Chuyên gia môi trường y tế chỉ rõ tiêu chuẩn về phơi nhiễm thuỷ ngân

Cần biết - 05/07/2024

Vụ cháy ở nhà máy Rạng Đông đã khiến nhiều người dân hoang mang lo lắng trước nguy cơ nhiễm phải thủy ngân được phát tán ra từ nhà máy.

Để người dân hiểu rõ hơn tiêu chuẩn về phơi nhiễm thủy ngân, cũng như mức độ ảnh hưởng của thủy ngân như thế nào đến sức khỏe người dân, Báo Sức khỏe &Đời sống đã có cuộc trao đổi độc quyền với TTƯT.PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế về những thông tin liên quan.

PV: Trước lo lắng nhiễm độc thủy ngân của nhiều người dân sống xung quanh khu vực cháy của Công ty Rạng Đông xin PGS cho biết con người có thể bị phơi nhiễm thủy ngân như thế nào?

TTƯT.PGS.TS Nguyễn Huy Nga:Thủy ngân tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau: nguyên tố (hoặc kim loại) và vô cơ (con người có thể bị phơi nhiễm thông qua nghề nghiệp của họ); và hữu cơ (ví dụ như methyl thủy ngân, con người có thể bị phơi nhiễm qua chế độ ăn uống). Những dạng thủy ngân này khác nhau về mức độ độc hại và tác động lên hệ thần kinh, tiêu hóa và miễn dịch, và lên phổi, thận, da và mắt.

Thủy ngân có trong vỏ trái đất. Nó được phóng thích vào môi trường từ hoạt động của núi lửa, sự phong hóa của đá và là kết quả từ hoạt động của con người. Hoạt động của con người là nguyên nhân chính của việc phóng thích thủy ngân, đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện đốt than, đốt than ở nhà để sưởi ấm và nấu ăn, quy trình sản xuất công nghiệp, lò đốt chất thải và là kết quả của việc khai thác thủy ngân, vàng và các kim loại khác.

Chuyên gia môi trường y tế chỉ rõ tiêu chuẩn về phơi nhiễm thuỷ ngân

TTƯT.PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng.

Khi vào môi trường, thủy ngân có thể được chuyển hóa bởi vi khuẩn thành methyl thủy ngân. Sau đó, methyl thủy ngân tích lũy sinh học (bioaccumulation) (sự tích lũy sinh học xảy ra khi sinh vật chứa nồng độ methyl thủy ngân cao hơn so với môi trường xung quanh) trong cá và hải sản có vỏ. Methyl thủy ngân cũng gia tăng sinh học (biomagnify). Ví dụ, cá lớn săn mồi có nhiều khả năng có hàm lượng thủy ngân cao là do chúng ăn nhiều cá nhỏ hơn nhiễm thủy ngân do ăn các sinh vật phù du.

Như vậy, có thể nói con người có thể bị phơi nhiễm thủy ngân ở bất kỳ dạng thủy ngân nào trong những tình huống khác nhau. Tuy nhiên, sự phơi nhiễm xảy ra chủ yếu qua việc ăn cá và hải sản có vỏ bị nhiễm methyl thủy ngân và công nhân hít phải hơi thủy ngân trong quá trình sản xuất công nghiệp. Việc nấu chín thực phẩm không loại bỏ được thủy ngân.

PV : Nếu như vậy bình thường mọi người ai cũng có thể nhiễm thủy ngân ở mức độ nào đó. Vậy theo ông các yếu tố xác định sự tác động đến sức khỏe và mức độ nghiêm trọng của thủy ngân là như thế nào?

TTƯT.PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Đúng, tất cả mọi người đều phơi nhiễm thủy ngân ở một mức độ nào đó. Hầu hết mọi người đều phơi nhiễm thủy ngân ở hàm lượng nhỏ, thường là phơi nhiễm mạn tính (tiếp xúc liên tục hoặc không liên tục trong thời gian dài). Tuy nhiên, một số người phơi nhiễm thủy ngân ở hàm lượng cao, bao gồm phơi nhiễm cấp tính (phơi nhiễm xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn, thường dưới một ngày). Một ví dụ về phơi nhiễm cấp tính là phơi nhiễm thủy ngân do tai nạn công nghiệp.

Các yếu tố xác định sự tác động đến sức khỏe và mức độ nghiêm trọng bao gồm: Loại thủy ngân; Liều lượng; Độ tuổi hoặc giai đoạn phát triển của người khi phơi nhiễm (thai nhi dễ bị ảnh hưởng nhất); Thời gian phơi nhiễm; Đường phơi nhiễm (hít, nuốt phải hay tiếp xúc qua da).

Chuyên gia môi trường y tế chỉ rõ tiêu chuẩn về phơi nhiễm thuỷ ngân

Tác động chính đến sức khỏe của methyl thủy ngân là làm tổn hại đến sự phát triển của hệ thần kinh.

Nhìn chung, có hai nhóm tuổi nhạy cảm hơn với tác động của thủy ngân. Thai nhi dễ bị thủy ngân tác động đến sự phát triển. Phơi nhiễm methyl thủy ngân trong tử cung có thể do người mẹ ăn cá và hải sản có vỏ. Nó có thể ảnh hưởng xấu đến não bộ và hệ thần kinh đang phát triển của trẻ. Tác động chính đến sức khỏe của methyl thủy ngân là làm tổn hại đến sự phát triển của hệ thần kinh. Do đó, tư duy nhận thức, trí nhớ, sự chú ý, ngôn ngữ, thần kinh vận động và khả năng quan sát có thể bị ảnh hưởng ở trẻ bị phơi nhiễm methyl thủy ngân ở giai đoạn bào thai.

Nhóm thứ hai là những người thường xuyên phơi nhiễm (phơi nhiễm mạn tính) với hàm lượng thủy ngân cao (chẳng hạn như những người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh cá hoặc những người phơi nhiễm do nghề nghiệp). Một ví dụ quan trọng của phơi nhiễm thủy ngân ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng là ở Minamata, Nhật Bản, từ năm 1932 đến năm 1968, nơi nhà máy sản xuất axit acetic xả nước thải vào Vịnh Minamata. Nước thải chứa nồng độ methyl thủy ngân cao. Đây là vịnh rất giàu cá và hải sản có vỏ, cung cấp sự mưu sinh chính cho cư dân địa phương và ngư dân từ các khu vực khác.

Trong nhiều năm qua, chưa ai nhận ra rằng cá bị nhiễm thủy ngân, và điều đó đã gây ra một căn bệnh lạ trong cộng đồng địa phương và các khu vực khác. Ít nhất 50.000 người bị ảnh hưởng ở mức độ chừng mực và hơn 2.000 trường hợp mắc bệnh Minamata đã được ghi nhận. Bệnh Minamata đạt đỉnh điểm vào thập niên 1950, với những trường hợp nghiêm trọng bị tổn thương não, liệt, nói không mạch lạc và mê sảng.

PV:Trở lạithông tin liên quan đếnvụ cháy Công ty Rạng Đông khiến nhiều gia đình ở gần lo lắng phải đi ở nhờ thậm chí rao bán nhà vì lo sợ nhiễm thủy ngân, là một chuyên gia về y tế lại trong lĩnh vực liên quan đến môi trường ông suy nghĩ sao về vấn đề này?

TTƯT.PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Sau khi vụ cháy xảy ra, các phương tiện truyền thông đưa tin ởnhiều góc độ khác nhau, từ nhiều nguồn khác nhau, đôi khi nói quá lên khiến nhiều người hoang mang lo sợ. Thực ra câu chuyện có thể đi theo một chiều hướng tích cực hơn nếu cộng đồng có được thông tin chính xác, minh bạch và khoa học về ảnh hưởng của sự cố cháy nhà máy lên sức khỏe con người sống ở gần đó.

Tôi có cảm nhận là một số người đã hiểu sai về bản chất của vấn đề, một số người thì lại đưa tin theo kiểu đe dọa người dân khi cứ nhấn mạnh là hàm lượng thủy ngân đo được trong không khí gấp 1,6 lần rồi trong nước sông gần khu vực thải ra gấp 6 lần tiêu chuẩn WHO. Trong khi đó thì WHO không hề có các khuyến cáo về tiêu chuẩn nước thải. Thậm chí có người còn cảm thấy thất vọng khi nhưng kết quả đo đạc ở khu dân cư nằm trong ngưỡng an toàn.

Thực tế thì WHO chỉ có khuyến cáo về tiêu chuẩn thủy ngân trong nước uống là 1 micro gram trong 1 lít nước và 1 micro gram thủy ngân trong một mét khối không khí. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Việt Nam giới hạn trong nước uống từ vòi cũng như của WHO là 1 micro gram trong 1 lít. Còn đối với nước đóng chai thì quy chuẩn quốc gia cho phép tới 6 micro gram trong 1 lít tức là gấp 6 lần và đúng bằng kết quả được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố về xét nghiệm nước thải ra sông cách nhà máy 500 mét.

Còn con số hàm lượng thủy ngân đo được trong không khí khu dân cư gần nhà máy là 1,6 microgram lít thì an toàn đối với sức khỏe nhưng một số người cứ nhấn mạnh để hù dọa người dân thường không hiểu biết về tiêu chuẩn cho phép. Vì con số trung bình 1 microgram thủy ngân trong 1 mét khối không khí là số trumg bình mà WHO đưa ra trong cả năm. Có những thời điểm nó cao lên gấp chục lần, có thời đếm nó thấp hơn chục lần.

Tiêu chuẩn của Việt Nam mà Bộ TNMT ban hành dối với không khi xung quanh là 0,3 microgram trên 1 mét khối không khí. Vì vậy nếu gấp 1,6 lần tiêu chuẩn thì mới xấp xỉ tiêu chuẩn khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới nên không có gì phải lo lắng.

Thêm vào đó tiêu chuẩn vệ sinh lao động của Việt Nam đối với người làm việc trong môi trường có thủy ngân là 30 microgram trên 1 mét khối cho 8 giờ làm việc. Tức là cao gấp 30 lần số với con số đo được sau vụ cháy ở khu dân cư. Còn tiêu chuẩn vệ sinh lao động của Hoa Kỳ là 50-100 microgram thủy ngân trong một mét khối không khí cho ca làm việc 10 giờ. Tức là gấp 300 lần tiêu chuẩn không khí của Việt Nam.

Một số phương tiện truyền thông cũng ồn ào về việc nhiều người dân có triệu chứng ngộ độc như ho, đau đầu. Những triệu chứng đó có thể do nhiều nguyên nhân trong đó có cả vụ cháy nhà máy. Tuy nhiên, trong khói cháy phát ra thì còn có nhiều khi độc gây ho, đau đầu khác chứ không cứ là thủy ngân. Còn các triệu chứng lâm sàng ngộ độc cấp do khí thủy ngân thì chỉ xuất hiện ở người lớn khi nồng độ thủy ngân trong không khí từ 1 mg thủy ngân trong 1 mét khối không khí. Tức là hàm lương thủy ngân trong không khí phải cao gấp 1000 lần hàm lượng mà cơ quan quan trắc môi trường đo được ở khu dân cư tiếp giáp với nhà máy Rạng Đông.

Như vậy, sau khi cháy xong, ở ngưỡng đo cho phép an toàn người dân có thể về ăn ở sinh hoạt. Việc dân lo lắng, đi tản đi nơi khác và bán rẻ nhà đất theo cá nhân tôi là không nên.

PV: Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!