Loét áp-tơ thường xảy ra kết hợp với các triệu chứng của viêm màng bồ đào, viêm kết mạc, loét sinh dục, viêm khớp, sốt… Do vậy phải xem xét đầy đủ để tìm kiếm những nguyên nhân để có phương pháp điều trị đầy đủ.
Dấu hiệu nhận biết
Loét áp-tơ có liên quan đến yếu tố gia đình, có khi trong cùng một nhà có nhiều người cùng bị. Bệnh biểu hiện có tính chất chu kỳ lặp lại gần giống nhau, mỗi đợt kéo dài khoảng 10 - 15 ngày, bắt đầu bằng việc xuất hiện một hoặc vài ba đốm trắng nhỏ hơi đau, hơi nổi gồ lên trong niêm mạc miệng.
Đốm trắng này to dần rồi vài ngày sau đồng loạt vỡ ra tạo thành vết loét. Vết loét lớn dần, nông, thường không quá lớp biểu mô, bờ nham nhở, ăn mặn rất xót, nói đau cản trở giao tiếp. Nếu không có biến chứng nặng vết loét tự lành dần sau 7- 10 ngày.
Bệnh nhân ăn uống sinh hoạt bình thường, rồi lại tái diễn đợt khác tương tự. Tùy từng người và trên cùng một người bệnh cũng tùy từng thời điểm mà thời gian lành bệnh dài ngắn khác nhau.
Loét miệng áp-tơ thường lành tính nhưng gây đau đớn cho bệnh nhân.
Căn nguyên do đâu?
Nguyên nhân chính xác của loét áp-tơ chưa được biết rõ, nhưng sự thiếu hụt vitamin B12, sắt, axit folic, có chấn thương (trong đó chấn thương vùng miệng là nguyên nhân phổ biến nhất), đột ngột giảm cân, dị ứng thức ăn, phản ứng của hệ miễn dịch có thể góp phần vào sự phát triển của bệnh.
Ngoài ra, một số thuốc như nicorandil và một số loại hóa trị liệu cũng được ghi nhận có liên quan với loét áp-tơ. Gần đây, người ta còn ghi nhận có sự tương quan chặt chẽ giữa loét áp-tơ với các dị ứng với sữa bò.
Dùng thuốc nào để điều trị?
Tùy từng bệnh nhân với các tổn thương khác nhau sẽ được chỉ định dùng thuốc khác nhau. Với bệnh nhẹ, ổ loét nông thì có thể dùng thuốc bôi tại chỗ như benzalkonium chloride. Đây là một chất sát trùng tại chỗ, lấy khoảng 1/2cm chiều dài thuốc từ typ thuốc thoa nhẹ nhàng lên vùng bị loét, dùng 3 lần mỗi ngày.
Lưu ý là sau khi thoa thuốc xong phải rửa sạch tay để tránh dụi tay lên mắt. Không được để thuốc tiếp xúc với mắt hoặc mũi. Không được đánh răng hoặc uống nước giải khát hay nước ép trái cây ít nhất 1 giờ sau khi thoa thuốc. Nếu các triệu chứng loét miệng đã khá hơn nhưng sau đó lại tái phát, có thể thoa liều khác nhưng không được dùng quá 3 lần mỗi ngày.
Cần phải dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ, đúng liều lượng, đúng thời gian điều trị và không được tự ý ngưng thuốc nếu không có sự cho phép của bác sĩ.
Thuốc cũng chỉ được sử dụng khi các tổn thương nông, không nên dùng cho những vết thương sâu. Nếu bôi thuốc thấy có hiện tượng phù mặt, môi, lưỡi hoặc họng, phát ban, nổi mẩn, ngứa, khó thở, đau ngực... cần báo cho bác sĩ biết, vì rất có thể người bệnh đã gặp tác dụng phụ của thuốc.
Một loại kem bôi khác là triamcinoloneacetonide cũng được sử dụng bôi tại chỗ cho bệnh áp-tơ. Đây là loại thuốc kháng viêm corticoide có tác dụng điều trị hỗ trợ làm giảm tạm thời các triệu chứng viêm nhiễm khoang miệng. Thuốc được bôi ngày 3 lần, tốt nhất là sau bữa ăn chính và trước khi đi ngủ.
Tuy nhiên, bệnh nhân không được tự ý sử dụng thuốc này mà không có chỉ định của bác sĩ. Bởi bệnh áp-tơ có thể bị nhầm lẫn với bệnh herpes, mà đối với herpes thì chống chỉ định với thuốc này. Thuốc cũng không được sử dụng lượng lớn cho các tổn thương rộng hoặc lâu dài. Đặc biệt, phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú thì không được sử dụng.
Có thể sử dụng các loại thuốc bôi tại chỗ khác như: nitrate bạc (khi bôi trực tiếp lên tổn thương, thuốc có thể giúp giảm đau ngay sau khi bôi) hoặc kem bôi phức hợp các hoạt chất sulfonate với sulfuric acid (thuốc có tác dụng tương tự nitrate bạc). Đây là hình thức đốt tiêu hủy vết loét bằng hóa chất. Cảm giác đau hầu như giảm ngay và vết thương sẽ lành sau 3 - 5 ngày. Thuốc này chỉ được dùng theo đơn của bác sĩ nha khoa và chỉ được bôi 1 lần mỗi ngày.
Gel lidocaine cũng có thể được chỉ định bôi tại chỗ loét ngày 4 lần. Tuy nhiên, cần cố gắng tránh nuốt thuốc sau khi bôi và không nên dùng quá 4 lần mỗi ngày để tránh độc tính.
Ngoài ra có thể dùng dung dịch tetracycline súc miệng có thể giúp giảm đau và lành loét nhanh chóng. Tuy nhiên, thuốc không giúp ngăn ngừa tái phát. Khi dùng quá 5 ngày, thuốc có thể gây kích ứng và tạo điều kiện cho nấm phát triển.
Dùng thuốc bôi tạo màng ngăn: Các vết loét trong niêm mạc miệng thường rất lâu lành là do bị chìm trong nước bọt và dịch thức ăn. Một phương pháp mới được đưa ra để chữa trị chứng loét miệng này là: dùng thuốc bôi trực tiếp lên vết loét, phối hợp các loại thuốc: sunfamethoxazon, trimethoprim, serathiopeptit, hoạt chất tạo màng ngăn.
Khi thuốc vào trong miệng gặp nước bọt và dịch huyết tương rỉ ra từ chỗ tổn thương tạo thành màng, màng này đủ sức chịu đựng được sự tấn công của nước bọt và dịch thức ăn từ 6 - 8 giờ. Vì thế, cứ 6 - 7 giờ bôi thuốc một lần sẽ tạo được màng ngăn cách vết loét với dịch khoang miệng, từ đó làm cho vết loét nhanh lành.
Đồng thời, thuốc có tác dụng chống nhiễm khuẩn, kháng viêm, ngăn chặn hiện tượng tái phát. Kết hợp uống thêm vitamin, thuốc tăng cường chức năng gan hoặc kháng sinh nếu thấy cần thiết.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!