Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Thị Minh Nguyệt, tình trạng suy dinh dưỡng rất phổ biến ở trẻ, đặc biệt trong giai đoạn từ 6 đến 24 tháng tuổi. Đây là giai đoạn cơ thể có nhu cầu dinh dưỡng cao, bé đang tập thích ứng với môi trường và rất nhạy cảm với bệnh tật.
Mặt khác hầu hết phụ huynh thường chú ý đến cân nặng của trẻ nhiều hơn chiều cao, song thực ra chiều cao là chỉ số khá quan trọng bởi nó phản ánh được tình trạng dinh dưỡng của bé về sau. Bé không được cung cấp chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng cân khỏe mạnh sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao và suy giảm trí thông minh.
Tình trạng biếng ăn khiến trẻ còi xương, chậm lớn (Ảnh minh họa: Internet)
Bác sĩ Nguyệt khuyên cha mẹ cần chú những nguyên tắc dinh dưỡng chung sau đây để làm phong phú hơn chế độ ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng và nạp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết. Nhờ đó cơ thể các em sẽ tăng cường khả năng hấp thu tốt hơn, đảm bảo các chỉ số tăng trưởng cân nặng, chiều cao và sức khỏe.
Dùng dầu mỡ 'lành' trong chế biến món ăn cho bé
Dầu mỡ là nguồn cung cấp năng lượng cao gấp đôi chất bột và chất đạm. Trong mỗi bát bột, cháo hoặc cơm của trẻ cần có từ một đến 2 muỗng canh dầu hoặc mỡ. Những loại dầu từ hạt như dầu cải, dầu vừng, dầu nành, dầu hướng dương… rất giàu omega 3. Chất này chiếm vai trò quan trọng cho sự phát triển của não bộ, võng mạc và hệ miễn dịch.
Bổ sung kẽm
Từ lâu kẽm đã được chứng minh là dưỡng chất có vai trò quan trọng đối với sự phát triển chiều cao, cơ bắp, thần kinh và miễn dịch của trẻ ngay từ những năm đầu đời. Thiếu kẽm thường dẫn đến biếng ăn, còi cọc và chậm lớn.
Bố mẹ nên bổ sung cho trẻ các loại thực phẩm giàu kẽm như gan heo, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành, các loại hạt có dầu như hạnh nhân, hạt điều, đậu phộng... Kẽm cũng có nhiều trong sò, trai, các loại thịt nạc đỏ như heo và bò, đặc biệt là các loại ngũ cốc thô và đậu rất phù hợp với trẻ.
Chế độ dinh dưỡng phù hợp giúp trẻ phát triển tối đa (Ảnh minh họa: Internet)
Thức ăn đặc
Nếu bạn cho trẻ dùng thức ăn được nấu loãng, nhiều nước thì nguồn năng lượng hấp thu vào cơ thể sẽ thấp hơn nhiều so với thức ăn đặc. Trẻ khó ăn thực phẩm nấu đặc, bố mẹ có thể dùng thêm men amylase hoặc neopeptin theo chỉ định của bác sĩ hoặc chỉ cần cho vào một ít nước luộc giá đỗ sẽ làm thức ăn lỏng ra và bé dễ ăn hơn.
Tăng cường dưỡng chất
Trẻ cần hấp thụ đủ chất dinh dưỡng và phong phú các loại thực phẩm. Nên cho bé ăn cả xác thực phẩm bằng cách băm nhuyễn và nấu mềm. Chú ý: Nêm nhạt và đừng cho nhiều gia vị. Trái cây rất giàu vitamin nên bố mẹ có thể thường xuyên bổ sung nhiều cho trẻ.
Trong trường hợp trẻ đã bị suy dinh dưỡng, phụ huynh nên bổ sung một số vi chất dinh dưỡng như vitamin và muối khoáng theo chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng. Không nên tự ý mua thuốc bổ sung dinh dưỡng cho con để tránh gây hại cho sức khỏe của trẻ.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!