Trong số các bệnh nhân bị đái tháo đường (ĐTĐ), có rất nhiều bệnh nhân bị biến chứng thận.
Tại sao thận lại hỏng?
Thường chúng ta chỉ thấy thận bị suy hoặc bệnh nhân bị hỏng thận do các trường hợp viêm cầu thận mạn, hội chứng thận hư, các bệnh thận có liên quan đến bệnh tự miễn. Song, trên thực thực tế, số bệnh nhân bị bệnh thận do ĐTĐ đang gia tăng. Có khoảng 40% số bệnh nhân ĐTĐ đều đi đến một con đường chung là bệnh thận. Đây là biến chứng phổ biến nhất trong các biến chứng của bệnh ĐTĐ tuýp I.
Điều rất đáng lưu tâm của trường hợp này là bệnh thận do ĐTĐ lại diễn ra rất từ từ, nhẹ nhàng và ngấm ngầm, đến một lúc nào đó, đột nhiên bạn bị suy thận. Mọi sự can thiệp điều trị lúc này rất hạn chế nếu như không muốn nói là không còn khả năng bảo tồn. Vấn đề thận lúc này trở nên nghiêm trọng hơn cả bệnh chính - bệnh ĐTĐ. Người ta thấy rằng có đến một nửa số bệnh nhân bị bệnh thận do ĐTĐ kéo dài sẽ phải lọc máu và thay thận.
Một câu hỏi đặt ra là ĐTĐ gây tổn thương thận như thế nào? Tại sao thận lại bị tổn thương do ĐTĐ?
Cơ chế chính xác gây ra bệnh thận do ĐTĐ hiện vẫn chưa được xác định chính xác. Nhưng hiện nay, người ta đang thiên về 3 cơ chế chính: đường máu cao gây tổn thương thận và quá trình siêu lọc; cơ chế đường hóa các phân tử protein và cơ chế hoạt hóa các cytokin. Các cơ chế này gây ra các biến đổi bệnh lý sau.
Đái tháo đường cũng dẫn đến viêm và suy thận (Ảnh minh họa: Internet)
Thứ nhất, trong ĐTĐ, vì cơ thể người bệnh không sử dụng được đường nên đường máu rất cao. Nồng độ đường máu cao kích thích sự đường hóa các phân tử protein trong cơ thể. Sự đường hóa này thực ra là sự gắn các phân tử đường vào các phân tử protein tạo nên một ma trận các protein gắn đường. Sự thay đổi liên kết này dẫn đến thay đổi chức năng các phân tử protein, thay đổi các hoạt động điện của protein vốn là những chất rất cơ bản của lớp nền màng lọc cầu thận. Chính các phân tử đường hóa này đã làm màng nền của cầu thận không thực hiện được chức năng lọc và để lọt các chất dinh dưỡng ra ngoài, một biểu hiện của bệnh thận.
Thứ hai, trong bệnh ĐTĐ, người ta thấy lớp màng nền của cầu thận bị dày lên và trở nên mất các thuộc tính chức năng. Các chức năng cơ bản của màng nền là chỉ tạo ra các lỗ hở đủ rộng để các phân tử nước lọc qua nhưng đủ hẹp để giữ lại các chất dinh dưỡng cần thiết. Sự dày lên của lớp màng nền làm cho màng nền bị giãn rộng các lỗ siêu lọc, bị thay đổi lớp điện tích màng bề mặt, bị xơ cứng và mất tính chất mềm mại dẫn đến các phân tử chất dinh dưỡng bị trôi ra ngoài.
Thứ ba, do tính chất bệnh lý của bệnh, ĐTĐ cũng làm mất sự mềm mại của thành mạch máu. Các mạch máu của cầu thận bị tác động như một lẽ đương nhiên. Hệ quả tạo ra áp lực cao tại bộ lọc cầu thận. Sự tác động trường diễn của áp lực cao lên màng lọc cầu thận làm cho cầu thận bị xơ hóa, hư hỏng và bị các bệnh thận xảy ra. Nghiên cứu tỉ mỉ các biến đổi bệnh học trên các bệnh nhân bị biến chứng thận, người ta thấy các lỗ siêu lọc trở nên cứng, mất sự mềm mại và tạo thành các hạt hay các nốt trong nhu mô thận. Những nốt này được gọi là các nốt Kimmelstiel-Wilson.
Đây là các biến đổi cụ thể của thận mà người ta tìm thấy được trên các tiêu bản mô học của bệnh nhân ĐTĐ. Đó là các bằng chứng xác đáng chứng minh sự thay đổi bệnh học trong các biến chứng thận. Tất cả sự thay đổi, tác động này đã gây ra một kết quả cuối cùng là suy thận.
Hậu quả của biến chứng ở bệnh tiểu đường là tổn thương thận dạng vĩnh viễn(Ảnh minh họa: Internet)
Cách nào để chống lại?
Để chống lại sự suy thận, nhất định bạn cần phát hiện ra bệnh ĐTĐ sớm và kiểm soát hiệu quả, bởi vì kiểm soát ĐTĐ hiệu quả sẽ có giá trị phòng chống bệnh thận do ĐTĐ.
Với những người có nguy cơ bị ĐTĐ, cần đi kiểm tra sức khỏe, xét nghiệm máu mỗi năm 1 lần. Với các bệnh nhân bị ĐTĐ, cần khám sức khỏe sát sao và không bỏ dở quá trình điều trị. Trung bình cứ 3-6 tháng cần phải đi kiểm tra đường máu và tình trạng albumin niệu 1 lần.
Bạn cần giảm tối đa chỉ số huyết áp xuống tới mức bình ổn vì một cơ chế rõ ràng trong tổn thương thận là tăng huyết áp. Huyết áp tăng là diễn biến bệnh tất yếu của ĐTĐ và là một trong các nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh thận. Bằng các biện pháp kéo hạ giá trị huyết áp, bạn có thể bảo tồn thận của bạn rất lâu. Thuốc có tác dụng nhất với huyết áp cao trong ĐTĐ là thuốc ức chế men chuyển.
Song song với các biện pháp điều trị bằng thuốc do bác sĩ chỉ định, bạn cần lưu ý hạn chế vận động thể lực gắng sức. Sự vận động thể lực gắng sức chỉ làm nặng thêm bệnh. Bạn cần đi bộ chậm để giúp thận hồi phục, thời gian không quá 15 phút cho 1 lần tập. Bạn có thể tập các bài dưỡng sinh với tốc độ chậm và thong thả. Lưu ý: chế độ ăn phải giảm đường và giảm chất béo. Giảm đường để tránh đường máu cao đột ngột, tránh được sự đường hóa phân tử protein. Giảm chất béo để làm chậm lại tiến trình biến chứng của bệnh.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!