Whole30 là một chương trình ăn kiêng trong 30 ngày với những thực phẩm nhất định nhằm thanh lọc cơ thể và cải thiện sức khỏe. Phương pháp ăn kiêng này do cặp đôi huấn luyện viên và chuyên gia dinh dưỡng thể thao người Mỹ Dallas – Melisa Hartwig phát triển ra từ năm 2009.
Whole30 được coi là phương pháp giảm cân thế hệ mới, là sự tổng hợp một cách khoa học của các chế độ ăn kiêng low carb, detox và cleaning-eat (ăn thực phẩm sạch). Điểm ưu việt của chế độ ăn Whole30 là bạn không phải nhịn ăn, không gặp tác dụng phụ khi ăn kiêng như tiêu chảy, đau dạ dày hay chóng mặt.
Dù chỉ kéo dài 30 ngày nhưng cách ăn kiêng này đòi hỏi bạn phải có sức mạnh ý chí lớn và công sức để chuẩn bị những món ăn lành mạnh. Chế độ ăn kiêng này giúp thay đổi mối quan hệ của bạn với những thực phẩm quen thuộc, tạo nên thói quen ăn uống mới.
Một hình ảnh quen thuộc 'before – after' của người thực hiện chế độ ăn Whole30 đăng tải trên Instagram.
Bạn phải cắt giảm một loạt những nhóm thực phẩm ra khỏi bữa ăn hàng ngày. Tuân thủ chế độ ăn Whole30 tức là bạn sẽ không được ăn ngũ cốc, sản phẩm từ sữa, rượu bia, đồ ngọt (trừ hoa quả) trong 30 ngày. Những thứ bạn được ăn gồm có các loại rau, các loại hạt, trái cây, thịt, hải sản, trứng và khoai tây, khoai lang. Người thực hiện Whole30 cần giữ tâm lý thoải mái, tích cực vận động nhẹ nhàng, tuyệt đối không nhịn ăn và không cần kiểm tra cân nặng quá thường xuyên.
Vượt qua 30 ngày khó khăn này, bạn sẽ không cảm thấy muốn ăn nhiều đồ ngọt như trước nữa. Cắt giảm đường và những thực phẩm khó tiêu sẽ giúp thanh lọc cơ thể, giảm bớt mỡ thừa. Sau một tháng, bạn có thể giảm từ 3 – 4kg.
Rất nhiều hình ảnh về hiệu quả của chế độ ăn Whole30 đã được chia sẻ trên Instagram, nhưng như mọi chế độ ăn khác và thể trạng của mỗi người là khác nhau, nên không phải ai cũng phù hợp với phương pháp này. Dưới đây là 5 lý do khiến chế độ ăn kiêng này đôi khi sẽ không phải là lựa chọn tốt nhất cho cơ thể bạn.
Lý do 1: Sẽ rất khó để bạn thay đổi thói quen
Đã là thói quen thì rất khó để thay đổi. Các nhà khoa học xã hội đã chỉ ra rằng, để thay đổi một thói quen, bạn sẽ phải có một thói quen khác thay thế. Ví dụ như bạn sẽ thường nhai kẹo cao su để thay thế thói quen hút thuốc lá do 'buồn mồm buồn miệng'.
Chỉ 30 ngày thôi sẽ rất khó để thay đổi thói quen ăn uống hàng năm trời của bạn. Và sau 30 ngày này, nếu bạn lại trở về chế độ ăn như trước đây thì mọi công sức sẽ trở thành 'công cốc'.
Dĩ nhiên là rất tốt khi bạn cố gắng thay đổi những thói quen ăn uống xấu, nhưng các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, chế độ này chỉ mang tính chất sửa chữa tạm thời cho mối liện hệ suốt đời của bạn với thực phẩm. Thói quen ăn uống lành mạnh cần phải được hình thành dần dần trong nhiều năm, chứ không phải là trong một tháng duy nhất.
Lý do 2: 30 ngày là chưa đủ
Câu nói cần 21 ngày để thiết lập một thói quen mới là không hoàn toàn đúng. Nếu bạn muốn thiết lập lại hệ tiêu hóa của mình và thanh lọc cơ thể thì 30 ngày vẫn là chưa đủ.
Cần đến hơn 3 tháng bạn mới có thể thiết lập được thói quen ăn uống mới.
Để phá vỡ một thói quen có thể mất từ vài tháng đến hàng năm trời, tùy thuộc vào thói quen đó là gì. Và hệ tiêu hóa của bạn cũng vậy, do hoạt động của chúng được não bộ chỉ huy. Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng phải mất từ 3 tháng trở lên bạn mới có thể thay đổi được thói quen ăn uống của mình.
Lý do 3: Whole30 có thể là một chế độ ăn không cân bằng
Vì các nguồn protein chính trong phương pháp ăn kiêng này là thịt và trứng, nên đây là một chế độ ăn có lượng cholesterol cao.
Những thực phẩm trong danh sách cắt giảm của chế độ Whole30 bao gồm cả đậu và ngũ cốc nguyên hạt, là nguồn cung cấp chất xơ, canxi và protein lành mạnh. Điều này khiến cho các chuyên gia dinh dưỡng phải nghi ngờ về hiệu quả của chế độ ăn kiêng này. Và cơ thể bạn cũng không nhất thiết phải cắt giảm toàn bộ đường.
Lý do 4: Bạn sẽ cần phải nghiêm khắc với bản thân
Các nhà nghiên cứu chế độ ăn kiêng cho biết hành vi của chúng ta bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh, đặc biệt là khi ăn. Điều đó có thể khiến bạn khó tuân thủ một chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt như Whole30, đặc biệt là nếu không có ai xung quanh bạn đang làm điều đó.
Có bạn đồng hành sẽ tốt hơn trong quá trình ăn kiêng và tập luyện của bạn.
Vì vậy, nếu bạn muốn thử chế độ ăn này, bạn có thể thuyết phục một người bạn đồng hành với bạn. Bằng cách đó, các bạn có thể chuẩn bị thức ăn cùng nhau và cùng tạo động lực cho nhau.
Lý do 5: Chế độ ăn Whole30 rất khắc nghiệt và không có chỗ cho sai lầm
Nếu bạn tự buông lỏng bản thân trong chương trình 30 ngày này và lỡ ăn một thực phẩm trong danh sách bị cấm, bạn nên bắt đầu lại từ đầu. Trở lại ngày đầu tiên để thực hiện hiệu quả chế độ ăn kiêng Whole30 bạn cần phải có kỷ luật thép cùng sự tự chủ nghiêm ngặt.
Sau khi kết thúc 30 ngày ăn kiêng, bạn sẽ phải tự mình tìm cách kết hợp các thực phẩm lành mạnh và những thực phẩm bị cấm trở lại chế độ ăn của bạn. Những người sáng lập nói rằng, phương pháp Whole30 của họ có nghĩa là 'một chế độ dinh dưỡng ngắn hạn' chứ không kéo dài mãi mãi.
Whole30 có thể là một cách ăn kiêng tạm thời giúp bạn thon gọn nhanh chóng. Nhưng bạn cần phải cân nhắc thể trạng, sức khỏe của mình để quyết định phương pháp ăn kiêng phù hợp. Có rất nhiều kiểu ăn kiêng khác bạn có thể thử, như low carb, hay chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải là tiêu thụ nhiều ngũ cốc nguyên hạt và rau quả.
Nguồn: Businessinsider
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!