Làm thế nào để trẻ không bị còi xương?

Nuôi dạy con - 11/24/2024

Để phòng bệnh còi xương ở trẻ, với người mẹ trong thời gian mang thai và cho con bú cần phải tắm nắng và có chế độ ăn uống đầy đủ.

Dấu hiệu của bệnh còi xương

Bệnh còi xương hay xuất hiện ở trẻ dưới 3 tuổi, nhất là trẻ dưới 1 tuổi, trẻ đẻ non, thiếu cân. Nguyên nhân chủ yếu gây còi xương ở trẻ là tình trạng thiếu ánh sáng mặt trời khiến cho tiến trình tự tổng hợp vitamin D của cơ thể trẻ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, còn do chế độ ăn uống không hợp lý như không được bú sữa mẹ thường xuyên, hay bị tiêu chảy làm giảm hấp thu vitamin D.

Các biểu hiện của còi xương thay đổi tùy theo từng thời kỳ tiến triển. Ở giai đoạn sớm, trẻ hay quấy khóc, ngủ không yên giấc, hay giật mình, vã nhiều mồ hôi cả lúc thức lẫn lúc ngủ, có dấu hiệu rụng tóc hình vành khăn.

Giai đoạn muộn, xương sọ có dấu hiệu miềm, thóp trước rộng, bờ mềm, chậm kín; có bướu ở trán, ở đỉnh đầu làm đầu to ra. Trẻ chậm mọc răng, lồng ngực có khi biến dạng như ngực gà. Các đầu xương dài bị bè ra; chân cong kiểu vòng kiềng hoặc choãi ra như chữ X. Cột sống có thẻ bị gù vẹo; xương chậu bị biến dạng hẹp. Bụng của trẻ thường bị to bè. Trẻ bị còi xương thường chậm biết ngồi, biết đi. Nếu bệnh nặng, có thể xuất hiện những cơn giật do hạ canxi máu.

Ở giai đoạn muộn, bệnh còi xương thường để lại những di chứng không tốt về sau.

Phòng bệnh còi xương như thế nào?

Làm thế nào để trẻ không bị còi xương?

Hãy chú ý đến việc tắm nắng cho bé để phòng bệnh còi xương (Ảnh minh họa: Internet)

Để phòng bệnh còi xương ở trẻ, với người mẹ trong thời gian mang thai và cho con bú cần phải 'tắm nắng', nghĩa là cần có thời gian hoạt động ngoài trời, có chế độ ăn uống đầy đủ.

Vào những tháng cuối của thời kỳ mang thai nên ăn thêm các thức ăn có chứa vitamin D hoặc uống thêm dầu cá. Có thể phòng bệnh bằng uống vitamin D trong quí cuối cùng của thai kỳ từ 100 - 1.200 đơn vị vitamin D/ngày hoặc một lần duy nhất 100.000 đơn vị đến 200.000 đơn vị từ tháng thứ 7, nếu mẹ không có điều kiện tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Đối với trẻ, về mặt dinh dưỡng tốt nhất là cho trẻ bú bằng sữa mẹ. Khi cho trẻ ăn sam cần đảm bảo bữa ăn đa dạng, đủ chất. Đối với trẻ được chăm sóc chu đáo, từ 6 tuần tuổi đến 18 tháng tuổi dùng liên tục mỗi ngày 800 -1.000 IU (nếu trẻ khỏe mạnh), 1.500 IU (nếu trẻ ít được ra nắng) và 2.000 IU (nếu thấy trẻ có màu da thẫm). Trẻ 18 - 60 tháng tuổi chỉ sử dụng liều trên trong mùa sương mù, ít ánh nắng.

Nếu trẻ không được chăm sóc chu đáo thì nên dùng liều cao cách nhau một thời gian (6 - 18 tháng). Cứ 6 tháng cho uống 1 liều 200.000 IU. Trẻ 18 - 60 tháng dùng liều duy nhất vào đầu mỗi mùa đông trong năm.

Với trẻ sinh thiếu tháng, từ ngày thứ 8 sau sinh cần cho uống 1.500 IU/ngày cho tới 18 tháng. Sau đó tiếp tục phác đồ bình thường.

Đối với trẻ còi xương, uống 1.200 - 5.000 IU/ngày trong 4 tuần, sau đó tiếp tục dùng liều dự phòng. Dùng 500mg canxi/ngày đối với nhũ nhi; 1.000 mg canxi/ngày đối với trẻ trên 2 tuổi, uống 7 - 10 ngày.

Lưu ý: Khi cho trẻ uống vitamin D phải có chỉ định của bác sĩ. Trong quá trình điều trị, cần chú ý phát hiện các dấu hiệu ngộ độc vitamin D như chán ăn, buồn nôn, tăng canxi máu.... Nếu có các dấu hiệu trên cần thông báo cho bác sĩ biết để có biện pháp xử lý thích hợp.

Dược sĩ Hoàng Thu Thủy

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!