Cholesterol trong chế độ dinh dưỡng của bé

Dinh dưỡng cho Trẻ - 04/26/2024

Cholesterol có 2 loại: có lợi và có hại. Những chia sẻ từ Hello Bacsi sẽ giúp bạn tìm hiểu về cholesterol và cách phòng tránh cholesterol cao ở trẻ em.

Rất nhiều người không nhận ra rằng nồng độ cholesterol cao có thể bắt đầu xuất hiện từ thời thơ ấu. Nồng độ cholesterol cao có thể sẽ tiếp tục tăng khi đứa trẻ lớn lên thành một thiếu niên và người lớn. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ bé bị các bệnh liên quan đến nồng độ cholesterol nếu bé có nồng độ cholesterol cao trong máu từ nhỏ.

Nồng độ cholesterol cao gây những nguy cơ gì?

Cơ thể bé cần một lượng cholesterol nhất định để bảo vệ dây thần kinh, sản xuất các tế bào và các loại hormone nhất định. Tuy nhiên, quá nhiều cholesterol sẽ gây hại cho mạch máu: cholesterol sẽ bám dọc các thành mạch máu bằng dưới dạng mỡ dính được gọi là “mảng bám”. Các nghiên cứu cho thấy mảng bám có thể bắt đầu hình thành ngay từ thời thơ ấu khi nồng độ cholesterol của bé cao.

Nồng độ cholesterol cao sẽ làm tăng nguy cơ bé bị bệnh tim và đột quỵ khi lớn lên. Bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại nhiều nước. Nguy cơ sẽ cao hơn ở những người có tiền sử gia đình bị bệnh tim, tiểu đường, béo phì hoặc có thói quen ăn uống không lành mạnh, không có hoạt động thể thao hoặc có thói quen hút thuốc.

Cholesterol đến từ đâu?

Cholesterol có chủ yếu tro g thực phẩm, từ các sản phẩm làm từ động vật như trứng, thịt và các sản phẩm từ sữa. Ngoài ra, gan trong cơ thể cũng tạo ra rất nhiều cholesterol.

Sự khác biệt giữa cholesterol có lợi và cholesterol có hại là gì?

Lipoprotein mật độ thấp (LDL) thường được gọi là cholesterol có hại. Một số người tạo ra quá nhiều LDL. Nồng độ LDL cũng có thể tăng khi bé ăn các thực phẩm giàu chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và cholesterol.

Lipoprotein mật độ cao (HDL) thường được gọi là cholesterol có ích và có chức năng loại bỏ cholesterol ra khỏi máu. Nồng độ HDL hợp lý có thể giúp bảo vệ bé chống lại bệnh tim. Tập thể dục có thể làm tăng lượng HDL cholesterol mà cơ thể sản xuất ra. Không nên cho bé dùng chất béo bão hòa và khuyến khích trẻ duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh để làm tăng nồng độ HDL.

Nếu tổng nồng độ cholesterol cao do có nồng độ LDL cao, trẻ sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim hoặc đột quỵ cao hơn. Nhưng nếu tổng nồng độ cholesterol của bé cao vì nồng độ HDL cao, các nguy cơ mắc bệnh sẽ không tăng.

Con bạn có nên được xét nghiệm nồng độ cholesterol?

Hầu hết trẻ em không cần phải kiểm tra cholesterol, trừ khi bé có tiền sử gia đình bị cholesterol cao hoặc bé mắc bệnh tiểu đường.

Trong hầu hết các trường hợp, ăn uống lành mạnh và tập luyện thể thao là sự lựa chọn hàng đầu để giảm nồng độ cholesterol cao ở trẻ em hay thiếu niên. Nếu ăn uống và tập thể dục vẫn không hiệu quả, bác sĩ có thể xem xét việc sử dụng thuốc hạ cholesterol. Trẻ có thể cần uống thuốc nếu trẻ mắc bệnh tiểu đường, đang bị thừa cân hoặc béo phì.

Không phải tất cả các loại thuốc đều an toàn khi sử dụng ở trẻ em, vì vậy đừng tự ý cho trẻ dùng thuốc hạ cholesterol mà không hỏi ý kiến bác sĩ.

Điều gì gây ra nồng độ cholesterol cao ở trẻ em?

Sau đây là những yếu tố có thể gây ra nồng độ cholesterol cao ở trẻ em:

  • Tiền sử gia đình có nồng độ cholesterol cao (như bố hoặc mẹ hoặc chị em của bé bị cholesterol cao);
  • Ít vận động và tập thể dục;
  • Bé bị béo phì.

Giúp bé phòng ngừa tình trạng nồng độ cholesterol cao

Hãy giúp con bạn duy trì cân nặng khỏe mạnh bằng cách dạy bé lựa chọn ăn các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe và duy trì hoạt động thể thao lành mạnh.

Dưới đây là một vài lời khuyên:

  • Cho bé ăn ít nhất năm khẩu phần trái cây và rau mỗi ngày. Ví dụ như các món ăn nhẹ lành mạnh như táo, chuối, cà rốt, cần tây.
  • Nấu các bữa ăn chứa nhiều protein ít béo, rau, và ngũ cốc nguyên hạt.
  • Tránh cho bé ăn chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa. Chất béo bão hòa thường được tìm thấy trong sản phẩm động vật (ví dụ như thịt và trứng) và các sản phẩm từ sữa (ví dụ như phô mai và bơ). Nhiều loại thực phẩm ăn nhẹ (ví dụ như bánh quy và khoai tây chiên) có chứa nhiều chất béo bão hòa. Chất béo chuyển hóa thường được tìm thấy trong thực phẩm chế biến (ví dụ như bánh rán và bánh quy) và thức ăn chiên (ví dụ như khoai tây chiên và hành tây chiên).
  • Tránh ăn thức ăn nhanh. Nếu trẻ phải ăn tại một cửa hàng thức ăn nhanh hay nhà hàng, hãy chọn lựa các món lành mạnh nhất có thể.
  • Hạn chế thời gian xem tivi, máy tính, điện thoại di động hoặc chơi game của con bạn xuống không quá 1 – 2 giờ mỗi ngày. Hãy làm gương cho bé bằng cách bản thân bạn cũng hạn chế thời gian ngồi trước màn hình.
  • Khuyến khích bé tìm ra hoạt động thể chất ưa thích và vận động thường xuyên. Hãy cho bé vận động ít nhất 1 giờ mỗi ngày.
  • Khuyến khích cả gia đình cùng luyện tập thể dục thể thao. Hãy đi bộ, đi xe đạp hoặc làm các công việc nhà với nhau. Bạn cũng có thể lên kế hoạch đi dã ngoại cho cả gia đình.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!