Muốn phòng tránh được bệnh này cần phải thay đổi ngay lối sống hàng ngày.
Cho đến nay, bệnh tiểu đường đã gây ra rất nhiều những hệ lụy cho người bệnh, ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống. Làm thế nào để giảm nguy cơ mắc căn bệnh nguy hiểm này là mối quan tâm của rất nhiều người.
Theo chuyên gia thực phẩm Phạm Chí Hồng, Phó giáo sư Viện khoa học và công nghệ thực phẩm, Đại học Nông nghiệp Trung Quốc, nếu muốn giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tốt nhất nên áp dụng những giải pháp phù hợp và thay đổi thói quen không lành mạnh.
Sau đây là 4 thói quen xấu, mọi người nên chú ý thay đổi càng sớm càng tốt.
1. Không chú ý kiểm soát lượng thực phẩm khi ăn
Muốn kiểm soát lượng đường trong máu, một trong những điều quan trọng nhất là không nên ăn quá nhiều đồ ngọt và thực phẩm giàu tinh bột.
Nếu khi bạn nấu ăn, thường xuyêntiện tay nêm nếm một chút đường vào thức ăn, mặc dù nhìn có vẻ không có gì là nhiều, nhưng đó là cách làm tăng lượng carbohydrate. Cách làm này còn gây ra cảm giác thèm ăn, lại càng ăn nhiều hơn.
Ngoài việc tránh ăn quá nhiều các món ăn được làm từ tinh bột ra, bạn cũng nên chú ý khi ăn các món ăn có hàm lượng tinh bột cao như khoai lang, khoai tây, khoai mỡ, khoai sọ, củ sen, ngô ngọt, đậu ngọt, đậu tằm. Hãy nhớ giảm lượng lương thực, để đảm bảo rằng tổng lượng carbohydrate bạn ăn không bị vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
2. Thích ăn món tinh mịn mà không chịu ăn thực phẩm thô
Gạo, bột mì được xem là thực phẩm dạng tinh bột chủ yếu trong khẩu phần ăn hàng ngày của nhiều người. Tuy nhiên, hầu hết các loại hạt, đậu, khoai mới là những món ăn có lượng đường thấp hơn.
Lời khuyên của PGS Hồng là nên dùng các thực phẩm bổ sung ở dạng ngũ cốc thô kể trên thay thế một phần gạo và bột mì được xay xát chế biến quá tinh mịn. Điều này sẽ giúp cho việc phòng ngừa và hạn chế tăng lượng đường trong máu và mỡ máu hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sự kết hợp thức ăn theo kiểu ăn trộn, dùng sữa bò, sữa đậu nành trộn với các loại hạt có thể có tác dụng tốt trong việc làm giảm sự giao động của chỉ số đường huyết sau khi ăn.
3. Thứ tự ăn uống không khoa học
Việc kết hợp thực phẩm khi ăn uống một cách khoa học có thể giúp trì hoãn việc tiêu hóa tinh bột, bình ổn lượng đường trong máu.
Cách ăn uống cần có trình tự trước sau khoa học, đầu tiên nên ăn rau, thịt, sau đó bắt đầu ăn thức ăn chính. Nên ăn đan xen cơm và thức ăn. Cách ăn này sẽ làm cho lượng đường trong máu giao động ít hơn so với việc ăn cơm trước, ăn miếng cơm to mà ăn rau kèm theo lại ít.
Ngoài ra, bạn cần chú ý hạn chế ăn các thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ. Mặc dù thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ bản thân nó không làm tăng lượng đường trong máu, nhưng khi ăn quá nhiều dầu mỡ sẽ làm cho bạn dễ bị béo phì, làm giảm sự nhạy cảm của cơ thể với insulin, gián tiếp gây bệnh.
4. Thường xuyên ngồi nhiều, không hay vận động
Chuyên gia thực phẩm Phạm Chí Hồng
Ngoài việc chú ý chế độ ăn uống, một trong những biện pháp quan trọng trong việc cải thiện lượng đường trong máu chính là tập thể dục, tăng cường vận động và rèn luyện cơ bắp.
Mỗi người đều có thể chọn cho mình những môn thể thao hoặc vận động phù hợp như đi bộ, chạy bộ chậm, bơi lội, đi xe đạp, các bài tập aerobic dạng đơn giản, vừa phải.
Cần tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày, 5 lần/tuần.
Những người mắc bệnh tim, huyết quản, xương khớp thì có thể tư vấn tham khảo ý kiến chuyên gia trước thực hiện các bài tập thể dục để lựa chọn mức độ an toàn, phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân.
Nếu thực hiện được việc thay đổi 4 thói quen xấu ở trên thì bạn có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường hoặc giảm nhẹ tình trạng bệnh. Đây cũng là lời khuyên tốt cho những người đã mắc tiểu đường có thể khắc phục tình trạng bệnh hiệu quả hơn.
*Theo Health/TT
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!