Chống lại ung thư - cuộc chiến không ngừng nghỉ

Thời sự - 11/24/2024

Những năm gần đây, ngành dược dường như ít bàn luận hơn về các thuốc tim mạch, tăng huyết áp hay đái tháo đường. Thay vào đó, người ta nhắc nhiều hơn đến thuốc điều trị 'ung thư'. Tuy nhiên, với vấn đề ô nhiễm môi trường, thực phẩm bẩn đang tràn lan… thì vấn đề kiểm soát được bệnh ung thư đang đặt ra một thách thức đối với ngành y tế toàn cầu.

Gánh nặng toàn cầu

Trong hội nghị Nghiên cứu Ung thư quốc tế tổ chức bởi Viện nghiên cứu ung thư Hoa Kỳ đã có hẳn một chuyên đề riêng về vấn đề: 'Gánh nặng toàn cầu của ung thư đang lan rộng, đặc biệt ở các nước có thu nhập thấp và trung bình (LMICs)'. Chuyên đề này đã nhận được sự quan tâm rất lớn của các chuyên gia. Ung thư không còn là vấn đề của bất kỳ quốc gia nào. Bởi lẽ, ước tính tới năm 2030, số bệnh nhân tử vong vì ung thư tăng tới 80% so với con số hiện tại và nhiều trong số đó xảy ra ở các nước LMICs.

Khoa học ngày nay xác định ung thư như một trong số những bệnh thực sự theo định nghĩa hẹp và phải được ưu tiên các lựa chọn điều trị cho sự bùng nổ nhanh chóng số lượng bệnh nhân ung thư. Hầu hết các hệ thống y tế đang phải vật lộn để thích nghi với sự phát triển này, bao gồm cả các hệ thống quy định, các chuyên gia có tay nghề cao, cơ sở hạ tầng chẩn đoán và điều trị, và cơ chế tài chính để phục vụ nhu cầu của bệnh nhân ung thư trên toàn thế giới. Những thách thức này đòi hỏi sự chú trọng khẩn cấp để phát triển mạnh các danh mục thuốc điều trị lâm sàng trong thời gian ngắn, cũng như những chương trình y tế quốc gia mới để thay đổi quỹ đạo của bệnh ung thư.

Ô nhiễm môi trường gia tăng ung thư

Vấn đề ô nhiễm môi trường làm gia tăng bệnh ung thư có thể nói đến Trung Quốc là một điển hình. Theo một báo cáo mới đây, ước tính có tới 4,3 triệu ca ung thư mới mắc và hơn 2,8 triệu ca tử vong do ung thư ở Trung Quốc. Điều này tương đương với mỗi ngày sẽ có gần 12.000 người Trung Quốc được chẩn đoán mới và 7.500 người chết vì ung thư. Trong đó ung thư phổi/phế quản (tỷ lệ cao nhất), dạ dày, gan, thực quản và kết trực tràng, chiếm khoảng ba phần tư tổng số trường hợp tử vong do ung thư.

Lý giải cho tình trạng này, phải kể đến các nguyên nhân chính: Ô nhiễm không khí ngoài trời, ô nhiễm không khí trong nhà do sử dụng than đá, khí ga làm chất đốt, ô nhiễm đất và nước do người dân thải trực tiếp hóa chất gây ung thư do môi trường.

Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc, đó là lý do khiến Việt Nam nằm trong nhóm 2 các nước có tỷ lệ ung thư cao nhất thế giới.

Chống lại ung thư - cuộc chiến không ngừng nghỉ

Thuốc lá và ô nhiễm môi trường làm gia tăng tỉ lệ ung thư phổi.

Cuộc chiến không ngừng nghỉ

Cuộc chiến chống ung thư sẽ là một cuộc chiến dai dẳng và khốc liệt. Có một điều chắc chắn rằng nhân loại chưa một phút đầu hàng trong cuộc chiến này. Rất nhiều các tổ chức, hiệp hội, viện nghiên cứu được thành lập. Nhiều chương trình điều trị, phòng chống, tầm soát ung thư cấp quốc gia hoặc khu vực được triển khai. Nhiều hoạt động, sự kiện giúp đỡ cho bệnh nhân ung thư đã được tiến hành. Và ngành Dược luôn song hành trong cuộc chiến đó. Tính từ năm 2010 đến nay đã có hơn 140 hoạt chất mới/dạng bào chế mới/chỉ định mới được FDA chấp thuận đưa vào sử dụng trong điều trị ung thư.

Trong 5 năm qua đã có 70 phương pháp điều trị ung thư mới được phát minh hỗ trợ điều trị 20 dạng ung thư khác nhau. Thị trường thuốc ung thư đã tăng trưởng, ước tính vào năm 2020 sẽ cán mốc 150 tỷ USD.

Tăng tỉ lệ sống còn bằng phát hiệnsớm

Với mối quan tâm hàng đầu đến từ ung thư phổi, việc giảm sử dụng thuốc lá và cải thiện ô nhiễm môi trường luôn là vấn đề ưu tiên. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu đang cố gắng phát triển các phương pháp để phát hiện sớm ung thư, giúp giảm tỷ lệ tử vong. Điển hình, một chương trình được hợp tác giữa Viện nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ và ngành Y tế Trung Quốc cho thấy việc giảm tới 20% nguy cơ tử vong do ung thư phổi nếu được phát hiện sớm bằng chụp CT xoắn ốc (spiral CT) so với chụp Xquang thông thường trên bệnh nhân nghiện thuốc lá nặng. Đây sẽ là nền tảng để thiết kế một thử nghiệm sàng lọc lớn ở Trung Quốc cho bệnh ung thư phổi cũng như kết trực tràng.

Chống lại ung thư - cuộc chiến không ngừng nghỉ

Việc áp dụng hyình ảnh phân tử (Molecular imaging, một xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh) vào điều trị ung thư một cách hiệu quả cũng góp phần chẩn đoán sớm ung thư ngay cả khi chưa có bất kỳ thay đổi nào trong chức năng cơ thể hoặc giải phẫu. Dựa trên nguyên lý sử dụng các marker sinh học (chất đánh dấu sinh học) riêng biệt đối với từng bệnh và quét thấy chúng trên scan còn giúp bác sĩ theo dõi được tiến triển của điều trị.

Một trong những nỗ lực đáng kể cải thiện gánh nặng ung thư toàn cầu đó là việc gia tăng sử dụng các loại vắc-xin phòng chống ung thư. Đi đầu trong những nỗ lực này là việc tăng cường độ phủ của vắc-xin HPV trong các nước LMICs, đặc biệt là những nước có tỷ lệ ung thư cổ tử cung cao. Tiếp sau HPV, chúng ta sẽ chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của một số loại vắc-xin khác điển hình là vắc-xin chống virus Epstein-Barr (EBV) và virus viêm gan B (HBV). EBV chịu trách nhiệm cho khoảng 200.000 trường hợp tử vong do u lympho, ung thư dạ dày và vòm họng mỗi năm trên toàn thế giới, phần lớn trong số đó ở các nước LMICs. HBV là nguyên nhân gây ung thư gan, bệnh gặp nhiều ở các quốc gia Đông Á và Đông Nam Á trong đó có Việt Nam.

Một cột mốc nữa đánh dấu sự phát triển y học trong cuộc chiến chống ung thư đó là sự ra đời của liệu pháp nhắm vào mục tiêu phân tử (molecularly targeted therapy). Đây là một phương pháp điều trị mới sử dụng các thuốc được bào chế ở cấp độ phân tử tế bào để tấn công đặc biệt và giết chết chỉ các tế bào ung thư của từng loại ung thư cụ thể mà không ảnh hưởng đến các tế bào thường.

Ngoài ra, còn rất nhiều các phương pháp điều trị mới, các phương thức tiếp cận mới đang được nghiên cứu và phát triển. Kèm theo đó là nhiều các phân tử, dược chất được phát minh phục vụ cho cuộc chiến chống ung thư. Kết quả cho những nỗ lực không ngừng nghỉ này là tỷ lệ sống sót của bệnh nhân ung thư đang tăng theo cấp số nhân. Từ 8,4 triệu năm 1996 tăng lên khoảng 15,5 triệu hiện nay và dự đoán con số 26,1 triệu bệnh nhân sống sót sau ung thư vào năm 2040. Dự kiến, trong thời gian không xa, nhân loại có thể kiểm soát dứt điểm căn bệnh chết chóc này.

DS. Trần Trang

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!