng qua thức ăn hàng ngày cho trẻ. Đồng thời, cũng tạo cho bé một môi trường học tập đầy đủ ánh sáng để không gây nên áp lực cho mắt. Kiểm tra mắt định kỳ là cách làm tốt nhất để phát hiện và phòng ngừa các bệnh về mắt.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!