Cháy nổ pin: Mối nguy hiểm không thể bỏ qua

Kỹ năng sống - 05/04/2024

Cháy nổ pin có thể gây nên bỏng axít và nhiễm độc hóa chất cấp tính.

Ngày nay với sự phát triển mạnh của ngành công nghiệp điện tử, việc sản xuất và tiêu thụ pin là rất lớn. Hầu như gia đình nào cũng có pin trong nhà nhưng còn ít người biết đến cách bảo quản và sử dụng pin an toàn. Thực tế đã có những sự việc thương tâm khi có những nạn nhân tử vong khi nghe điện thoại trong lúc đang sạc pin. Mới đây, một bé trai ở Ninh Thuận bị tổn thương vỡ thủy tinh thể khi đang sử dụng đồ chơi do pin của điều khiển phát nổ. Điều này là tiếng chuông cảnh báo, chúng ta không thể thờ ơ với nguy cơ mất an toàn từ pin của các sản phẩm điện tử.

Cháy nổ pin: Mối nguy hiểm không thể bỏ qua

1. Nguyên nhân phát nổ

Nhiều nguyên nhân khác nhau khiến cho pin phát nổ như: sạc pin trong khi đang sử dụng thiết bị, pin kém chất lượng, sử dụng không đúng cách... Thực tế, các trường hợp cháy nổ pin điện thoại hay pin laptop chủ yếu xảy ra trong khi pin đang được sạc. Pin tiếp xúc với dòng điện hoặc có thể do khí hydrô sinh ra trong quá trình sạc pin làm tăng áp lực quá mức lên bề mặt vỏ pin, khi khí Hydro đạt đến một nồng độ nhất định sẽ phát sinh cháy nổ.

Hầu hết pin dùng cho điện thoại là loại pin Lithium, nhỏ nhưng chứa nhiều năng lượng bên trong, khi bị nóng quá mức sẽ gây nổ. Điều này đặc biệt xảy ra với những sản phẩm pin kém chất lượng.

Hiện tượng chập mạch, lỗi mạch pin cũng có thể xảy ra khi thiết bị điện tử bị rơi hay dính nước, thậm chí khi pin tiếp xúc với kim loại như chìa khóa. Mạch điện bị đứt, gãy cũng là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ cháy nổ và mất an toàn cho người sử dụng.

Cháy nổ pin: Mối nguy hiểm không thể bỏ qua

Một nguy cơ cháy nổ khác không thể bỏ qua đối với loại pin thường được sử dụng khá rộng rãi là pin Alkaline. Loại pin này thường dùng cho các thiết bị điều khiển từ xa, chuông báo khói, đèn flash, chuột dùng cho máy tính và nhiều vật dụng khác trong gia đình. Nguyên nhân cháy nổ đối với loại pin này thường do sử dụng không đúng cách, để pin quá gần nguồn nhiệt, pin bị lỗi, hỏng…

2. Nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe

Ảnh hưởng của pin đối với sức khỏe con người phụ thuộc vào các chất hóa học trong nó. Loại pin được xem là độc hại nhất là pin có chứa Chì (sử dụng phổ biến cho ắc quy xe hơi) và pin Niken – Cadimi. Hóa chất như chì, cadimi và axít  là những tác nhân chính gây ảnh hưởng tới sức khỏe, khi có sự cố không mong muốn, cháy nổ có thể gây nên bỏng axít và nhiễm độc hóa chất cấp tính.

Nhiễm độc mạn tính ít xảy ra với người sử dụng, thường chỉ gặp ở những công nhân nghề nghiệp có làm việc tiếp xúc với hóa chất trong công nghiệp chế tạo pin và ắc quy. Loại pin Niken Metal Hydrid (NdMH) và pin Lithium được coi là an toàn hơn do ít có ảnh hưởng tới sức khỏe con người, tuy nhiên cần rửa tay sạch sẽ khi có tiếp xúc với hóa chất.

Nguy hiểm xảy ra khi pin phát nổlà nguy cơ bỏng do nhiệt và bỏng do hóa chất. Tính chất và mức độ tổn thương tùy thuộc vào cơ quan bị tổn thương, vùng tổn thương và diện tích bị tổn thương.

Cháy nổ pin: Mối nguy hiểm không thể bỏ qua

3. Cách sơ cứu tổn thương

- Nhanh chóng đưa người bị thương ở khu vực không còn nguy hiểm (không có nguy cơ cháy nổ)

- Loại bỏ quần áo có dính hóa chất trên da.

- Loại bỏ nguyên nhân gây bỏng trên da là nhiệt và hóa chất bằng cách rửa sạch hóa chất trên da dưới dòng nước chảy ít nhất 15 phút. Trong trường hợp có tổn thương ở mắt cần chú ý không dược dụi mắt vì có thể làm cho tổn thương nặng hơn.

- Chỉ được rửa mắt bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý: Sử dụng nước sạch từ vòi để chảy nhẹ nhàng vào bên mắt bị tổn thương trong khoảng 20 phút, cố gắng mở bên mắt bị thương để đảm bảo nước sẽ rửa trôi hóa chất.

- Che phủ dùng tổn thương bằng gạc sạch vô trùng, nhanh chóng goi cấp cứu hoặc đưa người bị nạn đến bệnh viện.

Cháy nổ pin: Mối nguy hiểm không thể bỏ qua

Bé trai Ninh Thuận tại bệnh viện

4. Cách sử dụng pin an toàn

- Không sử dụng pin kém chất lượng. Khi thấy pin có hiện tượng bất thường như bị phồng, quá nóng thì cần thay thế ngay.

- Không nói chuyện điện thoại khi đang sạc pin. Rút bỏ nguồn điện ngay khi pin vừa sạc đầy, tránh để pin bị quá nóng. Đừng để điện thoại trên giường và sạc trong khi ngủ.

- Khi điện thoại hoặc thiết bị điện tử bị rơi vào nước, không nên sạc pin vì những hư hỏng của mạch điện có thể gây nguy hiểm như cháy nổ, điện giật. Điện thoại hay thiết bị điện tử đều cần được kiểm tra trước khi tiến hành sạc

- Thiết bị điện tử và điện thoại nên để cách xa nguồn sinh nhiệt như bếp ga, bếp điện, lò vi sóng… vì nguồn nhiệt có thể làm hư hỏng mạch điện.

- Chỉ nên sử dụng pin, nguồn sạc tương thích, tránh sạc pin với nguồn sạc không tương thích.

Cháy nổ pin: Mối nguy hiểm không thể bỏ qua

- Lấy bỏ pin ra khỏi thiết bị đối với các thiết bị điện tử sẽ không sử dụng trong một thời gian dài.

- Trên cùng một thiết bị, không sử dụng hai loại pin khác nhau, không sử dụng kết hợp pin cũ và pin mới.

- Khi lắp đặt và sử dụng thiết bị hãy đảm bảo rằng pin được lắp đúng chiều, đúng cực. Không bao giờ cố gắng sạc pin cho loại pin không dùng để sạc lại.

- Để xa pin, các thiết bị điện tử ngoài tầm với của trẻ em./.

Video: Thành đuốc sống vì dùng điện thoại tại trạm xăng (Video: youtube)

>> Xem thêm:

Bé trai vỡ thủy tinh thể vì pin đồ chơi TQ phát nổ
Đồ chơi Trung Quốc và nguy cơ tiềm ẩn với sức khỏe
Đồ chơi Trung Quốc: Bắt mắt, bắt tai... hại người
Thiếu nữ bị iPhone đang sạc giật chết
5 hiểu lầm về sạc pin điện thoại
Nguy cơ tiềm ẩn khi ngủ với điện thoại

Ảnh minh họa: Internet

Quang Thanh

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!