Đây là dịp để khẳng định vai trò của các tổ chức xã hội trong chiến dịch phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS. Có sự tham gia của các tổ chức xã hội, người nhiễm HIV/AIDS hoàn toàn có thể tự tin, hoạt động như những người bình thường.
Theo anh Ong Văn Tùng, điều phối mạng lưới 'Vì ngày mai tươi sáng' phía Bắc, trụ sở ở Gia Lâm - Hà Nội: Mạng lưới có 5.000 thành viên tham gia, trong đó có khoảng 2.000 trẻ em bị nhiễm, chịu ảnh hưởng HIV.
Tạo việc làm cho những các thành viên trong nhóm không chỉ giúp họ tự nuôi sống bản thân, giúp đỡ gia đình mà còn tự tin hòa nhập cộng đồng. Qua đó, tạo ra sức lan tỏa đối với những người có HIV khác trong xã hội.
Anh Ong Văn Tùng cho biết: Tạo công ăn việc làm là quan trọng nhất đối với những người nhiễm HIV và hướng công ăn việc làm cho họ để họ có cuộc sống tốt đẹp. Qua nhiều năm thực hiện Dự án hoạt động OA, ARV thì sức khỏe của họ đã dần hồi phục và họ có khả năng làm việc lại. Nếu họ có công ăn việc làm ổn định thì đầu tiên họ sẽ bù đắp lại cho sức khỏe, lo cuộc sống của chính họ và đóng góp môt phần cho công việc của họ.
Hàng ngày, công việc của anh Phạm Thanh Vân, điều phối viên Mạng Lưới tình thân, thành phố Hồ Chí Minh là đến từng xóm nghèo vận động người mới nhiễm HIV, người nghiện ma túy tham gia mạng lưới xã hội, giúp họ cách chăm sóc bản thân.
Mỗi ngày mạng lưới đón trên 200 người có HIV đến điều trị thuốc ARV. 15 năm qua, mạng lưới đã lôi cuốn hàng trăm người sử dụng ma túy, người hành nghề mại dâm tham gia sinh hoạt.
Người nhiễm HIV/AIDS hoàn toàn có thể tự tin, hoạt động như những người bình thường (Ảnh minh họa: Internet)
Anh Phạm Thanh Vân cho biết: muốn tạo sức lan tỏa, thu hút nhiều thành viên tham gia cần phải tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, khả năng quản lý cho thành viên trong nhóm. Hoạt động giáo dục đồng đẳng, tuyên truyền thay đổi hành vi, giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người có HIV, kỹ năng sống cho thanh thiếu niên, trẻ đường phố… cần được đẩy mạnh không chỉ đối với Mạng lưới tình thân mà còn ở các tổ chức xã hội khác.
Anh Phạm Thanh Vân cho biết: Chính người có HIV được tập huấn, họ hiểu và đến với chúng tôi. Họ trở thành vai trò chính, ví dụ như trong buổi sinh hoạt đồng đẳng, là người có HIV họ biết và chăm sóc lại những người có HIV.
Do vậy, bây giờ cho những người trưởng nhóm, người lãnh đạo chính là những người sử dụng ma túy, người có HIV. Tôi cho rằng, tại nhiều địa phương cần tạo điều kiện giúp người ta vượt lên số phận, trở thành những người có ích.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2011, tại 63 tỉnh trong cả nước, đội ngũ tuyên truyền viên đã tiếp cận được gần 200.000 người nghiện ma túy, cấp phát trên 12 triệu chiếc bơm kim tiêm miễn phí.
Đặc biệt chương trình 'Điều trị cai nghiện bằng Methadone' bước đầu đạt kết quả. Nhiều người có HIV còn trở thành trưởng nhóm, quản lý câu lạc bộ giúp đỡ người có HIV khác phòng tránh lây lan HIV/AIDS ra cộng đồng.
Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm nay (tháng 12-2011) có chủ đề 'Hướng tới không còn người nhiễm HIV' với mục tiêu không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không phân biệt, đối xử với người liên quan đến HIV/AIDS; hướng đến xây dựng chương trình hành động phòng chống HIV/AIDS thành hành động thống nhất có sự phối hợp liên ngành, cơ quan đơn vị từ trung ương tới cơ sở.
Qua đó, lồng ghép có hiệu quả với các chương trình phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm để ngăn ngừa lây nhiễm HIV/AIDS.
Bà Trịnh Thị Lê Trâm, Phó Chủ tịch Hội Phòng chống HIV/AIDS thành phố Hà Nội cho rằng: Tình hình diễn biến của HIV/AIDS trên thế giới cũng như Việt Nam còn nhiều diễn biến phức tạp. Vì vậy mà toàn thế giới đang chung tay chung sức cùng hành động để chống lại đại dịch HIV/AIDS. Chúng ta phải làm và làm bằng được, không thể để còn người nhiễm mới HIV, kiểm soát và ngăn chăn được HIV/AIDS. Hy vọng chương trình này sẽ kết nối với cả nước, ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS, cùng quyết tâm, cùng nắm chặt tay nhau để cùng hành động hướng đến một ngày mai tươi sáng.
Việt Nam phấn đấu đến năm 2015 giảm một nửa số ca nhiễm mới do nhiễm HIV, giảm 50% các ca tử vong ở người mẹ bị nhiễm HIV/AIDS là hoàn toàn có thể thực hiện được. Điều đó, không chỉ cần sự nỗ lực đóng góp của tổ chức xã hội mà người nhiễm HIV/AIDS cần nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, gia đình và cộng đồng hướng đến một xã hội lành mạnh không còn HIV.
>>Xem thêm: Hỏi đáp về bệnh HIV/AIDS
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!